Ấn Độ - Trung Quốc: Đằng sau sự hào nhoáng

Mặc dù đã trở thành những nền kinh tế nổi bật của khu vực, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn phải đau đầu trước một thực trạng là quốc gia thì đang giàu lên nhưng cuộc sống của nhiều người dân lại nghèo đi

small_5927.jpg Những khoảng cách Năm 2007, toàn Trung Quốc có đến 106 tỉ phú. Trong khi đó, tỷ lệ tiền lương tính trên GDP đã giảm từ 53% vào năm 1998 xuống còn 41% vào năm 2005, theo một nghiên cứu của nhà kinh tế học Louis Kuijs và He Jianwu ở chi nhánh ngân hàng thế giới đặt tại Bắc Kinh. Một thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy trung bình một người lao động chỉ kiếm được khoảng 240 USD/tháng trong năm 2006. Trung Quốc hiện là quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất trong khu vực châu Á. Hệ số Gini (hệ số tính trên thu nhập của người nghèo nhất và người giàu nhất, biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, có giá trị từ 0 đến 1) của Trung Quốc đã tăng từ 0,41 vào năm 1993 lên đến 0,47 vào năm 2004 và hiện có thể đang ở mức 0,5, trong khi hệ số này ở Mỹ là 0,46. Ở Ấn Độ, theo báo cáo World Wealth Report, số người có tài sản trên 1 triệu USD của nước này đã tăng 20,5% trong năm ngoái và số dân “triệu đô” ở Ấn Độ hiện là 100.015 người. Nhưng đa số trong 1,1 tỉ dân Ấn Độ hiện vẫn sống trong nghèo đói. Một khảo sát của viện Y học All India cho thấy 76% phụ nữ Ấn giàu có bị bệnh béo phì, khảo sát của ngân hàng thế giới cho thấy 45% trẻ em Ấn dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vì nghèo. Từ những vết nứt Theo thống kê của ủy ban quốc gia về doanh nghiệp Ấn Độ, có đến 394,9 triệu người lao động ở Ấn Độ, hay 86% lực lượng lao động, không được một tổ chức công đoàn nào bảo vệ. Gần 80% trong số này sống với mức chi tiêu chưa đến 20 rupees (khoảng 8.000 VND) một ngày. Tình hình sử dụng lao động ở Trung Quốc còn tồi tệ và đáng báo động hơn. Vụ sử dụng người lao động như nô lệ trong các lò gạch ở tỉnh Sơn Tây và Hà Nam bị phanh phui vào tháng 6 vừa qua là một ví dụ. Ở Ấn Độ những người kiếm được 6.250 – 25.000 USD/tháng phải đóng 30% thu nhập cho thuế, thu nhập cao hơn thì ngoài việc phải đóng thuế 30% thu nhập dưới 25.000 USD, còn phải trích tiếp 10% khoản thu nhập trên 25.000 USD cho thuế. Nhưng chỉ một số ít người đóng thuế thu nhập và chính phủ không trừng phạt thích đáng những người trốn thuế nên chính sách thuế trên không phát huy tác dụng. Ở Trung Quốc, chính sách thuế không thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vì nạn trốn thuế trên diện rộng, dù thuế suất thu nhập ở Trung Quốc cao hơn các nước châu Á khác. Hậu quả Trong sáu năm trở lại đây, kinh tế thế giới tăng trưởng liên tục, nhưng thực chất phần lớn của chiếc bánh tăng trưởng nằm trên dĩa của người giàu. Sự tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đã không mang lại sự tăng trưởng cho từng người dân. Ở Trung Quốc, việc tư nhân hóa đất công bắt đầu vào năm 1980 và tăng mạnh vào những năm 1990 đã chuyển nhiều đất đai của nhà nước thành tài sản riêng của nhiều “cá nhân đặc biệt”, khiến những người này giàu thêm và ngày càng có khoảng cách thu nhập xa hơn đại bộ phận người dân . Khi sự bất bình đẳng lên đến đỉnh điểm hàng loạt xung đột xã hội sẽ phát sinh. Đó là quy luật. Chỉ riêng một năm qua, Trung Quốc phải đối đầu với hàng loạt vụ biểu tình lớn nhỏ xảy ra. Tất cả vụ này đều bắt nguồn từ sự phẫn nộ của dân nghèo vì bị thu hồi ruộng đất một cách bất minh và bất bình trước sự vô trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghiệp đối với môi trường. Trong khi đó, ở Ấn Độ các nhóm bạo động, thường được biết đến với cái tên Naxalites, đang lợi dụng sự phân hóa giàu nghèo để thực hiện các vụ tấn công đã gây nên tình trạng bất ổn ở một số khu vực nông thôn nước này. Sự việc nghiêm trọng đến mức, vào năm 2006 Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từng tuyên bố rằng Naxalites “là mối đe dọa an ninh nội địa lớn nhất đối với Ấn Độ kể từ khi được độc lập”.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29312-an-do-trung-quoc-dang-sau-su-hao-nhoang