An Giang: Chung tay đảm bảo an toàn cho trẻ vượt lũ đến trường

Trong năm học 2018, trên địa bàn huyện An Phú có khoảng 476 học sinh nằm trong vùng lũ cần hỗ trợ đưa đón.

Lực lượng dân quân xã Vĩnh Hội Đông đưa học sinh đến trường

Trong những ngày qua, nước lũ ở các địa phương đầu nguồn tỉnh An Giang đang lên nhanh, nhiều tuyến đường bị ngập, nhiều khu vực dân cư bị cô lập, việc đến trường của các em học sinh trở nên khó khăn và gian nan hơn.

Gian nan vượt lũ tìm chữ

Tìm đến huyện Châu Phú, nơi đầu nguồn vùng biên giới vào những ngày đầu tháng 9, tại một số khu vực thuộc xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu... nước đã tràn về, các cánh đồng cùng nhiều tuyến giao thông nông thôn chìm trong biển nước. Nhiều khu vực, nhà dân bị chia cắt ảnh hưởng đến đời sống người dân và việc đi lại, học tập của các em học sinh. Cùng các em học sinh tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện Châu Phú trên đường từ trường về nhà, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi gian nan, vất vả của các em vùng rốn lũ đi học.

Gần 11h, chiếc phà chòng chành chở theo gần 30 em học sinh rời bến để về nhà. Em Nguyễn Minh Dương, học sinh lớp 6 trường THCS Phú Hữu cho biết, lúc nước chưa lên, em đi học bằng xe đạp, nay nước lũ tràn đồng em chuyển sang đi phà. Phải đến 7h, giờ học mới bắt đầu, nhưng em cùng các bạn đã thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị đến điểm tập kết xuống phà đi học. “Bữa nào đi học 2 buổi, vừa về đến nhà là em chỉ kịp ăn cơm rồi lại phải ra bến để ông Năm (người đưa đón các em hàng ngày đi học - PV) đưa đi học. Lúc trước nước chưa nổi đi nhanh hơn, tụi em được nghỉ trưa, còn giờ đi bằng phà nên chậm hơn”, Dương nói.

Ngoài việc tăng cường tuyên truyền về ATGT đường thủy nội địa, nhất là tại các trường học có học sinh đến trường bằng đường thủy, Ban ATGT tỉnh An Giang cũng phối hợp với Sở GD&ĐT có kế hoạch trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho các em học sinh đi học bằng phương tiện thủy.

Ông Võ Tấn Hưng, Trưởng ấp Phú Hiệp cho biết, trên địa bàn có 44 hộ dân với 185 nhân khẩu. Đây là vùng đất trũng nên năm nào cũng bị ngập khi lũ tràn về. Để việc học của các em không bị gián đoạn, địa phương đã tổ chức dùng phà đưa đón khoảng 40 em học sinh đến trường.

Đoạn đường đi hơn 1km, nhiều ngôi nhà bị cô lập giữa biển nước. Do nước từ thượng nguồn đổ về, nên dòng nước chảy khá xiết. Có một số điểm tạo thành vùng nước xoáy. Không yên tâm để con đi học một mình, chị Lê Thị Cẩm Linh (ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu) ngày ngày phải đùm cơm theo con “đi học”.

“Phà vào là 5h45, ở tới 10h45 về, còn hôm con học buổi chiều thì tôi theo buổi chiều. Con tôi năm nay vào lớp 1 nên kể từ lúc học mẫu giáo là tôi bắt đầu theo con đi học. Chứ mùa lũ về, nước chảy xiết, phà không chạy được ở giữa sông, mình đâu có yên tâm”, chị Linh chia sẻ.

Ông Lâm Ngọc Hồ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông cho biết, xác định năm nay lũ sẽ về rất sớm và mực nước lên nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến 219 học sinh trên địa bàn nên xã đã có kế hoạch tổ chức đưa đón các em đi học từ ngày 20/8. “Chúng tôi phân công lực lượng dân quân, công an và người dân có phương tiện, tổ chức đưa đón các em đến trường. Nếu không tổ chức thì khó đảm bảo an toàn, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng học sinh bỏ học”, ông Hồ nói và cho biết, lực lượng dân quân chia làm 5 hướng đưa đón các em theo 5 tuyến chính. Trong đó, tuyến gần nhất khoảng 1km và xa nhất là 3km với khoảng 68 em. Còn những khu vực gần, người dân cùng lực lượng dân quân bắc cầu tre để phục vụ cho nhu cầu đi lại.

Em Lê Thúy Vy (13 tuổi) học sinh lớp 7 trường THCS Vĩnh Hội Đông chia sẻ, những ngày đầu khi lũ về, mực nước chưa sâu, em cùng các bạn vén quần lội nước đi học. Hiện tại, nước đã ngập sâu, nên em cùng các bạn di chuyển nhờ vào cầu tre.

Thời gian này, Vy cùng bạn bè phải đến trường từ rất sớm. 13h vào lớp, nhưng em đã phải rời khỏi nhà lúc 11h45. “Từ đây đi bằng cầu tre ra tới bến đò, cầu dễ đi nhưng lâu lâu vẫn bị trượt té, do đó tụi em phải đi từ từ không dám đi nhanh. Ra tới bến đò, tụi em còn lấy xe rồi mới đến trường”, Thúy Vy nói.

Chung tay đảm bảo an toàn cho học sinh vùng rốn lũ

Ông Thái Kim Khải, Trưởng phòng Giáo dục huyện An Phú cho biết, do đặc trưng về địa hình nên hàng năm có khu vực Vĩnh Hội Đông và 1 số điểm tại Phú Hữu chịu ảnh hưởng của lũ. Năm nay, tuy lũ về sớm và mực nước cao hơn nhưng công tác ứng phó đã chuẩn bị trước nên địa phương không rơi vào tình trạng bị động.

Trong năm học 2018, trên địa bàn huyện có khoảng 476 em học sinh nằm trong vùng lũ cần hỗ trợ đưa đón. Địa phương phối hợp tổ chức đưa đón 283 học sinh, trong đó có 19 em mầm non, 252 em tiểu học và 12 em THCS. Riêng số lượng phụ huynh có phương tiện tự đưa đón là 193 em. “Hầu như năm nào lũ cũng về nên từ đầu năm học, Huyện ủy, UBND huyện đã có chỉ đạo việc đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường; Trong đó, có chuẩn bị về việc tìm kiếm cứu nạn. Từ đó, các đơn vị trường đều thành lập Ban chỉ đạo và có phương án phòng chống, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, là lưu ý về vấn đề đưa đón học sinh do các địa phương phối hợp cùng nhà trường thực hiện”, ông Khải nói.

Cũng theo ông Khải, khi tổ chức đưa đón thì các phương tiện đều có chuẩn bị áo phao, dụng cụ nổi, phao cứu sinh. “Phòng Giáo dục có 2 hồ bơi di động và 1 hồ bơi tại Trung tâm Thể dục thể thao của huyện. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tổ chức phổ cập bơi cho các em ngay tại trường và sau đó luân chuyển đến đơn vị khác, giúp các em tự tin hơn trong việc di chuyển bằng phương tiện thủy nếu chẳng may xảy ra sự cố”, Trưởng phòng Giáo dục huyện An Phú chia sẻ và thông tin thêm, theo chỉ đạo, các xã đều có kế hoạch đưa đón học sinh cho đến khi nước rút hoàn toàn.

Lê An

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/an-giang-chung-tay-dam-bao-an-toan-cho-tre-vuot-lu-den-truong-d271206.html