Ẩn họa từ bánh kẹo không rõ nguồn gốc bán tràn lan ở cổng trường

Nhiều vụ việc liên quan đến mất an toàn thực phẩm từ bánh kẹo không rõ nguồn gốc bày bán ở cổng trường học khiến dư luận lo lắng, bức xúc.

Bánh kẹo bắt mắt, toàn chữ lạ

Chị Nguyễn Thu Hà - Phụ huynh có con học lớp 3 một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Con trai chị ngày nào đi học về cũng khoe đồ chơi mới, khi thì cây đao, khi thì cái còi xe, con pikachu (nhân vật hoạt hình)... Hỏi kỹ con, chị tá hỏa khi biết những loại đồ chơi đó là "chiến lợi phẩm" sau khi cháu đã ăn hết những viên kẹo đựng bên trong. Con trai chị còn khoe: "Bạn con, đứa nào cũng thích mua loại kẹo đựng trong đồ chơi như thế".

Chung mối lo này, chị Lê Ngọc Giang - Phụ huynh có con học lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: Có lúc thấy trong cặp con có những chiếc kẹo mút xanh đỏ, hỏi thì bé nói được bạn cho.

Sau đó, tôi mang vứt đi thì con bảo: "Các bạn con thường xuyên mua ở cổng trường và ăn có sao đâu". Quà vặt trước cổng trường giá thường rất rẻ nên sợ nhất là các loại kẹo, bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Thế nhưng, khi ở trường, nếu con có ăn những món ăn này thì cha mẹ khó có thể kiểm soát được. "Đây là điều khiến tôi cảm thấy lo lắng", chị Giang cho hay.

Kẹo cao su, bánh que cay đủ màu… được bày bán la liệt tại hầu hết các cửa hàng tạp hóa gần cổng trường

Khảo sát một vòng quanh các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Đống Đa, chúng tôi không khỏi giật mình vì thị trường đang có rất nhiều loại bánh kẹo lạ được bày bán cho trẻ em với giá siêu rẻ, chỉ một vài nghìn đồng/gói.

Vào khoảng 16 giờ, các xe đẩy, gánh hàng rong và sạp hàng dã chiến bán đủ loại bánh kẹo, đồ chơi… bắt đầu xuất hiện tại các cổng trường chờ giờ tan học.

Các loại khô gà cay, que cay, thạch, ô mai, kẹo dẻo, kẹo nổ (nổ lụp bụp trong miệng khi ăn), mì vụn (mì gói bóp vụn cho vào từng gói nhỏ) với giá 1.000 đồng - 5.000 đồng/gói. Hầu hết các loại bánh kẹo này đều có bao bì toàn chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Một xe đẩy hàng rong bày bán trước cổng trường

Chỉ trong vòng 20 phút đứng trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), phóng viên đã bắt gặp hàng chục em học sinh mua loại bánh que cay này. Chị Hải - Một phụ huynh than phiền: "Mấy đứa trẻ nhà tôi mê loại bánh que cay này lắm. Ngày nào chúng cũng đòi mua. Chúng bảo rằng, bánh được tẩm ớt, ăn vừa cay vừa ngon".

Bà N. - Một người bán hàng tại cổng trường cho biết, những mặt hàng được nhiều học sinh ưa thích là "thịt hổ, kẹo nổ, kẹo cầu vồng". Người phụ nữ này nhập hàng từ mối ở chợ đầu mối.

Nguy cơ về sức khỏe khôn lường

Các loại đồ ăn vặt có chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn đang là mối nguy hại tới sức khỏe của học sinh. Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra với các em học sinh khi ăn phải đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 7/9, Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận 25 học sinh trường Tiểu học Việt Chu (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) đến khám vì triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi. Qua khai thác từ bệnh nhân, những học sinh này đều ăn kẹo, sữa, nước đóng gói mua ở cổng trường. Sau ăn, một số học sinh có biểu hiện ngộ độc nên gia đình đưa vào bệnh viện khám. Trong đó, 6 em có biểu hiện nặng được giữ lại trung tâm theo dõi sức khỏe, truyền dịch, thải độc. 19 em còn lại sau khi thăm khám không có triệu chứng nặng nên các bác sĩ cho về theo dõi tại nhà.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang theo dõi và điều trị cho các em học sinh nghi bị ngộ độc

Ngày 25/11, Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cũng xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm. Có 126 em học sinh ăn kẹo lạ mua ở cổng trường, trong đó 5 em có biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở.

Ngày 27/11, 29 học sinh Trường THCS-THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) cùng có biểu hiện đau đầu nhẹ, đau bụng, buồn nôn và 1 học sinh nhập viện sau khi ăn một loại kẹo do một số bạn mang đến lớp. Loại kẹo này có hình tròn, nhiều màu sắc, bao bì chỉ in chữ nước ngoài và được mua tại cửa hàng tạp hóa gần cổng trường.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

TS. Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam

Đề cập đến giải pháp của vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng, TS. Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, chúng ta không thể dẹp các hàng quán bán rong ở cổng trường bởi vì đó là cung - cầu. Nguy hiểm lớn nhất đó là bố mẹ cho tiền trẻ hoặc mua cho con các thực phẩm ăn sẵn tại cổng trường.

Các thực phẩm này đều chứa các hóa chất bảo quản, phụ gia và màu thực phẩm, người ăn khó phát hiện ra. Những sản phẩm này đều có nguồn gốc từ nhiều nơi sản xuất từ xúc xích, xiên que, bim bim, thạch, kẹo, nước hoa quả… nên kiểm soát chất lượng và vệ sinh sản phẩm rất khó.

Theo ông Ngữ, các cơ quan quản lý tại địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra các cửa hàng, xe đẩy tại cổng trường, tốt nhất kiểm tra đột xuất các cơ sở này nếu phát hiện không đảm bảo sẽ yêu cầu đóng cửa hàng, cấm bán, xử lý nghiêm vi phạm với thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường sẽ mang tính răn đe người bán hàng.

Ngoài ra, các phụ huynh và cô giáo nên tuyên truyền để học sinh tẩy chay thực phẩm không an toàn ở cổng trường, nói không với hàng hóa không có tiếng Việt, không nhãn mác.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-hoa-tu-banh-keo-khong-ro-nguon-goc-ban-tran-lan-o-cong-truong-289120.html