Ấn Độ và Trung Quốc tăng cường phát triển năng lượng tái tạo

ND - Phát triển năng lượng tái sinh là một trong những mục tiêu lớn mà Ấn Độ và Trung Quốc đang muốn đạt được. Báo Le Monde số ra gần đây cho biết, Ấn Độ dự kiến đầu tư khoảng 19 tỷ đô-la Mỹ trong vòng 30 năm tới để phát triển sản xuất năng lượng mặt trời.

Theo báo này, trong báo cáo mới đây trình Thủ tướng Man-mô-han Xinh, chính phủ nước này đã ấn định mục tiêu đưa tỷ lệ điện mặt trời lên 8% tổng sản lượng điện toàn quốc, cụ thể là sản xuất 20 nghìn MW vào năm 2020 và 200 nghìn MW vào năm 2050. Kế hoạnh này sẽ được công bố vào tháng 9 tới, trước Hội nghị thượng đỉnh Cô-pen-ha-ghen về biến đổi khí hậu. Hiện nay Ấn Độ là nước sản xuất năng lượng gió lớn thứ tư thế giới, tuy nhiên, về năng lượng mặt trời, sản lượng hiện nay mới chỉ là 51MW, chiếm có 0,1% sản lượng điện mặt trời toàn thế giới. Mặc dù là thiên đường của ánh nắng, Ấn Độ vẫn thua xa Đức và Mỹ, những cường quốc hàng đầu về loại hình năng lượng này. Để tận dụng nguồn năng lượng dồi dào trên, trong kế hoạch đệ trình Thủ tướng, Chính phủ Ấn Độ chủ trương khuyến khích mạnh mẽ người dân sử dụng điện mặt trời bằng cách bán lại điện này với giá rẻ, đồng thời tài trợ vốn để người dân đầu tư mua trang, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Theo dự kiến, từ nay đến năm 2020, ít nhất 20 triệu hộ gia đình sẽ có các loại thiết bị này. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu đạt được mục tiêu trung hạn trên, Ấn Độ sẽ tiết kiệm được hàng tỷ lít xăng, dầu. Đặc biệt, việc phát triển năng lượng mặt trời sẽ giúp cho những vùng nông thôn hẻo lánh có cơ hội tiếp cận với ánh sáng đèn điện. Cho đến nay, có đến gần 50% người dân Ấn Độ còn sử dụng đèn dầu, nến, hoặc dùng máy phát điện, Chính phủ dự kiến sẽ hoàn thành chương trình điện khí hóa toàn quốc vào năm 2012. Tuy nhiên, vấn đề mà năng lượng mới đặt ra hiện nay cho Ấn Độ là việc phát triển công nghệ. Để đạt được các mục tiêu này, Ấn Độ sẽ phải đào tạo khoảng 100 nghìn kỹ sư. Ấn Độ, hiện lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu lửa, không muốn lại một lần nữa rơi vào tình trạng lệ thuộc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cụ thể là phụ thuộc vào bằng phát minh sáng chế nước ngoài. Với chủ trương xây dựng những khu công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu, Ấn Độ hy vọng có thể xây dựng được những công ty hàng đầu như đã làm được trong ngành điện sử dụng sức gió với tập đoàn Suzlon, nhà sản xuất lớn thứ năm thế giới trong ngành chế tạo tua-bin gió. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế vẫn là một trong những điều kiện cần thiết, và trong hội nghị Cô-pen-ha-gen tới đây, Ấn Độ sẽ tập trung ủng hộ cho những thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia phương Bắc và phương Nam. Không chỉ có Ấn Độ, Trung Quốc hiện cũng đã dự trù 300 tỷ đô-la Mỹ cho kế hoạch sản xuất năng lượng tái tạo. Cũng như Ấn Độ, Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào than đá và mong muốn phát triển các nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời, sức gió, sức nước và năng lượng nguyên tử. Từ năm 2007, Bắc Kinh đã thông báo một kế hoạch trị giá hơn 200 tỷ đô-la Mỹ cho phát triển năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2020, trong đó phần lớn dành cho các dự án xây dựng các đập thủy điện. Theo chuyên gia J.Ong thuộc Trung tâm tiến bộ Mỹ, nếu thực hiện được những mục tiêu đề ra, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng sạch. Tuy nhiên, hiện nay việc thực thi các dự án năng lượng tái sinh ở Trung Quốc lại được tiến hành một cách ồ ạt, vô tổ chức dẫn đến thái quá, thí dụ như số tua-bin gió, những bãi đang xây, hoặc số đề án nhiều đến nỗi mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo về "nạn phát triển mù quáng". Ngay cả việc xây dựng các đập thủy điện cũng vậy, Bộ Môi trường Trung Quốc đã phải đình chỉ một số dự án xây dựng đập trên thượng nguồn sông Dương Tử do không có nghiên cứu cụ thể về tác động môi trường một cách nghiêm túc. Theo báo Le Monde, hiện nay, Ấn Độ và Trung Quốc đang nằm trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu về sản xuất năng lượng tái tạo. Với các kế hoạch đầu tư quy mô lớn như trên, trong thời gian tới, hai cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ này sẽ có thể trở thành những nước hàng đầu về sử dụng các nguồn năng lượng của tương lai. Nguồn: TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=155034&sub=82&top=45