Ấn Độ tuyên chiến với đồ nhựa dùng một lần

Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức Ấn Độ cho biết ngày 2-10 tới, Thủ tướng Narendra Modi sẽ ban hành lệnh cấm sử dụng 6 sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên toàn quốc.

Rác nhựa phủ tràn ngập một kênh nước thải ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: PTI

6 sản phẩm này bao gồm bao bì, ly, dĩa, chai nhỏ, ống hút và một số loại túi sachet (túi nhỏ để đựng dầu gội, nước sốt...). Một quan chức Ấn Độ cho hay lệnh cấm sẽ áp dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất, sử dụng hàng ngày và nhập khẩu.

Lệnh cấm sẽ giúp cắt giảm 5-10% tổng lượng nhựa tiêu thụ 14 triệu tấn mỗi năm ở nước này. Người dân và các doanh nghiệp sẽ có 6 tháng để điều chỉnh thói quen và hoạt động để thích nghi với lệnh cấm trước khi các biện pháp xử phạt được áp dụng.

Các quan chức Ấn Độ cho biết chính phủ cũng sẽ yêu cầu các công ty thương mại điện tử cắt giảm lượng bao bì gói hàng hóa vốn đang chiếm gần 40% lượng nhựa tiêu thụ hàng năm ở Ấn Độ. Sự phổ cập của điện thoại di động giá rẻ và lượng người dùng Internet tăng vọt đã thúc đẩy số lượng đơn hàng từ các công ty thương mại điện tử như Amazon và Flipkart (công ty con của Walmart), nơi sử dụng bao bì nhựa để gói mọi mặt hàng từ sách, thuốc men cho đến mỹ phẩm.

Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu cấm tất cả các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2022. Bộ Môi trường, rừng và biến đổi khí hậu nước này mới đây công bố dự thảo Chính sách tiết kiệm nguồn lực quốc gia (NREP) 2019, trong đó lên kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% nhựa PET (Polyethylene Terephthalate) thường được sử dụng để sản xuất các chai nước.

Dự thảo NREP cũng đặt mục tiêu tái chế ít nhất 75% các loại nhựa khác và cấm vứt rác thải có thể tái chế như nhựa, kim loạt, gương, giấy ở các bãi rác vào năm 2025.

“Rác thải nhựa là một mối lo ngại nghiêm trọng vì chúng đóng góp đến 8% tổng lượng rác thải rắn ở Ấn Độ. Các hộ gia đình xả rác thải nhựa nhiều nhất, trong đó, các chai nước suối và nước ngọt bị vứt bỏ với khối lượng lớn. Tại Ấn Độ, 43% nhựa được sử dụng cho mục đích đóng gói và phần lớn chúng là các sản phẩm dùng một lần”, dự thảo cho biết.

Ấn Độ thiếu một hệ thống quản lý rác nhựa có tổ chức đồng bộ và điều này dẫn đến rác nhựa bị vứt bỏ bừa bãi ra đường, sông ngòi và các bãi rác ở nhiều thành phố. Trung bình mỗi ngày, Ấn Độ thải 26.000 tấn rác nhựa. Vào mùa mưa, chai nhựa ở các bãi rác tích lũy nước và trở thành môi trường để muỗi phát triển, gây đe dọa đến sức khỏe trong khu vực vì các căn bệnh lây truyền từ muỗi.

Hôm 29-8, công ty thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ Flipkart cho biết sẽ loại bỏ nhựa dùng một lần trong hoạt động gói hàng và hướng đến sử dụng 100% nhựa tái chế trong chuỗi cung ứng bắt đầu từ tháng 3-2021. Flipkart cho biết sử dụng bao giấy và các vụn carton để gói và lót hàng, thay thế cho bao bì nhựa và màng xốp hơi bong bóng. Năm ngoái, Flipkart đã giảm 25% lượng nhựa dùng một lần trong hoạt động gói hàng.

Cùng ngày, hãng hàng không quốc gia Air India thông báo bắt đầu sẽ hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên các chuyến bay. Chẳng hạn, các thìa nĩa nhựa sẽ được thay thế bằng các phiên bản bằng gỗ và chai nhựa nhỏ 200ml sẽ được thay bằng chai nhựa lớn 1.500ml.

Năm ngoái, thành phố Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ đã cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa dùng một lần như bao bì, thìa nĩa, ly dĩa và chai nhựa ở một số khu vực. Năm 2017, thủ đô New Delhi cũng cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, việc thực thi lệnh cấm ở hai thành phố còn lỏng lẻo.

Tình trạng ô nhiễm rác nhựa trên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đại dương, nơi gần 50% các sản phẩm nhựa dùng một lần tập kết, gây hủy hoại hệ sinh thái biển và đi vào chuỗi cung ứng thực phẩm cho con người (do các loài hải sản ăn phải rác nhựa).

Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch cấm sử dụng 10 sản phẩm nhựa dùng một lần phổ biến như tăm bông, dao nĩa, dĩa, ống hút, cây khuấy đồ uống, que gắn bong bóng và các hộp đựng thực phẩm làm bằng nhựa xốp hay còn gọi là nhựa EPS (Expanded Polystyrene)... vào năm 2021.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Thượng Hải đang dần hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở các cơ sở ăn uống, trong khi đó, chính quyền tỉnh Hải Nam đặt mục tiêu cấm triệt để các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2025.

Theo Reuters, CNN

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293468/an-do-tuyen-chien-voi-do-nhua-dung-mot-lan.html