Ấn Độ trước rủi ro khí hậu

Tính khó dự đoán của gió mùa chỉ là một trong nhiều rủi ro mà Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới, phải đối mặt do biến đổi khí hậu.

Năm 2023, Ấn Độ chứng kiến một mùa hè đến sớm và khắc nghiệt. Ảnh: AP.

Dễ tổn thương

Ấn Độ nằm trong số 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước rủi ro khí hậu. Người dân nước này đang phải vật lộn với tỷ lệ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khiến con người phải di dời trên quy mô lớn, mất cơ sở hạ tầng, tử vong và giảm năng suất lao động vì căng thẳng về nhiệt.

Một nghiên cứu năm 2020 của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi - đã nhấn mạnh lỗ hổng này. Trong khi Ấn Độ chứng kiến 250 hiện tượng thời tiết cực đoan trong khoảng 35 năm (từ năm 1970 đến 2005), chỉ trong 14 năm sau đó (từ năm 2006 đến năm 2019), đã chứng kiến tới 310 hiện tượng thời tiết cực đoan và liên quan, bao gồm cả các đợt nắng nóng và lạnh giá.

Năm 2023 càng củng cố thêm rủi ro này. Tháng 2 là tháng nóng nhất kể từ khi việc ghi chép dữ liệu bắt đầu vào năm 1901 và các đợt nắng nóng xuất hiện sớm nhất là vào tháng 3, thay vì tháng 5 hoặc tháng 6 khi nhiệt độ mùa hè lên đến đỉnh điểm. Tiếp theo là bão Biparjoy vào tháng 6, cơn bão có thời gian tồn tại dài nhất ở phía Bắc Ấn Độ Dương trong hơn 45 năm và kéo dài trong 13 ngày 3 giờ. Sau đó là lượng mưa chưa từng có ở miền Bắc Ấn Độ, gây lở đất và lũ lụt, đặc biệt là ở bang Himachal Pradesh - nơi hơn 200 người đã thiệt mạng kể từ tháng 7.

Tính dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan này phát sinh do vị trí địa lý của Ấn Độ. Khu vực bán đảo của đất nước được bao quanh bởi vùng nước nhiệt đới - nơi đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ khu vực đại dương nhiệt đới nào khác, dẫn đến tần suất lốc xoáy lớn hơn. Trong khi đó, phía Bắc của đất nước được bao quanh bởi dãy Himalaya - nơi các sông băng đang tan chảy với tốc độ chưa từng thấy và gây ra lũ quét.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Roxy Mathew Koll - nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ và nhóm nhà khoa học đã chứng minh rằng, lốc xoáy đang tăng cường nhanh chóng như thế nào do các đại dương ấm lên ở vùng lân cận Ấn Độ.

Những dự đoán về những gì Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Năng suất lúa nhờ mưa có thể giảm 20% vào năm 2050 và nắng nóng cực độ có thể cắt giảm 15% công suất làm việc ngoài trời vào ban ngày vào năm 2050. Khoảng 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ có thể gặp rủi ro vào năm 2030 do mất nhiều giờ lao động do nhiệt độ và độ ẩm quá cao - Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ lưu ý trong một báo cáo năm 2023.

Những lo ngại về năng suất lúa giảm do gió mùa thất thường vào năm 2023 đã khiến Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trắng vào tháng 7, làm nổi bật tác động của biến đổi khí hậu đối với không chỉ an ninh lương thực của nước này mà còn của các nước khác.

Tất cả những điều này khiến Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động chống lại biến đổi khí hậu mà Thủ tướng Narendra Modi đã mô tả là một trong 3 mối đe dọa lớn nhất đối với nền văn minh.

Giải quyết những thách thức

Ấn Độ phải đối mặt với nhiều rủi ro về khí hậu nên không thể chờ đợi người khác hành động, đặc biệt là khi lượng khí thải trên thế giới tiếp tục tăng. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Deloitte vào năm 2021, chi phí thiệt hại ở Ấn Độ do không hành động về khí hậu có thể lên tới 35 nghìn tỷ USD vào năm 2070. Ở đây, việc thích ứng trở nên quan trọng vì nó sẽ cứu sống và tạo sinh kế ngắn hạn, trung hạn và xây dựng khả năng chống chịu lâu dài trước tác động của biến đổi khí hậu ở những nước như Ấn Độ.

Trong khi Ấn Độ đã làm rất tốt việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm khi lốc xoáy tấn công, thì những nỗ lực trong các lĩnh vực khác, như xây dựng nền nông nghiệp chống chịu khí hậu hoặc thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị để hấp thụ các cú sốc khí hậu vẫn bị tụt lại phía sau.

Tiến sĩ Chandni Singh - tác giả chính của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Định cư con người Ấn Độ, Bengaluru - cho biết, Ấn Độ cũng đã bỏ qua những lỗ hổng kinh tế - xã hội tiềm ẩn của mình có thể khiến trải nghiệm của một người về các cú sốc khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Chúng bao gồm khả năng tiếp cận kém với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điện, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác.

Điều này đặc biệt đúng với những người di cư nghèo và không có tay nghề ở các thành phố của Ấn Độ, những người đảm nhận công việc trong nền kinh tế phi chính thức mà không có bất kỳ lợi ích an sinh xã hội nào. Họ thiếu mạng lưới an toàn của gia đình hoặc người thân ở quê nhà cũng như sự hỗ trợ của chính phủ...

Tiến sĩ Singh cho rằng: “Sự thích ứng tốt được xây dựng trên nền tảng của sự phát triển tốt”, đồng thời kêu gọi các biện pháp trao quyền cho mọi người tự quyết định. “Nếu một số người muốn ở lại làng của họ, sinh kế ở đó phải được ổn định và có đủ cơ hội kinh tế. Và nếu một số người muốn chuyển đến các thành phố, họ phải được phép di chuyển theo cách an toàn và linh hoạt” - Tiến sĩ Singh nói.

Đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng, cũng như nhu cầu tạo ra một mô hình phát triển dựa trên khả năng tiếp cận năng lượng một cách hợp lý và công bằng là một thách thức khác. Tuy nhiên, ông Singh lưu ý rằng: “Ấn Độ đã sai khi đi theo mô hình tăng trưởng tương tự của phương Tây, điều này đã gây ra vấn đề ngay từ đầu”.

Ấn Độ đang bị coi là người đi chậm trong việc khử cacbon cho nền kinh tế. Hiện nay, phần lớn nguồn tài chính xanh của Ấn Độ đều đến từ các nguồn lực trong nước. Theo một nghiên cứu năm 2022 của Sáng kiến Chính sách Khí hậu, các nguồn tài trợ quốc tế chỉ chiếm 17% trong năm tài chính 2020.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-do-truoc-rui-ro-khi-hau-5728416.html