Án giết người thân trong gia đình: Nỗi đau của những người còn lại

Người ngày xưa có câu: 'Vô phúc đáo tụng đình', bởi vốn cái việc đến chốn 'tụng đình' không mấy vui vẻ. Nhẹ thì tranh chấp, chia sẻ, nặng thì không lao lý tù đày cũng mất mạng… Thế nhưng, có lẽ 'vô phúc' nhất vẫn là khi đến dự phiên tòa ấy, cả bị cáo, bị hại đều là những người thân, đớn đau hơn nữa nếu những người liên quan ở chốn tụng đình còn là ruột thịt…

Con trai bị cáo Chu Đăng Sáu tại phiên tòa xét xử

Con trai bị cáo Chu Đăng Sáu tại phiên tòa xét xử

Liên tiếp xét xử các vụ án mạng giết người ruột thịt trong gia đình

Ngày 3/4, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Giết người đối với bị cáo Lê Đình Ngọc (SN 1980, ngụ xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Nạn nhân là L.T.N (SN 2005, con gái Ngọc) và bạn trai N là H.Q.A (SN 2004). Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên Ngọc án tử hình.

Ngày 4/4, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Chu Đăng Sáu (SN 1959, trú tại Ba Đình, Hà Nội) về tội Giết người. Người bị hại trong vụ án chính là vợ của Sáu. Theo cáo trạng, Sáu và vợ là bà H.T.T (SN 1959) cùng trú tại phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Sự việc xảy ra vào khoảng 19h ngày 28/3/2022. Cãi vã với vợ, Sáu đã dùng tay đẩy vợ ngã xuống nền nhà, đấm đá và đập đầu bà T. xuống nền nhà chảy máu.

Không dừng lại ở đấy, Sáu liên tiếp siết cổ vợ 2 lần cho đến chết. Sau khi thực hiện hành vi, thấy bà T. không còn hơi thở, Sáu rút 2 đoạn dây dù khỏi cổ vợ, cất vào vị trí cũ. Sau đó, Sáu bỏ đi uống bia rồi trở về nhà. Nừa đêm ngày 29/3/2022, Sáu lại kiểm tra, thấy bà T. đã chết. Sáu dùng tay kéo vợ dựa lưng vào tường, sau đó gọi điện cho con gái là chị C.T.T.T (SN 1987), thông báo: “Mày lên xem mẹ mày đi, ngất lên ngất xuống mấy lần rồi, gọi cấp cứu đi”.

Sau khi gọi điện cho con gái, Sáu lấy khăn lau máu ở mặt, tay vợ, rồi dùng cây lau nhà lau nền nhà xung quanh vị trí Sáu siết cổ vợ rồi giặt và cất vào vị trí cũ. Một lúc sau, vợ chồng con gái đến, thấy mẹ bất tỉnh, ngồi dựa lưng vào tường, nên đã chở đến BV cấp cứu. Tại đây, bác sĩ thông báo bà T. chết trước khi vào viện.

Lúc 6h30 phút cùng ngày, anh C.Đ.S (SN 1993), con thứ hai của Sáu đến CA phường Thành Công trình báo việc mẹ mình đi cấp cứu tại BV nhưng bác sĩ thông báo đã chết trước khi vào viện và xin giấy báo tử cho bà T. CA phường đã xác minh tại BV, xác định trên cơ thể của bà T. có nhiều vết thương tích, cổ có dấu hiệu bị siết nên đã báo Cơ quan CSĐT CA quận Ba Đình.

Ngày 29/3/2022, CQĐT đã triệu tập Chu Đăng Sáu và những người liên quan đến làm việc để làm rõ nguyên nhân tử vong của bà T. Sau nhiều ngày đấu tranh, tại CQĐT, cùng với những chứng cứ, kết quả giám định, cuối cùng Sáu đã cúi đầu nhận tội.

Tại phiên tòa, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của bà T. Bị cáo đã trực tiếp dùng tay siết cổ bà T. đến chết gây đau thương, tang tóc đến gia đình. Bị cáo là người có nhận thức pháp luật nhất định, bức xúc về mặt tình cảm vợ chồng nên đã phạm tội, vì vậy cần có hình thức trừng trị nghiêm khắc bị cáo. Từ nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Chu Đăng Sáu 20 năm tù về tội Giết người.

Nỗi lòng người ở lại

Trong vụ án bị cáo Lê Đình Ngọc, chị N.T.T là đại diện hợp pháp cho bị hại, L.T.N con gái mình. Còn kẻ thủ ác lại chính là chồng của chị. Con gái chết, chồng nhận án tử, người ở lại đau đớn nhất là chị. Kết thúc phiên tòa, với chị T, sau con gái, giờ đây chị lại mất thêm một người thân yêu nữa, là chồng của chị.

Còn tại phiên tòa xét xử Chu Đăng Sáu, các con của ông Sáu đến đủ. Họ ngồi thẫn thờ nghe từng lời khai của bố đẻ, nuốt nước mắt nghe từng dòng luận tội của Viện kiểm sát. Mẹ chết tức tưởi mới được tròn năm, bố lạnh lẽo trong vòng lao lý cũng chừng ấy ngày…

Những đứa con đã ở tuổi trưởng thành đáng lẽ đang phải lo toan để phụng dưỡng bố mẹ thì lại đắng cay đeo khăn tang, là đại diện hợp pháp cho bị hại trong phiên tòa xử bố. Từ ngày ông Sáu bị tạm giam, anh S, con thứ 2 của ông Sáu, bà T chưa hề gặp bố. Các cháu cũng hơn 1 năm qua chưa được gặp ông. Trong lúc chờ HĐXX nghị án, anh S. tranh thủ giơ ảnh con về phía người cha già trên bục khai báo, khoe rằng cháu đã lớn từng này. Hôm nay anh và chị gái cũng không dắt các cháu tới vì sợ chúng hiểu chuyện.

Trong lúc chờ nghị án, anh S mệt mỏi cho biết, khi biết toàn bộ câu chuyện cự cãi dẫn đến cái chết thương tâm của mẹ mình, anh rất sốc. Bố anh vốn là bộ đội phục viên sau đó về làm Tổ trưởng tổ bảo vệ cho một Cty xây dựng tại Hà Nội, bình thường ông Sáu là người trầm tính, cũng không hay cãi vã với mẹ.

Trong lúc chờ tuyên án, từ trên bục khai báo, thi thoảng ông Sáu quay xuống thỏ thẻ hỏi thăm các con về chuyện gia đình. Anh S mong muốn cha được hưởng bản án nhẹ hơn so với mức chung thân VKS đề nghị. Mặc dù bố chính là người ra tay với mẹ, nhưng với anh, cho dù bố có tội tày đình thì cũng là người đã sinh thành ra mình…

Có nhẫn tâm đến mấy, anh cũng không thể nhẹ lòng khi thấy bố sống trọn tuổi già trong vòng lao lý. Kết thúc phiên tòa, Sáu nán lại khi CA dẫn giải qua chỗ các con. “Bố cố gắng nhé!”, S động viên rồi nhìn với theo ông. Phía ngoài, người con gái cả thất thần, nóng lòng chờ người nhà ra thông báo. Nỗi đau, sự bất lực, nỗi thống khổ khiến chị không dám tận tai nghe bản án dành cho cha…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/an-giet-nguoi-than-trong-gia-dinh-noi-dau-cua-nhung-nguoi-con-lai-330766.html