Ấn Độ tranh cãi về những chiếc cốc in hình mẹ mắng con

Chuyên gia cho rằng việc các món quà nhìn nhận và khắc họa cảm xúc bực tức của các bà mẹ Ấn Độ là bước đầu thay đổi định kiến về hình ảnh người mẹ 'tận tụy vì gia đình'.

 Phụ nữ thường bị đóng khung là bà nội trợ toàn thời gian, hoặc "bà mẹ siêu nhân" chu toàn sự nghiệp lẫn việc nhà. Ảnh: Reuters.

Phụ nữ thường bị đóng khung là bà nội trợ toàn thời gian, hoặc "bà mẹ siêu nhân" chu toàn sự nghiệp lẫn việc nhà. Ảnh: Reuters.

Một phụ nữ Ấn Độ dọa sẽ kể tội con trai với chồng. Với cây lăn bột trên tay, bà mắng mỏ con vì suốt ngày dán mắt vào điện thoại. Bà còn khuyên con ăn đồ đã nấu chín và đừng đòi hỏi vô lý.

Những câu chuyện khắc họa hình ảnh và tâm trạng các bà mẹ Ấn Độ như trên đã xuất hiện trên nhiều món quà, như cốc cafe và đệm, để kỷ niệm Ngày của Mẹ năm nay.

Những món quà này - thể hiện nỗi bực bội của các bà mẹ theo cách hài hước - dường như đi ngược với nhận thức ở Ấn Độ rằng hình ảnh người mẹ đại diện cho sự hy sinh.

Các chuyên gia nghiên cứu về giới cho hay việc thừa nhận những thực tế này là bước đầu tiên trong hành trình thay đổi định kiến về những người mẹ “vị tha” và “tận tụy với gia đình”.

“Các bà mẹ có thể tức giận và thất vọng khi phải làm việc nhà cả ngày,” Sucharita Sarkar - phó giáo sư tại Đại học Thương mại DTSS có trụ sở tại Mumbai - cho biết.

“Nhiều loại hàng hóa mới đang dùng sự hài hước để khắc họa sự kiệt sức của các bà mẹ. Chúng lấy đi lớp mặt nạ về tình mẫu tử bằng cách cho mọi người biết về cảm giác của các bà mẹ và bắt đầu thảo luận về cảm xúc của họ”, vị chuyên gia cho hay.

Hoặc là bà nội trợ, hoặc là "bà mẹ siêu nhân"

Những món quà trong Ngày của Mẹ năm nay in hình những câu nói phổ biến của các bà mẹ Ấn Độ. Ví dụ, một cốc cafe in hình người phụ nữ nói “con sẽ hiểu khi có con”. Trên chiếc cốc khác, người mẹ hét lên với đứa con đang ngủ: “Đồ vô dụng, ra khỏi giường ngay!”.

Cây lăn bột và cán chổi - những đồ gia dụng các bà mẹ Ấn Độ thường dùng để dọa nạt khi trẻ em cư xử không đúng mực - cũng xuất hiện trong danh sách món quà.

Bà Sarkar cho rằng những món đồ này thừa nhận việc có những “người mẹ kháng cự và không chuẩn mực”, đồng thời “gửi thông điệp về các bà mẹ không hoàn hảo”.

Khảo sát hàng năm của chính phủ cho thấy tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động tại Ấn Độ là 32,8% trong giai đoạn 2021-2022. Nhiều phụ nữ thường bỏ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng cũng có người tìm cách cân bằng giữa công việc và gia đình.

Xã hội Ấn Độ quan niệm hình ảnh người mẹ gắn liền với sự hy sinh. Ảnh: Reuters.

Bà Sarkar cho biết phụ nữ Ấn Độ được phân thành những bà mẹ ở nhà nội trợ hoàn toàn hoặc “bà mẹ siêu nhân” cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và công việc toàn thời gian.

Trong bài báo năm 2020 của vị chuyên gia này về vai trò người mẹ ở Ấn Độ, bà phân tích tập phim hoạt hình của một thương hiệu bơ địa phương nổi tiếng, trong đó mô tả người phụ nữ vừa đảm đương công việc chuyên môn, vừa lo việc nhà và giúp con gái làm bài tập ở trường.

Lời giới thiệu phim hoạt hình ghi “người toàn diện được yêu thích nhất”, ám chỉ trách nhiệm cân bằng của người làm mẹ.

Xã hội “có xu hướng tôn vinh thiên chức làm mẹ mà không trao quyền cho họ, nhằm duy trì hiện trạng xã hội gia trưởng. Sự tôn vinh này là chiến lược bù đắp mà không cần hỏi liệu họ có hài lòng với những gì mình đang làm hay không”, bà Sarkar nói.

Thông điệp trên các mặt hàng trong Ngày của Mẹ “không tôn vinh” sự hy sinh của người mẹ và đã biến câu chuyện này thành cuộc thảo luận thẳng thắn. Một người phàn nàn mình trở thành “người giúp việc trong nhà”, trong khi có người nói không ai chia sẻ trách nhiệm làm việc nhà với cô.

Cần cuộc giải phóng “cơ thể, trái tim và khối óc” phụ nữ

Tuy nhiên, Kiran Manral - tác giả cuốn Karmic Kids: The Story of Parenting Nobody Told You - cho rằng cách khắc họa này tạo ấn tượng về những người mẹ thường xuyên than vãn và cằn nhằn.

“Mặc dù tôn thờ mẹ là một thái cực, phỉ báng họ lại mang thái cực khác. Gánh vác việc nhà nên bức xúc là lẽ đương nhiên, phải đồng cảm với họ chứ không nên mang sự bức xúc ấy ra làm trò cười”, bà nói.

Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động tại Ấn Độ là 32,8% trong giai đoạn 2021-2022. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, bà Sarkar nói sự việc này có thể củng cố niềm tin chỉ có người mẹ chịu trách nhiệm làm việc nhà, trong khi người cha vẫn là bên ra quyết định và trụ cột chính trong gia đình.

“Cuộc thảo luận về vai trò làm mẹ phải thay đổi bằng cách kết hợp niềm tin rằng các thành viên khác trong gia đình cần đóng góp bình đẳng vào công việc nhà và mẹ cũng là người đưa quyết định”, vị phó giáo sư cho hay.

Amrita Nandy - tác giả cuốn Motherhood and Choice: Uncommon Mothers, Childfree Women - nói văn hóa Ấn Độ chưa bao giờ thách thức vai trò chăm sóc truyền thống của phụ nữ.

Bà lập luận Ấn Độ cần chú trọng ở cấp độ xã hội và tập thể, để thay đổi thực tế phụ nữ suốt nhiều thế hệ phải gánh vác việc chăm sóc tại nhà không ngừng nghỉ, đồng thời giải phóng “cơ thể, trái tim và khối óc” của phụ nữ để họ nỗ lực và đưa ra những quyết định lớn hơn.

“Chúng ta cần cuộc đại tu lớn hơn, nhất quán và nghiêm túc để điều này xảy ra”, bà nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-do-tranh-cai-ve-nhung-chiec-coc-in-hinh-me-mang-con-post1431274.html