Ấn Độ và Nga sẽ nối lại phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5

Ấn Độ và Nga sẽ sớm nối lại chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 dựa trên nền tảng máy bay Su-57, đó là nhận định của nhà quan sát quân sự Victor Litovkin. Theo lời chuyên gia này, Ấn Độ đã rất chú ý tới máy bay Su-57 tại triển lãm MAKS-2019 và sẽ sớm có đề xuất với Nga.

“Chúng ta có thể nhìn vấn đề một cách đơn giản là Dự án FAK FA đã lột xác thành Su-57. Máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga đã hoàn thành thử nghiệm và được sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 mới của Ấn Độ vẫn dậm chân tại chỗ. Tôi cho rằng, cho tới khi Su-57 có động cơ “Sản phẩm 30” mới, Ấn Độ sẽ đổi ý. Với truyền thống hợp tác lâu dài và có truyền thống giữa hai bên, New Delhi và Moscow sẽ tìm ra cách hợp tác mang lại hiệu quả tốt nhất cho mỗi bên”, chuyên gia Victor Litovkin đánh giá.

Trong tháng 7-2019, Đô đốc Birender Singh Dhanoa, Tư lệnh Không quân Ấn Độ tuyên bố, New Delhi sẽ xem xét về khả năng trang bị máy bay Su-57, sau khi nó được biên chế cho Không quân Nga. Cùng thời điểm đó, Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết, những lô Su-57 đầu tiên vẫn dùng động cơ AL-41F-1 tương tự như loại trang bị trên máy bay Su-35. Tới giai đoạn thứ 2 của chương trình, máy bay Su-57 sẽ được trang bị động cơ phản lực tiêu chuẩn “Sản phẩm 30” với nhiều tính năng ưu việt hơn.

 Máy bay Su-57E bay trình diễn tại MAKS-2019.

Máy bay Su-57E bay trình diễn tại MAKS-2019.

Nguyên mẫu Su-57E tại gian trưng bày của Sukhoi. Ảnh: THU HIỀN.

Hồi tháng 4-2018, giới truyền thông Ấn Độ và quốc tế đã công khai rộng rãi thông tin Ấn Độ tạm thời đóng băng chương trình phát triển máy bay chiến đấu mới FGFA hợp tác với Nga. Nguyên nhân của sự việc được cho là phía Nga từ chối không cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ lõi của dự án và kinh phí phát triển tăng cao.

Hiện tại, Không quân Ấn Độ đang gặp vấn đề thiếu máy bay chiến đấu nghiêm trọng. Trong khi các máy bay chiến đấu cũ sản xuất dưới thời Liên Xô và Pháp đã gần hết niên hạn phục vụ, thì các chương trình phát triển máy bay nội địa không đáp ứng yêu cầu, các hợp đồng nhập khẩu cũng không đạt kỳ vọng, đã khiến Ấn Độ phải xem xét lại chiến lược phát triển không quân trong tương lai gần.

Ngoài Ấn Độ, Su-57 cũng nhận được sự quan tâm từ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Cận Đông.

Su-57 là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 được Nga phát triển để cạnh tranh với đối thủ của Mỹ và phương Tây như F-22, F-35. Điểm mạnh của Su-57 không chỉ nằm ở khả năng tàng hình, mà còn là các công nghệ hàng không tiên tiến nhất của Nga hiện nay như radar mảng định pha chủ động (AESA), hệ thống hỗ trợ phi công ePilot, cũng như hàng loạt cảm biến và vũ khí hàng không hiện đại…

Không quân Nga từng triển khai Su-57 tới Syria với mục đích thử nghiệm khả năng thực chiến và hoàn thiện công nghệ. Công nghệ của máy bay Su-57 cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Mới đây, Tổng thống Nga khẳng định sẵn sàng xuất khẩu dòng máy bay thế hệ thứ 5 này với định danh có thể là Su-57E. Nhiều quốc gia trên thế giới đang quan tâm tới Su-57 và đây sẽ động lực để Nga sớm cho ra mắt biến thể xuất khẩu của dòng máy thế hệ thứ 5 này.

TUẤN SƠN (theo TASS)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/an-do-va-nga-se-noi-lai-phat-trien-may-bay-chien-dau-the-he-thu-5-590949