An Giang: Lùm xùm đấu thầu mua vật tư y tế

Sau nhiều tháng khiếu nại liên quan đấu thầu nhưng chưa được trả lời thỏa đáng, mới đây một doanh nghiệp đã gửi hồ sơ vụ việc đề nghị các cơ quan truyền thông lên tiếng.

Doanh nghiệp “tố” chủ đầu tư thiên vị

Tờ trình của Công ty TNHH TM DV KTTBYT Anh Duy gởi cho cơ quan chức năng và báo chí cho biết: Công ty Anh Duy là nhà phân phối các mặt hàng Thủy tinh thể nhân tạo của Hãng ALSANZA – ĐỨC. Vào cuối năm 2018 Công ty có tham gia dự thầu gói thầu vật tư y tế của Sở Y tế tỉnh An Giang. Công ty đã nộp cho chủ đầu tư hồ sơ dự thầu (HSDT) đáp ứng các tiêu chí theo hồ sơ mời thầu (HSMT). Từ ngày nộp HSDT đến ngày mở thầu Công ty cũng không hề nhận được yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ gì khác.

Thế nhưng theo quyết định Quyết định số 1850/QĐ-SYT của Sở Y tế tỉnh An Giang về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thì HSDT của công ty Anh Duy đã bị loại ngay từ đầu. Công văn số 3424/SYT-TTD ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Sở Y Tế tỉnh An Giang trả lời doanh nghiệp đã nêu lý do sản phẩm ALSAFIT không được dự thầu vì không đạt 2 tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của HSMT là:

Trong HSMT đặt ra yêu cầu kỹ thuật: “Dải công suất thủy tinh thể phải từ -10D đến +40D”. Còn HSDT của doanh nghiệp có: “Dải công suất từ -20D đến +45D”, kèm tài liệu chứng minh thủy tinh thể nhân tạo của Hãng ALSANZA (Đức) ghi: “from -10D to -0.50D & from 0 to +32.5D; Special Production from -20D to -10.5D & above + 45D”. Theo Sở Y tế An Giang nếu ghi như vậy mặt hàng dự thầu chỉ có “Dải công suất từ 0D đến + 32D, đặc biệt không có dải công suất từ -5D đến 0D”. Hay nói cách khác là thông số kỹ thuật chưa khớp với yêu cầu của phía mời thầu.

Vấn đề thứ hai là: yêu cầu của bên mời thầu là thủy tinh thể Bi-Aspheric tức là phi cầu 2 mặt nhưng catalogue của bên dự thầu chỉ ghi Aspheric là chưa đạt yêu cầu.

Sở Y tế tỉnh An Giang-nơi đã để xảy ra khiếu nại kéo dài về đấu thầu vật tư y tế.

Sở Y tế tỉnh An Giang-nơi đã để xảy ra khiếu nại kéo dài về đấu thầu vật tư y tế.

Phản bác công văn trả lời của Sở Y tế An Giang-tờ trình khiếu nại của Công ty Anh Duy khẳng định: sản phẩm thiết bị dự thầu của Công ty có dải công suất từ -20D đến +45D, (trong khi bên mời thầu chỉ yêu cầu – 10 đến +40D) nên đã vượt tiêu chuẩn kỹ thuật mời thầu đặt ra chứ không phải chưa đạt. Theo giải thích của doanh nghiệp, dải công suất của nhà sản xuất đối với sản phẩm này phải là dải liên tục, chứ không thể bỏ khoảng giữa nên -20 đến +45 thì đương nhiên cũng đạt -10 đến+40D.

Về vấn đề thứ hai, theo Công ty Anh Duy: HSMT yêu cầu tiêu chuẩn là “phi cầu 2 mặt”, chứ không phải là “Bi-aspheric”. Mặt khác, Sở Y tế đã diễn giải chữ “Aspheric” ở tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm trong hộp hàng mẫu là phi cầu 01 mặt (Aspheric) là không đúng. Theo nhà sản xuất chữ Aspheric nghĩa là phi cầu, còn phi cầu như thế nào, có thể là phi cầu mặt trước, hoặc mặt sau, hay cả 2 mặt của Optic (phần quang học) sẽ được nhà sản xuất mô tả chi tiết cụ thể trong phần mô tả kỹ thuật (catalogue). Ở đây nhà sản xuất đã ghi sau chữ Aspheric là “với thiết kế phần quang học (optic) đặc biệt”, và phần đặc biệt này đó chính là “phi cầu 2 mặt” như mô tả trong catalogue. Như vậy, tiêu chuẩn “phi cầu 2 mặt” ở các tài liệu của HSDT của Công ty Anh Duy là không sai tiêu chuẩn kỹ thuật này của HSMT. Mặt hàng Thủy tinh thể nhân tạo của Hãng ALSANZA (Đức) do Công ty Anh Duy cung cấp đã tham gia đấu thầu và trúng thầu tại An Giang cũng như trên toàn quốc từ năm 2014 đến nay thì không thể nào không đạt yêu cầu về kỹ thuật.

Lằng nhằng một năm chưa có câu trả lời thỏa đáng

Vụ việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng diễn biến khiếu nại và giải quyết vụ khiếu nại đã kéo dài gần 1 năm mà doanh nghiệp vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

Sơ lược vụ việc trong gần một năm qua: Sau khi Sở Y tế có quyết định phê duyệt trúng thầu, doanh nghiệp gửi đơn đề nghị cho biết lý do bị đánh rớt nhưng không được hồi âm. Doanh nghiệp gửi đơn lên UBND tỉnh An Giang thì ngày 28/12/2019, Sở Y tế có công văn nêu 2 lý do đánh rớt như trên.

Không đồng ý với trả lời của Sở Y tế An Giang, doanh nghiệp tiếp tục gửi đơn đến UBND tỉnh và UBND tỉnh có công văn giao Sở KH&ĐT chủ trì giải quyết. Ngày 18/2/2019, Sở KH&ĐT có báo cáo gửi UBND tỉnh nhận xét: “theo quy định tại Mục 26, Chương I, phần I, Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, ngày 16/6/2015 của Bộ KH-ĐT: Nếu bên mời thầu còn nghi ngờ về tính chính xác cùa thông số kỹ thuật thì có quyền yêu cầu bên dự thầu giải thích, làm rỏ nghi vấn bằng văn bản. Tuy nhiên, Sở Y tế An Giang chưa thực hiện việc này mà loại HSDT là chưa phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu”. Trên cơ sở đó, Sở KHĐT An Giang đề nghị bên mời thầu phải đánh giá lại HSDT của Công ty Anh Duy và rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đấu thầu.

Ngày 1/3/2019, UBND tỉnh An Giang có công văn chỉ đạo Sở Y tế “xem xét lại” và “rút kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, sau đó Sở Y tế An Giang vẫn có công văn trả lời doanh nghiệp với nội dung cơ bản như cũ. Doanh nghiệp lại gửi tờ trình đến UBND tỉnh, chứng minh mặt hàng đạt yêu cầu mà bị đánh rớt là đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Sở KH&ĐT lại chủ trì cuộc họp giải quyết. Tiếp đó, UBND tỉnh cũng tổ chức cuộc họp xem xét lại vụ việc.

Ngày 8/8/2019, UBND tỉnh An Giang có công văn nhắc Sở Y tế trả lời khiếu nại của doanh nghiệp. Công văn này do Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Mã Lan Xuân ký truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Vụ việc nhùng nhằng kéo đến cuộc họp mới đây của UBND tỉnh vào đầu tháng 11 vừa qua doanh nghiệp vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trong nhiều đơn khiếu nại của doanh nghiệp này còn cho biết: theo Bảng chấm thầu được công bố thì người chấm là Ds Nguyễn Thế Công và thẩm định là Bs Võ Văn Tánh, Ds Đỗ Hoàng Dũng đều không có chuyên môn về chuyên khoa mắt. Bên cạnh, Tổ trưởng chuyên gia xét thầu là Ds Nguyễn Thị Bê, cũng không có chuyên môn về chuyên khoa mắt và lại là thông gia với Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn (đại diện chủ đầu tư) nên có dấu hiệu không minh bạch.

Trả lời PV qua điện thoại, Giám đốc Sở Y tế An Giang-Từ Quốc Tuấn xác nhận bà Bê là thông gia nhưng không vì thế mà có sự thiên vị. “Việc đánh rớt một mặt hàng Thủy tinh thể nhân tạo nhưng còn có 10 mặt hàng Thủy tinh thể nhân tạo khác trúng thầu, vẫn đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong năm qua. Hơn nữa, quy định có tạo điều kiện cho các cơ sở y tế là nếu một mặt hàng rớt thầu thì khi cần thiết được quyền chủ động mua mặt hàng ấy và tự chịu trách nhiệm. Tổ chức đấu thầu thì phải chấp hành luật và chúng tôi đã làm đúng”, ông Tuấn khẳng định.

Gói thầu mua hóa chất vật tư y tế của tỉnh An Giang năm 2018 gồm có 3.350 mặt hàng, với tổng trị giá hơn 560 tỷ đồng. Trong đó mặt hàng Thủy tinh thể nhân tạo gồm 4.600 cái, trị giá mời thầu hơn 13,5 tỷ đồng.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin sau khi làm việc với Sở Y tế tỉnh An Giang.

Huỳnh Khởi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/an-giang-lum-xum-dau-thau-mua-vat-tu-y-te-161549.html