Ấn Độ trong 'vòng xoáy' khan hiếm tiền mặt

Trong bối cảnh hoạt động thanh toán điện tử đang bùng nổ ở Ấn Độ, nhiều người dân của quốc gia Nam Á này vẫn giữ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt. Do đó, tình trạng hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) bị tê liệt cùng với việc ngân hàng hạn chế cho rút tiền xảy ra gần đây, dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền mặt trầm trọng tại nước này.

Hồi tháng 4, ông Sampath Kumar Lohati, nhân viên bảo hiểm đã phải chạy xe quanh thành phố Warangal ở bang Telangana, phía Nam Ấn Độ suốt 4 tiếng đồng hồ để cố gắng rút tiền. “Tôi đã thử ít nhất 50-60 máy ATM, nhưng tất cả đều cạn kiệt”, ông Sampath Kumar Lohati chia sẻ với The New York Times.

Về phần mình, ông G.Ravinder, kiến trúc sư ở Warangal, cho biết ông đã trả chi phiếu cho đội ngũ người lao động làm việc trong các dự án của mình, nhưng những người này vẫn không thể đổi lấy tiền mặt khi mang chi phiếu tới ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (State Bank of India), nơi ông đăng ký giao dịch, cũng không cho phép ông rút đủ tiền mặt như mong muốn để trang trải các chi phí vận hành dự án xây dựng của mình. “Tôi đã đến ngân hàng để rút 40.000 rupee, nhưng họ nói chỉ có thể cho rút 20.000 rupee”, ông nói.

Máy ATM ở Ấn Độ treo biển báo “không có tiền mặt”. Ảnh: AP.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng thiếu tiền mặt ở Ấn Độ không chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân đơn lẻ mà có nguồn gốc từ sự kết hợp của nhiều yếu tố. “Gốc rễ” của tình trạng này là cuộc khủng hoảng tiền mặt xảy ra gần đây nhất tại Ấn Độ vào tháng 11-2016, khi Thủ tướng Narendra Modi bất ngờ tuyên bố hủy bỏ lưu hành các tờ tiền mệnh giá phổ biến nhất là 500 và 1.000 rupee, chiếm hơn 80% lượng tiền lưu hành ở nước này. Thủ tướng Ấn Độ giải thích mục đích của quyết định trên là chống lại “tiền đen” (các khoản thu bất chính, thường được giữ dưới dạng tiền mặt, như tiền trốn thuế, phạm tội và tham nhũng). Quyết định nói trên không chỉ khiến nhiều người có thu nhập thấp, tiểu thương và dân thường vốn phụ thuộc vào tiền mặt bị ảnh hưởng nặng nề mà các doanh nghiệp cũng gặp khốn đốn do thiếu tiền. Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2016, Chính phủ Ấn Độ đã không in đủ số lượng tiền giấy cần thiết để đáp ứng được nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của nước này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley nhận định, sự gia tăng đột biến về nhu cầu tiền tệ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt. Chỉ trong 13 ngày đầu tháng 4-2018, nhu cầu tiền mặt tại Ấn Độ tăng thêm 450 tỷ rupee, tương đương 6,84 tỷ USD. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia phân tích, chính những yếu kém của hệ thống ngân hàng nước này là nguyên nhân của tình trạng thiếu tiền mặt. Tại 2 bang của Ấn Độ là Andhra Pradesh và Telangana, rất nhiều người đã rút lượng lớn tiền bởi lo sợ về tác động của luật tài chính và bảo hiểm tiền gửi mới. Theo Economic Times, luật mới sẽ quy định người gửi tiền phải chịu mọi thiệt hại nếu ngân hàng có vấn đề liên quan đến giải quyết nợ xấu.

Tình trạng ATM không nhả tiền và ngân hàng hạn chế số tiền rút gây tác động xấu đến niềm tin của người dân đối với ngân hàng, vốn dĩ đã bị sụt giảm trong thời gian gần đây sau khi Ngân hàng Quốc gia Punjab cùng các nhà điều tra chính phủ cáo buộc một cá nhân biển thủ 1,8 tỷ USD trong suốt nhiều năm liền do tình trạng quản lý yếu kém của ngân hàng này. Radha Rani, quản lý cấp cao của Ngân hàng Ấn Độ (Indian Bank), thừa nhận: "Rất nhiều người tỏ ra hoang mang sau vụ việc đó". "Ngày nay người ta muốn trữ tiền trong nhà hay đầu tư vào bất động sản. Họ sợ rằng sẽ bị mất tiền nếu gửi vào ngân hàng. Rất nhiều người đã nói trực tiếp với chúng tôi như vậy", ông chia sẻ với The New York Times.

Nếu như tình trạng khan hiếm tiền mặt không nhanh chóng chấm dứt, sẽ có nhiều người dân Ấn Độ lo lắng cho “vận mệnh" khoản tiền gửi và sẽ đi rút tiền từ ngân hàng về nhà để cất giữ. “Chúng tôi gửi tiền của mình vào ngân hàng với suy nghĩ rằng bất cứ khi nào cần đều có thể rút được. Khi ngân hàng không cho rút đủ tiền, mọi người sẽ nghĩ gửi tiền ở ngân hàng không an toàn”, kiến trúc sư G.Ravinder nói.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt gây ra nhiều mối lo cho Chính phủ Ấn Độ bởi chính phủ luôn khuyến khích người dân nước này giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt. Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, chính phủ nước này đang thực hiện tất cả biện pháp để bảo đảm rằng các máy ATM đều được cung cấp đủ tiền mặt và các máy chưa hoạt động sẽ sớm trở lại bình thường.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/an-do-trong-vong-xoay-khan-hiem-tien-mat-538540