Ẩn họa và rủi ro với nữ nhân viên nhà vệ sinh công cộng

Nhiều người biết đến những nỗi cực nhọc vất vả của chị em công nhân vệ sinh môi trường bởi họ phải đối mặt với những rủi ro, tai họa khi làm việc trên đường phố, lúc đêm khuya. Thế nhưng, còn một nghề vệ sinh nữa mà hiểm họa cũng không kém, đó chính là nghề dọn nhà vệ sinh công cộng.

Hình thành thói quen bảo vệ mình

Hàng ngày, từ 7 giờ sáng, chị Trần Thị Lịu (47 tuổi) đã có mặt tại trung tâm thương mại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội). Công việc của chị là dọn nhà vệ sinh nam và nữ. Ngày nào chị cũng làm đủ 8 tiếng như vậy và kết thúc công việc vào 3 giờ chiều, hoặc đi từ 2 giờ chiều và trở về lúc 10 giờ đêm nếu làm ca tối.

Lương của chị là 4,5 triệu đồng/tháng và được đóng bảo hiểm. Chị Lịu đã có 10 năm dọn nhà vệ sinh ở các khu chung cư và trung tâm thương mại như The Garden, khu đô thị Nam Thăng Long...

Chị kể từng làm nhiều công việc khác nhau như bán rau, bốc vác ở bến xe nhưng do vất vả, lại mưa nắng thất thường nên chị xin vào làm tại công ty dịch vụ dọn nhà. Việc của chị là chuyên lo phần dọn nhà vệ sinh, dọn ở nhà vệ sinh nữ thì đơn giản nhưng mới đầu, khi vào nghề phải lau dọn tại các nhà vệ sinh nam, chị cũng khá ngại ngần, sau thì quen dần. "Việc bị trêu đùa bằng lời xảy ra như cơm bữa, nhưng việc mình thì mình cứ tập trung làm thôi, mặt thì cúi, miệng lại thường xuyên đeo khẩu trang nên coi như không nghe thấy gì, với lại không ai đứng lâu trong nhà vệ sinh mà lèm bèm mãi được”, chị Lịu chia sẻ.

Tuy nhiên cũng không ít lần chị gặp những tình huống khó xử. Có khi chờ cả 10 phút không thấy ai ra vào nhà vệ sinh nam, chị mới vào dọn nhưng vừa mở cửa thì thấy một người đàn ông đứng trong nhà vệ sinh đang “khoe của quý”. "Tôi giật mình chạy ra ngoài mà còn sởn hết da gà”, chị Lịu kể.

Những nhà vệ sinh nằm trong khu chung cư hay Trung tâm thương mại thường có độ an toàn cao hơn bởi có camera, nhân viên bảo vệ

Những nhà vệ sinh nằm trong khu chung cư hay Trung tâm thương mại thường có độ an toàn cao hơn bởi có camera, nhân viên bảo vệ

Chị Lê Thị T. dọn nhà vệ sinh tại một trung tâm thương mại đã 3 năm nay, dù mức lương chỉ vỏn vẹn gần triệu 1 đồng/tháng nhưng công việc lại vô cùng phức tạp. Ban đầu chị nhận công việc này vì nghĩ nó chỉ đơn giản là quét dọn nhà vệ sinh, dù có là nghề mà mình không thích nhưng cũng có thu nhập ổn định mỗi tháng để trang trải cuộc sống. Nhưng khi tiếp xúc với công việc rồi, chị mới thấy thật không dễ dàng gì.

Chị T. cho biết, khi dọn nhà vệ sinh nam, dù chị đã đeo khẩu trang và mặc đồ vệ sinh kín mít nhưng vẫn bị đàn ông trêu chọc. “Nhiều người trông thì rất lịch sự nhưng đằng sau đó lại là một kẻ biến thái. Tôi từng bị một ông già khoang 60 tuổi lao vào ôm, định sàm sỡ. Lúc tôi hoảng loạn chạy ra ngoài định báo bảo vệ thì ông ta đã đi mất”, chị T. cho biết.

Chị T. cũng chia sẻ từng gặp trường hợp nam giới trốn trong nhà vệ sinh nữ để rình rập, nhòm ngó những phụ nữ đi vào vệ sinh cá nhân. Ở trung tâm thương mại nơi chị làm việc từng xảy ta trường hợp phụ nữ đi dọn vệ sinh về khuya đi qua hàng lang vắng bị kẻ xấu giật đồ. Kể từ đó, chị em bảo nhau không đeo khuyên tai, đồng hồ, dây chuyền hay bất cứ thứ gì có giá trị khi đi làm việc.

Ở nhiều nước, thường thì nhân viên nam sẽ dọn nhà vệ sinh nam, tuy nhiên tại Việt Nam, việc dọn cả nhà vệ sinh nam, nữ chủ yếu do nhân viên nữ đảm nhận. Ảnh minh họa: ST

Thường gặp những kẻ khoe "của quý"

Tuy vất vả và nguy hiểm nhưng đối với chị em dọn nhà vệ sinh tại các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim vẫn còn là một may mắn vì dù sao nơi này cũng có bảo vệ, có camera, có đông người qua lại, có thể kêu cứu và được trợ giúp khi gặp sự cố. Còn đối với công việc dọn vệ sinh công cộng trên đường phố thì phải là những phụ nữ can đảm và cứng rắn lắm mới có thể đảm nhận được.

Với công việc dọn vệ sinh công cộng trên đường phố thì phải là những phụ nữ can đảm và cứng rắn lắm mới có thể đảm nhận được

Trên khắp các tuyến đường Hà Nội những năm trở lại đây các nhà vệ sinh công cộng được dựng lên nhằm đảm bảo vệ sinh và đáp ứng nhu cầu của người dân. Đằng sau sự tiện dụng và sạch sẽ ấy là công sức không nhỏ của những người dọn vệ sinh công cộng và những hiểm nguy mà họ phải đối mặt.

Chị Hà Thị M. - công nhân dọn vệ sinh tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm - cho biết, nhà vệ sinh công cộng rất phức tạp, bẩn hơn nhà vệ sinh tại siêu thị, trung tâm thương mại hay nhà hát, rạp chiếu phim, bởi nơi đây đúng là “công cộng”, người vào không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Dọn dẹp ở nhà vệ sinh công cộng rất khổ vì đông người qua lại, nhất là những ngày mưa gió, mùi xú uế bốc lên, nếu không dọn sạch và dọn liên tục sẽ khiến cho người qua lại bị ảnh hưởng, không đảm bảo yêu cầu của thành phố.

Tuy nhiên đó chỉ là “phẩn nổi” của nghề, “phần chìm” là những hiểm họa khó có thể lường hết được. Chị M. cho biết, chuyện bị sàm sỡ, khoe "của quý” hay “xin tiền” của các đối tượng nghiện hút không phải là hiếm ở những nơi như thế này.

Chị M. bộc bạch, trước đây chị dọn vệ sinh công cộng tại một bến xe, nhiều người ý thức rất kém, họ say se, say rượu đã đành, còn có nhiều người coi nhà vệ sinh công cộng là nơi để tiêm chích. Nói chung, nghề dọn vệ sinh công cộng tiền lương ít nhưng hiểm họa thì nhiều. Nhưng đây cũng là nghề mà nhiều chị em phụ nữ lựa chọn bởi dễ xin việc và cũng do “không thể làm việc gì khác”.

- Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 19/11 là “Ngày Nhà vệ sinh thế giới”, kể từ năm 2013. Năm 2019 là năm thứ 7 diễn ra sự kiện thường niên này với chủ đề: “Không bỏ sót bất kỳ một ai".

- “Ngày Nhà vệ sinh thế giới” giúp mọi người trên toàn cầu ý thức được tầm quan trọng của hệ thống nhà vệ sinh tới sức khỏe của con người và chung tay xây dựng một xã hội khỏe mạnh hơn.

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/an-hoa-va-rui-ro-voi-nu-nhan-vien-nha-ve-sinh-cong-cong-post66879.html