An Giang tập trung thực hiện Đề án 06

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thời gian qua, việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang mang lại kết quả tích cực, làm tiền đề triển khai những năm tiếp theo.

Hướng dẫn các trường học thực hiện thu phí không dùng tiền mặt

Hướng dẫn các trường học thực hiện thu phí không dùng tiền mặt

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo UBND tỉnh, hiện nay, tất cả sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, xã đều tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp và nhận kết quả hồ sơ trực tuyến, cung cấp đầy đủ thông tin TTHC của các cơ quan, đơn vị đảm bảo theo danh mục quy định của Chính phủ ban hành. Từ ngày 11/12/2022, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được cấp quyền kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã triển khai 8/25 dịch vụ công thiết yếu, gồm: Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; triển khai nhóm TTHC liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất do thay đổi thông tin người được cấp giấy chứng nhận; đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp phiếu lý lịch tư pháp; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng đối với 17/25 dịch vụ công thiết yếu còn lại, đang được triển khai trên phần mềm chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương triển khai xuống địa phương nên sẽ do bộ, ngành Trung ương thực hiện kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến giữa tháng 2/2023, toàn tỉnh An Giang có 186/186 cơ sở y tế triển khai thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay BHYT. Tổng số tra cứu, sử dụng 314.161 lượt; trong đó, tra cứu thành công 200.546 lượt, đạt 63,86%; thực hiện xác thực, đồng bộ 1.332.546/1.639.799 dữ liệu số định danh cá nhân/CCCD với BHYT, đạt 81,26%. Hiện nay, các cơ sở KCB tiếp nhận đầy đủ các trường hợp bệnh nhân đến KCB bằng CCCD có gắn chíp và ứng dụng VssID, VNeID...

Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân công tại Đề án 06, Kế hoạch 145/KH-UBND, ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện Đề án 06. Nhất là, tiếp tục triển khai thực hiện 5 nhóm tiện ích tại Đề án 06, gồm: Phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia. Chủ động rà soát các thành phần hồ sơ của từng dịch vụ công, để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện cắt giảm thành phần hồ sơ đã kết nối, sử dụng dữ liệu dân cư để nâng cao chất lượng, tăng niềm tin của người dân với các dịch vụ công của Chính phủ. Triển khai các dịch vụ công linh hoạt, sáng tạo để thu hút người dân tham gia thực hiện tại các khu chung cư, đô thị, hệ thống một cửa các cấp…

Đặc biệt, 100% cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tham gia thu nhận hồ sơ định danh điện tử mức độ 2 và xung kích, đi đầu trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến… Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp BHYT trong KCB. Xác thực thông tin người tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hướng dẫn các trường học thực hiện thu phí không dùng tiền mặt. Không yêu cầu người dân xác nhận số chứng minh nhân dân 9 số khi có thẻ CCCD. Thực hiện việc khai báo lưu trú trực tuyến. Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Về phát triển công dân số, sẽ tập trung đẩy mạnh thu nhận hồ sơ cấp CCCD và cấp tài khoản định danh điện tử; hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, tỉnh tiếp tục xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương phải xác định việc thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, tiến hành thường xuyên, liên tục trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, an toàn thông tin; thực hiện bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, hình thức.

“Việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06 phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình, thời gian theo quy định; quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ngành, địa phương; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính trong thực hiện Đề án 06 tại đơn vị, địa phương. Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý.

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06) là đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tap-trung-thuc-hien-de-an-06-a358344.html