Ấn Độ trước bóng ma khủng hoảng 1991

(Cadn.com.vn) - New Delhi đang cần lắm một liều thuốc cải cách kinh tế khẩn cấp. Nếu không, nước này có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự năm 1991 trong bối cảnh đồng rupee mất giá 20% so với đồng USD kể từ tháng 4-2013 đến nay.

Rất nhiều nguy cơ...

Giá trị đồng rupee giảm mạnh xuống mức thấp nhất, thâm hụt tài khoản ở mức cao nhất từ trước đến nay và lạm phát đang ở mức 10%/năm khiến Ấn Độ gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng.

Trên thực tế, nhiều người bắt đầu tự hỏi liệu đất nước sẽ đối mặt với một loạt các sự kiện như đã xảy ra vào mùa hè năm 1991 hay không. Vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng buộc New Delhi phải bán vàng dự trữ để đảm bảo tài chính quốc tế. Duvvuri Subbarao, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương thừa nhận, các nhà hoạch định chính sách ít khi rút ra được bài học từ những sai lầm của họ. Hiện, các nhà kinh doanh lo lắng, các điều kiện dẫn đến một cuộc khủng hoảng tương tự năm 1991 đã chín muồi.

Tuy nhiên, Thủ tướng Manmohan Singh thẳng thừng bác bỏ sự so sánh này. Về cơ bản, ông Singh đã đúng, bởi Ấn Độ ở một vị trí khác hẳn 2 thập kỷ trước đây. Tuy nhiên, chính sự chủ quan này một lần nữa giữ chặt New Delhi, đẩy đất nước trở lại năm 1991. Quản lý kinh tế yếu kém là một điều dễ thấy trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Singh. Nhiều người mỉa mai, ông và nhóm nghiên cứu kinh tế hiện tại đã kéo đất nước ra khỏi ngọn lửa cách đây 22 năm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của ông Singh trong vai trò một hoạch định chính sách. Bởi cấu trúc đặc thù của New Delhi tồn tại từ xưa tới nay và không dễ gì thay đổi được.

Các quan chức cũng cho rằng, lý do sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện tại có thể bắt đầu từ cách đây 3 tháng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FDI) cho biết sẽ giảm bớt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, vốn giữ thanh khoản toàn cầu ở mức cao một cách giả tạo trong những năm gần đây. Tín hiệu này khiến các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rút tiền ra khỏi một số thị trường mới nổi. Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Giá trị đồng rupee giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. Ảnh: Diplomat

... Nhưng có lẽ không giống năm 1991

Như Thủ tướng Singh lập luận, Ấn Độ phát triển mạnh hơn so với 2 thập kỷ trước đây. Nền kinh tế tăng gấp 4 lần kể từ đó và theo Ngân hàng Thế giới, nước này giờ đây vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (tính trên cơ sở sức mua tương đương). Ngược với năm 1991, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ ngày nay có dự trữ ngoại tệ lớn (khoảng 270 tỷ USD). New Delhi hiện nay không bị chôn vùi trong nợ nước ngoài như năm 1991 khi khoản nợ quốc gia chỉ chiếm 30% doanh thu xuất khẩu.

Một điểm khác biệt nữa, là những bất ổn chính trị hiện nay cũng không giống với năm 1991. Vào thời điểm đó, đất nước phải trải qua 3 chính phủ với 3 thủ tướng và 3 Bộ trưởng Tài chính khác nhau, chỉ trong 18 tháng. Sau đó là bạo lực. Tiếp theo là vụ ám sát cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi. Cuộc nổi dậy lớn ở Kashmir và Punjab cũng góp thêm vào sự bất ổn đất nước. Vào mùa hè năm 1991, nhiều nhà quan sát cho rằng, đất nước đang trên bờ vực thảm kịch.

Nhưng nền kinh tế hiện nay đang bất ổn hơn nhiều so với năm 1991. Trước hết, hiện nay, sự mất cân bằng thương mại đang ở mức gần 5% GDP - cao hơn nhiều so với 2 thập kỷ trước đây và gần gấp đôi con số Ngân hàng Trung ương dự đoán. Trong khi chính phủ không vướng nợ nước ngoài, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang nợ rất nhiều. Tập đoàn Ấn Độ Inc đang chịu mức nợ tương đối cao và không có khả năng trả nợ nước ngoài. Khu vực tư nhân cũng chịu ảnh hưởng do hệ thống ngân hàng nhà nước đang ngập trong nợ xấu. Giờ đây, New Delhi cần yêu cầu một khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giống năm 1991.

Người ta hy vọng, bóng ma năm 1991 lưu lại đủ lâu để kích thích giới thượng lưu New Delhi - đặc biệt là các nhà lãnh đạo đảng hiện nay can đảm thực hiện những cải cách.

An Bình
(Theo Diplomat)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/new/122_102165_an-do-truoc-bong-ma-khung-hoang-1991.aspx