An Giang công nhận thêm 14 sản phẩm OCOP

Ngày 3-2, tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tổ chức, UBND tỉnh An Giang đã công bố Quyết định 86/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang đợt 2 năm 2022 và trao giấy chứng nhận cho các chủ thể kinh tế OCOP.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang đã công nhận 14 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 11 chủ thể; trong đó, có 1 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao là mắm cá mè vinh của Hộ kinh doanh sản xuất mắm Bà Sáu (khóm Long Quới C, phường Long Phú, thị xã Tân Châu).

Cùng đó, có 13 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: khô ếch một nắng; nước mắm chay cô nành; lạp xưởng cá thát lát; kem trái cây vị sầu riêng; trà sâm Bạch hoa thảo túi lọc; sà rông; mãng cầu hoàng hậu; rượu thốt nốt Minh Thiện; mắm cá chốt; mắm cá sặc; mắm cá trèn và 2 sản phẩm tranh lá bồ đề gân nghệ thuật và tranh lá bồ đề khô nghệ thuật.

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang. Ảnh: Vietnam+

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang. Ảnh: Vietnam+

Các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP được UBND tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận và sử dụng tem OCOP trên bao bì, nhãn sản phẩm và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm OCOP theo quy định. Kết quả chứng nhận phân hạng “Sản phẩm OCOP” có giá trị 36 tháng, kể từ ngày 27-1-2023.

Như vậy, đến nay An Giang đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP An Giang thuộc nhóm ngành thực phẩm, sản phẩm đồ uống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, Chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ và có sự lan tỏa trên địa bàn, tạo động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Để nâng chất sản phẩm OCOP, ông Thọ cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung hướng dẫn các tổ chức kinh tế tham gia Đề án OCOP về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ chi phí cho sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thay đổi mẫu mã bao bì; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm OCOP…

Thời gian tới, An Giang sẽ tập trung mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối. Đối với các sản phẩm định hướng xuất khẩu sẽ lựa chọn sản phẩm OCOP uy tín để xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu vào thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc…

An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉnh có 169 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; trong đó 11 sản phẩm 5 sao - cấp quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 20 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng. Định hướng đến năm 2025, tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; phấn đấu ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, ưu tiên sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng…

VIỆT CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/an-giang-cong-nhan-them-14-san-pham-ocop-717986