Án gấp đôi nhưng vẫn chưa tương xứng tội ác

Dù tòa tuyên án gấp đôi so với phiên sơ thẩm lần một, người mẹ vừa mất đứa con trai duy nhất vẫn không đồng tình và tiếp tục kháng cáo.

Sáng 7-10, TAND huyện Bến Lức, Long An đã tuyên án vụ quản giáo Trại giam Long Hòa dùng nhục hình khiến một phạm nhân chưa thành niên thiệt mạng.

Phạm tội với người lệ thuộc mình

Cụ thể, tòa tuyên phạt Nguyễn Phước Thuận bảy năm tù, Nguyễn Minh Huân năm năm tù, chiến sĩ nghĩa vụ công an Châu Minh Nhựt năm năm tù cùng về tội dùng nhục hình.

VKS đề nghị cho các bị cáo hưởng mức án dưới khung do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng HĐXX không chấp nhận. HĐXX nhận định các bị cáo phạm tội nhiều lần, với nhiều người, phạm tội với người đang chịu sự lệ thuộc mình. Mức án mà VKS đề nghị là chưa tương xứng nên HĐXX đã tuyên phạt như trên.

Mức án này gấp đôi mức mà HĐXX sơ thẩm lần một của chính tòa này đã tuyên. Trong đó, Thuận ba năm sáu tháng tù, Huân hai năm sáu tháng tù và Nhựt hai năm tù cùng về tội danh trên.

Được biết án sơ thẩm lần một bị hủy hồi tháng 12-2018 do có hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm lần hai. Ảnh: LOAN TÂM

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm lần hai. Ảnh: LOAN TÂM

Mẹ nạn nhân Lại Quốc Huy tiếp tục kháng cáo. Ảnh: LOAN TÂM

Một bị hại thay đổi lời khai

Theo cáo trạng, ba bị cáo đã dùng nhục hình đối với năm phạm nhân lứa tuổi 16-17 vừa nhập trại được ba ngày. Trong đó, nạn nhân Lại Quốc Huy đã thiệt mạng. Nạn nhân được xác định chết do bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp. Các thương tích có mối quan hệ là yếu tố tác động trong tình trạng cơ thể đang bị kích động tinh thần, mệt, đói, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý có sẵn dẫn đến cái chết.

Tại tòa sơ thẩm lần hai, một bị hại đã chấp hành xong hình phạt tù thay đổi lời khai rằng các quản giáo không chỉ đánh vào mông, vào đùi vài cái mà đã đánh 20-30 cái, đánh liên tiếp vào nhiều bộ phận khác của cơ thể phạm nhân. “Lời khai của tui khi đang bị giam là không đúng. Khi đó tui là phạm nhân, chịu sự lệ thuộc nhiều nên không dám khai sự thật” - bị hại này nói.

Không làm rõ được vết thương trên đỉnh đầu

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai này, luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị HĐXX trả hồ sơ để thực nghiệm hiện trường, diễn lại hành vi và giám định lại nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của người bị hại.

Theo luật sư, các bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải vì sự thật hành vi của các bị cáo dã man hơn nhiều lời khai nhận của các bị cáo... Nạn nhân chết do nhồi máu cơ tim cấp nhưng theo hồ sơ nhập trại thì Huy không bị bệnh. Phạm nhân cùng phòng không phát hiện Huy có biểu hiện bất thường gì. Mẹ Huy cũng khẳng định từ nhỏ đến lớn Huy không có bệnh lý tim mạch.

Quá trình điều tra lại, thực nghiệm hiện trường nhưng lại không thực nghiệm đối với hai lần phạm nhân tự giác đưa Huy đi vệ sinh. Hơn nữa, vết thương trên đỉnh đầu nạn nhân chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng quá trình điều tra và tại phiên tòa đã làm rõ được các tình tiết liên quan như luật sư nói nhưng vẫn chưa chứng minh được ai đã gây ra vết thương trên đỉnh đầu Huy, gây ra bằng vật gì. Thực nghiệm điều tra lại mặc dù có sót việc hai lần tự giác dẫn Huy đi vệ sinh nhưng tại tòa hai tự giác này đã có trình bày phù hợp với lời khai tại CQĐT.

Kết quả điều tra lại xác định vết thương tụ máu dưới da vùng đầu của Huy không xác định được cơ chế gây ra vết thương. Các bị cáo và người liên quan khai nhận không có ai đánh vào đầu Huy. Thương tích ở vùng đầu không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho Huy. HĐXX cho rằng xử tội dùng nhục hình là phù hợp.

Về vai trò của hai phạm nhân tự giác, CQĐT và VKSND Tối cao cho rằng hai người này đang chịu sự lệ thuộc và làm theo sự chỉ đạo của quản giáo nên không xử lý hình sự. HĐXX đồng tình với quan điểm này.

Giáo dục chứ không phải là trừng trị

Hành vi dùng nhục hình đã ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của việc giáo dục, cải tạo phạm nhân, đến danh dự, uy tín của các cơ quan tư pháp. Người mẹ trẻ vĩnh viễn mất đi đứa con trai duy nhất. Nỗi đau không gì sánh bằng.

Bản án kiểu giơ cao đánh khẽ của tòa sơ thẩm lần một hồi tháng 8-2018 đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy. Bản án với hàng loạt sai sót, đầy rẫy hớ hênh thì làm sao tâm phục khẩu phục?

Do đó, để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, cấp phúc thẩm đã yêu cầu quá trình điều tra lại phải thực nghiệm điều tra để xác định rõ hành vi, tính chất và mức độ phạm tội của từng bị cáo và những người liên quan. Tòa phúc thẩm cũng yêu cầu làm rõ hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng của bị hại và hành vi cụ thể của các bị cáo, làm rõ vai trò của hai phạm nhân tự giác…

Các phạm nhân lứa tuổi 16, 17 đang chịu sự lệ thuộc vào các quản giáo. Quản giáo đã quên một nguyên tắc căn bản trong thi hành án hình sự. Đó là thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.

Pháp luật về giam giữ, thi hành án đối với người chưa thành niên đã dành những quy định riêng cho phù hợp với lứa tuổi đặc biệt này. Các quản giáo đại diện cho trại giam, là người gần gũi nhất với phạm nhân, như cha mẹ, anh chị của phạm nhân.

Chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã hết sức chăm lo cho phạm nhân đang tuổi lớn, từ thể chất đền tâm sinh lý còn chưa phát triển đầy đủ. Các em cần được dạy dỗ, giáo dục, yêu thương chứ không phải là trừng trị…

Ấy vậy mà khi nhìn thấy phạm nhân tay không tấc sắt, nằm trên sàn như con cá chết, các bị cáo vẫn nỡ xuống tay. Chỉ vì cho rằng phạm nhân không nhận lỗi, quản giáo tra hỏi, liên tục đánh đập và còng tay vào vách lưới B40. Đến khi phát hiện nạn nhân ngất xỉu, quản giáo mới tháo còng, đưa đi cấp cứu nhưng không còn kịp nữa.

Bản án lần này của TAND huyện Bến Lức là nghiêm khắc, ít nhất so với tòa sơ thẩm lần đầu. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân cho rằng mức án này vẫn nhẹ nên đã kháng cáo. Chúng ta tiếp tục chờ đợi sự phán xét của tòa phúc thẩm.

PHƯƠNG LOAN

PHƯƠNG LOAN - MINH TÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/an-gap-doi-nhung-van-chua-tuong-xung-toi-ac-862630.html