Án mạng Bạch Hiểu Yến: Vụ bắt cóc rùng rợn, ly kỳ gấp nhiều phim ảnh

Hơn 20 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến cái chết Bạch Hiểu Yến (sinh năm 1980 tại Đài Loan) người ta không khỏi rùng mình trước những thủ đoạn tàn ác mà nhóm này gây ra.

Cô nữ sinh Bạch Hiểu Yến – con gái nghệ sĩ nổi tiếng Đài Loan Bạch Băng Băng và họa sĩ truyện tranh người nhật Kajihara Ikki, năm đó 17 tuổi học lớp 11 trường cấp 3 Lâm Khẩu. Ngày 14/4/1997, cô bé mất tích sau khi rời nhà đến trường đi học.

Tối đó Bạch Băng Băng nhận được điện thoại của hung thủ bắt cóc con gái bà, yêu cầu cô đến nghĩa trang cạnh sân golf Trường Canh nhận đồ của con gái. Đến địa điểm, bà Bạch tìm thấy túi đồ của con gái, ba bức ảnh chụp Hiểu Yến bị cởi trần nửa người, túi nylon đựng một ngón tay bị chặt đứt và một tờ giấy yêu cầu 5 triệu USD tiền chuộc.

Sự tráo trở của băng nhóm bắt cóc con tin

Từ ngày 15-19/4/1997, nhóm hung thủ gọi điện nhiều lần đòi tiền chuộc, chúng sử dụng sim rác nên cảnh sát không thể nắm được hành tung. Địa điểm giao tiền bị chúng thay đổi liên tục và chưa một lần lộ mặt nên bí ẩn nhóm hung thủ là ai, có bao nhiêu người. Bạch Băng Băng lo con gái bị hại nên yêu cầu được nói chuyện với Hiểu Yến, xác nhận con an toàn cô tiếp tục thương thuyết hẹn địa điểm với nhóm bắt cóc.

Sau thời gian im lặng, ngày 23/4, nhóm bắt cóc gọi điện hẹn gặp tại một địa điểm thuộc thành phố Tân Trúc, tuy nhiên lại một lần nữa chúng không xuất hiện.

Nghệ sĩ Bạch Băng Băng cầm di ảnh của con gái năm 2017. Ảnh: Ettoday.

Nghệ sĩ Bạch Băng Băng cầm di ảnh của con gái năm 2017. Ảnh: Ettoday.

Ngày 25/4, những kẻ bắt cóc tống tiền hẹn địa điểm tại Đào Viên, mặc dù lần này nhóm hung thủ không xuất hiện nhưng cảnh sát bước đầu nắm bắt được hành tung của các đối tượng, tiến hành bắt giữ hai nghi can là Lâm Trí Năng, Ngô Tái Bồi, qua đó xác định hai kẻ nắm vai trò chủ yếu trong vụ án là Trần Tiến Hưng, Lâm Xuân Sinh. Trong một cuộc vây bắt, hai tên này và cảnh sát đã xảy ra cuộc đọ súng khốc liệt.

Cảnh sát khi đó cho rằng khả năng Hiểu Yến vẫn còn sống là rất cao, hung thủ cần nhanh chóng bị bắt, nếu không, Hiểu Yến sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bạch Băng Băng thông qua các cơ quan truyền thông kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội, cung cấp thông tin cho cảnh sát. Trong những ngày sau đó, tại cổng nhà riêng của Bạch Băng Băng, hầu như lúc nào cũng đầy xe nhà báo. Truyền thông liên tục đăng tải diễn biến vụ việc.

Ngày 27/4, Cảnh sát xác nhận nhân vật thứ 3 trong vụ án là Cao Thiên Dân – một tay máu mặt với dày đặc tiền án trong quá khứ. Đánh giá thấy vụ án có vẻ đi vào bế tắc cục cảnh sát thông qua truyền thông kêu gọi nhóm hung thủ ra đầu thú.

Ngày 28/4, Thi thể Bạch Hiểu Yến được phát hiện tại một con rạch khu Thái Sơn, Đài Bắc. Pháp y cho biết Hiểu Yến đã bị giết trước đó 8 đến 10 ngày, chết do bị siết cổ bằng dây thừng, gan lách bị vỡ, mất máu cấp, mất một ngón tay, có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Con tin trước khi chết đã bị làm nhục và chịu cực hình một cách đau đớn.

Con tin bị giết bằng những thủ đoạn tàn ác, đánh giá được sự nguy hiểm của nhóm hung thủ cục cảnh sát phát đi lệnh truy nã đặc biệt khẩn cấp đối với Trần Tiến Hưng, Lâm Xuân Sinh, Cao Thiên Dân.

Con đường trốn chạy và tiếp tục cướp bóc giết người

Ngày 24/5, cảnh sát theo chân em vợ của Trần là Trương Trí Huy khi tên này khai đưa cơm cho anh rể tại Bản Kiều. Tuy nhiên, có lẽ đánh hơi được tin tức nên ba tên đã trốn thoát.

Ngày 28/5, Viện kiểm sát Bản Kiều nhận được thư nặc danh có nội dung yêu cầu cảnh sát thả tự do cho vợ, em vợ Trần và một số người khác. Ghi rõ vụ án bắt cóc con tin Bạch Hiểu Yến là do ba hung thủ thực hiện và không liên quan những người khác.

Thông cáo truy nã nhóm hung thủ án Bạch Hiểu yến. Ảnh:SETN.

Ngày 6/6, ba kẻ này tiếp tục đột nhập nhà một quan chức cấp cao là Thái Minh Đường, uy hiếp nạn nhân bằng súng và cướp đi 5 triệu Đài tệ. Gia đình vì sợ bị trả thù nên không dám báo án. Sự việc chỉ bị bại lộ khi hung thủ bị bắt.

Ngày 8/8, vẫn với thủ đoạn cũ, nhóm người đã cướp đi của một doanh nhân Đài Bắc 5 triệu Đài tệ.

Ngày 11/8, khi Trần Tiến Hưng đột nhập một căn hộ chung cư, anh ta dùng súng uy hiếp, dùng dây thừng trói ba người phụ nữ thì bị cảnh sát ập vào khống chế. Trần nhanh chóng thoát ra phía cửa sổ, dùng súng chống chọi với cảnh sát, một nhân viên cảnh sát tên Trương Thụy Vinh trúng hai viên đạn và tử vong ngày hôm đó. Hưng lợi dụng giờ giao thông cao điểm, cướp xe máy của người dân trốn thoát.

Ngày 19/8, người dân cung cấp tin tức Lâm Xuân Sinh và Cao Thiên Dân xuất hiện tại phố Ngũ Thường, Đài Bắc. Cảnh sát huy động lực lượng tinh nhuệ với hơn 100 cảnh sát vây bắt. Hai tên hung thủ mang theo súng ngắn và một súng tiểu liên chống trả quyết liệt, tại trận đấu súng này Lâm Xuân Sinh trúng 6 phát đạn tử vong. Cao Thiên Dân cướp xe của dân thường trốn thoát theo những hẻm thoát hiểm của các dãy chung cư.

Cuộc đấu súng ở phố Ngũ Thường. Ảnh: SETN.

Trận đấu súng được giới quan sát đánh giá còn gay cấn hơn trong màn ảnh, giới truyền thông mục kích và phát trực tiếp ngay tại hiện trường, sau này được gọi tên là “Cuộc đấu súng phố Ngũ Thường”.

Ngày 23/10, 3 người làm việc trong phòng khám thẩm mỹ Phương Bảo Phương tại Đài Bắc bị giết hại một cách dã man. 3 người này gồm bác sĩ Phương Bảo Phương, vợ ông - bà Trương Xương Bích, y tá Trịnh Văn Du (21 tuổi). Họ bị trói ngược tay ra sau bằng còng số 8, mũi miệng đều bị bịt bằng băng keo, chết do một phát súng duy nhất vào đầu.

Qua điều tra, ba nạn nhân đã bị Cao Thiên Dân, Trần Tiến Hưng uy hiếp thực hiện phẫu thuật chỉnh hình cho hai tên tội phạm sau đó bị diệt khẩu, y tá Trịnh Văn Du bị xâm hại tình dục trước khi chết.

Ngày 17/11, người dân cung cấp thông tin Cao Thiên Dân xuất hiện tại một khu mua bán tại Đài Bắc, ngay lập tức cảnh sát huy động lực lượng vây bắt. Tại trận đấu súng hôm đó Cao Thiên Dân đã dùng súng tự vẫn.

Ngày 18/11, Trần Tiến Hưng đột nhập một nhà dân, thực hiện hành vi cưỡng hiếp hai chị em trong nhà nhưng không thành, Trần sau đó trốn qua khu vực Bắc Đầu dưới chân núi Dương Minh. Tại đây hắn đột nhập vào nhà riêng thượng tá Trác Mậu Kỳ làm việc tại cơ quan đại diện của Nam Phi uy hiếp 5 con tin.

Cuộc phỏng vấn lịch sử của tên giết người máu lạnh

Trần gọi điện cho Cục cảnh sát Đài Bắc nói rằng hắn bị uy hiếp bởi hệ thống tư pháp của chính quyền và yêu cầu tiếp xúc với giới truyền thông quốc tế. Hành động này đã đưa vụ việc vượt ra ngoài lãnh thổ Đài Loan. Trần trực tiếp nghe điện thoại, trả lời phỏng vấn của hơn 10 cơ quan truyền thông nội địa và quốc tế, kể lại quá trình phạm tội một cách “anh hùng hóa”. Sau khi chấp nhận đàm phán với cảnh sát, hắn thả dần các con tin và chấp nhận đầu hàng.

Qua đối chiếu ADN, cơ quan điều tra xác nhận Trần Tiến Hưng đã thực hiện hành vi hiếp dâm đối với ít nhất 19 người. Mỗi lần đột nhập nhà dân hắn đều hiếp dâm, cướp bóc, ăn uống no nê sau đó uy hiếp nạn nhân phải giữ bí mật nếu không sẽ báo thù và rời đi. Chính hắn cũng xác nhận số nạn nhân hắn hiếp dâm có thể lên đến 50 người.

Ngày 23/1/1998, Trần Tiến Hưng với những tội ác tàn bạo không thể tha thứ, hắn bị tuyên phạt 5 án tử hình, hai án chung thân, tổng hình phạt là tử hình.

Người dân xuống đường kêu gọi chống bạo lực và bảo vệ phụ nữ. Ảnh: TVBS.

Vụ bắt cóc con tin Bạch Hiểu Yến có sức ảnh hưởng rất lớn trong tình hình chính trị Đài Loan lúc đó. Hai đảng mới thành lập lúc đó là Tân Đảng và Dân Tiến Đảng đã lấy sự thất bại của chính quyền trong xử lý vụ việc để phê phán Quốc Dân Đảng, làm giảm sự tín nhiệm của người dân đối với đảng này, tạo điều kiện cho sự nổi lên của hai đảng mới.Sự việc tạo ra một thời kỳ đen tối của nền trị an Đài Loan khi cùng trong năm đó xảy ra 3 vụ đại án “Huyết án gia đình chủ tịch Lưu Bang Hữu”, “Cái chết kiện tướng võ thuật Bành Uyển Như” và án “Bạch Hiểu Yến”.

Vụ bắt cóc mà nạn nhân không chỉ có Bạch Hiểu Yến mà còn kéo theo hàng loạt nạn nhân khác với những tội ác giết người, cướp của, cưỡng hiếp... khiến cho hàng loạt cuộc biểu tình chống bạo lực, bảo vệ phụ nữ nổ ra. Người Đài Loan yêu cầu nhà lãnh đạo đảo này đứng ra xin lỗi, thay đổi nội các. Hàng loạt quan chức cấp cao khi đó bao gồm người sau này là nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu phải từ chức vì vụ việc.

Hơn 20 năm qua đi vụ án vẫn được nhắc đến như một điển hình của tội ác, một dấm chấm đen của nền tư pháp Đài Loan lúc bấy giờ.

Diên Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/an-mang-bach-hieu-yen-vu-bat-coc-rung-ron-ly-ky-gap-nhieu-phim-anh-post912427.html