An Giang giảm thiểu tỷ lệ lao động ở trẻ em

Bằng các giải pháp thiết thực trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật, những năm qua, tỷ lệ lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang có những chuyển biến tích cực. Phát huy kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động, kiểm tra... để công tác này phát huy hiệu quả.

Những chuyển biến tích cực

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tăng cường. Bên cạnh đó, việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả, môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng. Đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đã và đang được triển khai thiết thực.

Tuy nhiên, tình trạng trẻ em lao động sớm vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương. Trong đó, trẻ em làm việc các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp; trẻ em bán vé số, phụ hồ, phụ quán ăn, làm việc trên đường phố... còn phổ biến. Việc lao động sớm sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của các em. Nhu cầu về học tập, vui chơi, giải trí, tiếp cận thông tin; các quyền cơ bản mà trẻ em được hưởng sẽ không được đảm bảo.

Nhiều sân chơi cho trẻ em được xây dựng

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động sớm của các em là hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, phải đi làm sớm để phụ giúp như một lao động trưởng thành. Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình còn hạn chế. Nhiều bậc cha mẹ quan niệm rằng, cho trẻ làm việc từ nhỏ là một phần trách nhiệm, tốt cho sự phát triển sau này, góp phần phát triển kinh tế gia đình...

Mặt khác, nhận thức và hiểu biết của người sử dụng lao động cũng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa trẻ em tham gia lao động sớm chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra đối với tình hình sử dụng lao động trẻ em chưa được duy trì thường xuyên.

Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra

Trước thực trạng trên, theo Quyết định 1871/QĐ-UBND, ngày 10/8/2021 của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong công nhân, viên chức, lao động tỉnh. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Đồng thời, đổi mới hoạt động công đoàn, tham gia thực hiện quyền trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được sinh sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tăng cường chăm lo cho trẻ em là con công nhân viên chức lao động theo hướng tích cực, hiệu quả...

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, trên 90% cán bộ chủ chốt công đoàn cơ sở và cán bộ nữ công công đoàn cơ sở được tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. Đến năm 2030, tỷ lệ này đạt trên 95%. Kế hoạch còn hướng đến mục tiêu đến năm 2025 trên 80% (đến năm 2030 đạt trên 90%) công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền có lồng ghép nội dung về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

Để thực hiện mục tiêu trên, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng lao động trẻ em, lao động là người chưa thành niên. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở tăng cường truyền thông, tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên, công nhân viên chức lao động về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng công đoàn các cấp, đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất; tập trung nghiên cứu phát triển mô hình hiệu quả trong chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Từ đó, phát hiện sớm trường hợp sử dụng lao động trẻ em, lao động chưa thành niên trái quy định của pháp luật; kịp thời kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn và xử lý. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và phòng, chống lao động trẻ em thông qua chương trình phối hợp cụ thể hàng năm hoặc chương trình đột xuất.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-giam-thieu-ty-le-lao-dong-o-tre-em-a332660.html