Ẩn họa giao thông từ việc 'họp chợ' trên đường

Thời gian gần đây tình trạng một bộ phận người dân tự ý bày bán các sạp hàng nông sản ven trục đường 32, thuộc địa phận huyện Ba Vì, hướng đi Trung Hà liên tục tái diễn. Đáng chú ý, việc tụ tập bán hàng trái quy định không chỉ gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cho người tham gia giao thông.

Theo quan sát thực tế của phóng viên, tuyến đường 32 được xem là trục huyết mạch nối liền khu vực ngoại thành Hà Nội sang địa bàn Phú Thọ, lượng ô tô, xe máy lưu thông cao. Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân đã bày các sạp hàng nông sản để chào mời người và các phương tiện lưu thông qua đây. Lề đường bị lấn chiếm, không ít người dân khi đi làm về cũng dựng xe gắn máy ngay trên đường để mua bán. Chính sự tùy tiện đó đã làm cho giao thông hỗn loạn, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.

Được biết, căn cứ theo Nghị định số 100/2013/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định: Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự giao thông.

Mặc dù xe cộ qua lại nườm nượp song người dân vẫn “vô tư” buôn bán. Ảnh: Đinh Luyện, chụp ngày 17/10

Như vậy, trong trường hợp sử dụng một phần lòng đường gây mất trật tự giao thông sẽ vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Đối với các trường hợp vi phạm cần được kiên quyết xử lý theo quy định. Hành vi này có thể sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, tại điều 12, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hang, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3, Điểm e Khoản 4 Điều này.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4; Điểm b Khoản 5; Điểm a Khoản 6 Điều này”.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên trục đường đề nghị chính quyền địa phương và cái đơn vị liên quan sớm phối hợp, giải quyết chấm dứt tình trạng trên.

Đinh Luyện – Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/an-hoa-giao-thong-tu-viec-hop-cho-tren-duong-98168.html