An Giang: Phòng chống tác hại thuốc lá bắt đầu từ nhà trường

Công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở An Giang triển khai khá hiệu quả, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường, từ đó có tác động lớn đến cộng đồng và xã hội.

HS tỉnh An Giang tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức phòng chống tác hại của thuốc lá.

HS tỉnh An Giang tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh

Theo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, trường học là nơi tập trung trẻ em, thiếu niên, thanh niên, tất cả đều tương lai của nước nhà.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cấm hút thuốc tuyệt đối trong khuôn viên trường học. Vì thế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép vào bài học cho học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên tự giác, gương mẫu không hút thuốc lá. Nhiều nơi trong khu vực trường học đều có biển ghi rõ “Cấm hút thuốc trong trường học” giúp cho khách đến liên hệ cũng phải thực hiện nghiêm túc.

Tăng cường phòng chống tác hại thuốc lá, Sở Y tế An Giang phối hợp Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh thông qua Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Treo băng-rôn, in tờ rơi, áp-phích, lồng ghép sinh hoạt văn nghệ...

Đặc biệt, Hội thi tìm hiểu kiến thức phòng chống tác hại của thuốc lá do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh tổ chức đã thu hút đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tham gia.

Thông qua hội thi này, học sinh được tìm hiểu các kiến thức về tác hại của thuốc lá, ảnh hưởng đối với trẻ em, thuật ngữ “hút thuốc lá thụ động” và tác hại... Bên cạnh đó, các em còn được tìm hiểu về tình hình hút thuốc lá ở thanh thiếu niên, đặc biệt là việc xây dựng trường học không khói thuốc lá.

Để tăng tính hấp dẫn và hiệu quả tuyên truyền, ban tổ chức đã đưa ra những tình huống sát với thực tế. Qua đó, ngoài việc cung cấp cho các em kiến thức về phòng, chống thuốc lá, còn rèn luyện những kỹ năng ứng phó trong nhà trường, gia đình và xã hội.

“Việc giáo dục kiến thức phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học là vấn đề cần thiết và cấp bách. Qua việc giáo dục, em và các bạn thấy được những tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe, hiểu được vì sao không nên hút thuốc lá, từ đó góp phần xây dựng một môi trường không khói thuốc”, em Ngô Ngọc Luận, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP Long Xuyên (An Giang) chia sẻ.

Lồng ghép nhiều hoạt động

Các trường học ở tỉnh An Giang xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và phòng chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với cấp học.

Không chỉ riêng nhà trường, ngành Giáo dục, mà các cấp, các ngành và cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã cùng vào cuộc để đưa nội dung tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có đối tượng giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục.

Tờ tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh An Giang.

Theo thầy Trương Kỉnh Nhơn, giáo viên Trường Tiểu học A thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), việc giáo dục phòng chống tác hại thuốc lá phải được chú trọng từ nhà trường, không chỉ giáo dục cho học sinh THCS và THPT mà cần giáo dục sớm cho học sinh tiểu học.

“Nhà trường xây dựng và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; gắn bảng cấm hút thuốc lá trong nhà trường; lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc đối với sức khỏe; nam giáo viên động viên nhau hạn chế hút thuốc lá, bỏ hút thuốc dần và bỏ hẳn thuốc lá”, thầy Nhơn cho biết.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được tập huấn công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học, tiếp thu nhiều kiến thức cơ bản liên quan đến tác hại của thuốc lá.

Đồng thời, giáo viên cũng được hướng dẫn tổ chức một số nội dung hoạt động lồng ghép, tích hợp kiến thức phòng, chống tác hại của thuốc lá trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức thông qua các bài học chính khóa và hoạt động ngoại khóa…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/an-giang-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-bat-dau-tu-nha-truong-jFGkSr2nR.html