Ẩn họa từ những ngôi nhà 'chuồng cọp'

Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, 'thời điểm vàng' để chữa cháy và thoát nạn không quá 5 phút kể từ khi cháy xảy ra. Tuy nhiên, với nhà ống, chung cư bịt kín bằng 'chuồng cọp' để chống trộm, nếu xảy ra cháy, sẽ mất nhiều thời gian để phá dỡ nên thường gây thiệt hại lớn.

Phòng trộm quên phòng cháy

Đã có rất nhiều những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ những ngôi nhà không lối thoát hiểm. Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra ngày 13/5/2023 tại số nhà 24, phố Thành Công, quận Hà Đông, TP. Hà Nội làm 4 người chết (trong đó có 3 nạn nhân là trẻ em). Đáng nói, người dân sống xung quanh đều đau lòng, bất lực nghe tiếng kêu cứu dần tắt lịm của nạn nhân mắc kẹt bên trong ngôi nhà 3 tầng được quây kín bởi hàng rào sắt hay còn gọi là “chuồng cọp”.

Vụ hỏa hoạn này thêm một lần nữa cho thấy, lối thoát an toàn khi xảy ra cháy, nổ chưa được người dân coi trọng, nhất là với nhà ống, chung cư bịt kín bằng “chuồng cọp” để chống trộm.

Tại địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An), cũng không khó để bắt gặp những “chuồng cọp” kiểu như vậy. Ngoài những nhà ống được bịt kín bằng lưới sắt, inox bảo vệ thì tại các chung cư như: Tòa nhà CT1 của chung cư Kim Thi, tòa nhà Bông Sen Tower, tòa nhà CT-B của Chung cư Vinaconex 9… nhất là chung cư cũ Quang Trung cũng được các gia đình cơi nới thành những “chuồng cọp” kiên cố.

Nhiều nhà ống trên đường Đặng Thái Thân (TP.Vinh) được bịt kín bằng lưới sắt. Ảnh: Đ.C

Theo lực lượng PCCC, việc hàn kín không gian thoáng của ngôi nhà hoặc gia cố thêm các “chuồng cọp” có hiệu quả trong phòng, chống trộm, nhưng lại đặc biệt gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy. Bởi thực tế, những nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Tuy nhiên, khi có cháy, lối thoát này đã bị khói, lửa chặn. Vì thế, phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn.

"Chuồng cọp" tại chung cư Quang Trung cũ. Ảnh: Đ.C

“Thời điểm vàng” để chữa cháy và thoát nạn không quá 5 phút kể từ khi cháy xảy ra, nhưng với nhà ống, chung cư bịt kín bằng “chuồng cọp” bởi các vật liệu bằng sắt thép, inox kiên cố, gây cản trở tiếp cận hiện trường, mất nhiều thời gian để phá dỡ.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thời gian cắt các lồng sắt, inox khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn.

Cần chuẩn bị phương án thoát nạn khi xảy ra cháy

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong năm 2022, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát các hộ gia đình sử dụng nhà ở có "chuồng cọp" và nhà ở chỉ có 1 lối thoát nạn trên địa bàn. Theo đó, đã tuyên truyền, vận động 19.417/19.417 (đạt 100%) nhà ở hộ gia đình riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiến hành dỡ bỏ hoặc thi công cửa thoát nạn khẩn cấp trên lưới sắt, chuồng cọp tại các lô gia, ban công của các căn hộ, đảm bảo lối thoát nạn thứ 2.

Đồng thời, vận động 93.756 hộ gia đình tự trang bị các phương tiện PCCC, trong đó, 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh đã trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu sau khi được kiểm tra, hướng dẫn.

Tòa nhà CT1 của chung cư Kim Thi nằm trên địa bàn phường Quán Bàu, cũng là nơi xuất hiện nhiều "chuồng cọp" nhất trong số các tòa nhà chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp PCCC&CNCH, qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực. Số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra được kiềm chế, làm giảm (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/5/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 79 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng 1,875 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2022, giảm 20 vụ cháy, giảm 3 người chết, thiệt hại tài sản giảm 1,4 tỷ đồng).

Tuy nhiên, qua đánh giá, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn phức tạp, đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm về nắng nóng hiện nay, nếu không tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng.

Diễn tập PCCC và cứu nạn tại một chung cư cao cấp trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Đặc biệt, mới đây, Công an tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo nhiều nội dung đối với Công an các đơn vị, địa phương về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó nêu rõ: Công an các huyện, thành, thị chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn tham mưu UBND cấp xã tổ chức rà soát toàn diện các khu đô thị, khu dân cư tập trung nhiều nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, ki-ốt, cơ sở sản xuất, kinh doanh được xây dựng theo dạng nhà ống, liền kề nhau chỉ có 1 lối thoát nạn hoặc có "chuồng cọp" (lồng sắt, lưới sắt) trên ban công, lô gia.

Trên cơ sở rà soát phải tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh tiến hành ngay việc mở lối thoát nạn thứ 2, tháo dỡ "chuồng cọp", đảm bảo 100% nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, ki-ốt, cơ sở sản xuất, kinh doanh xen lẫn trong khu dân cư trên địa bàn phải có tối thiểu 2 lối thoát nạn được bố trí phân tán, đáp ứng yêu cầu thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

Người dân không nên bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Đối với các trường hợp bắt buộc phải lắp đặt "chuồng cọp" để chống trộm cắp thì phải thi công ô cửa có kích thước tối thiểu 60x60cm trên các cấu kiện này, hướng mở cửa phải theo chiều thoát nạn ra bên ngoài, có thể thiết kế ổ khóa nhưng phải bố trí chìa khóa tại vị trí thuận lợi gần khu vực này và thông báo cho các thành viên trong gia đình biết để đảm bảo thoát nạn kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Cần lưu ý, khóa này phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.

Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa. Với những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.

Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Nghệ An

Có thể thấy, trong công tác PCCC phải luôn lấy phòng là chính, bởi vậy, cùng với việc trang bị các phương tiện chữa cháy cần thiết, với khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân không được chủ quan và cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ; tạo lối thoát hiểm cho căn nhà, không vì phòng trộm mà tự “bịt” đường thoát hiểm của chính mình khi xảy ra cháy, nổ.

Đặng Cường

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/an-hoa-tu-nhung-ngoi-nha-chuong-cop-post270024.html