Ấn-Mỹ tăng hợp tác quốc phòng giữa lúc Biển Đông căng thẳng

Ấn Độ và Mỹ đang gần hoàn tất một thỏa thuận về chia sẻ hậu cần quân sự sau 12 năm đàm phán, đánh bật Nga nổi lên như một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho New Delhi.

Hải quân Ấn Độ (ảnh minh họa).

Đây được xem là một dấu hiệu tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc đòi hỏi yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Reuters dẫn nguồn tin trong giới quân sự Mỹ cho biết, Washington đang đàm phán giúp xây New Delhi xây tàu sân bay lớn nhất nước này theo thỏa thuận hợp tác quân sự có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần (LSA) sẽ cho phép quân đội Mỹ-Ấn sử dụng các căn cứ hải, lục và không quân của cho hoạt động tiếp tế, sửa chữa, và nghỉ ngơi.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ khu vực Thái Bình Dương, cho hay đôi bên đang tiến gần tới chỗ ký kết thỏa thuận này - Economic Times tiết lộ thêm.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng, thỏa thuận hậu cần quân sự trên có thể được ký nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới Ấn Độ vào tháng 4 tới

Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần (LSA) đã bị trì trệ nhiều năm do các chính phủ tiền nhiệm của Ấn Độ lo ngại rằng nó sẽ đẩy nước này vào một cam kết ràng buộc phải hậu thuẫn Mỹ trong một cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi nay đã xúc tiến thỏa thuận này. Theo nguồn tin trong giới quan chức Ấn Độ, trở ngại chính trong việc ký thỏa thuận đã được loại bỏ sau khi Mỹ đảm bảo với Ấn Độ rằng, Ấn Độ sẽ không buộc phải ủng hộ Mỹ nếu Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự hoặc thực hiện một hành động đơn phương nào mà Ấn Độ không ủng hộ.

Theo đánh giá của giới phân tích, động thái này nhằm giúp tăng cường sức mạnh cho hải quân Ấn giữa lúc Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ở cả Biển Đông lẫn Ấn Độ Dương.

Quan ngại trước các động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, New Delhi đang nỗ lực củng cố hải quân, đồng thời xây dựng quan hệ quốc phòng với cường quốc Nhật Bản, Mỹ cũng như Việt Nam. Mỹ-Ấn cũng đang tính tới các cuộc tuần tra hàng hải chung kể cả ở Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và chiến lược Xoay trục về Châu Á của Mỹ đang hội tụ và Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần Mỹ-Ấn là một thỏa thuận có tính khả thi.

Mặc dù không phải là một bên trong trong tranh chấp, nhưng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các động thái củng cố tuyên bố bá quyền phi pháp, không được quốc tế thừa nhận của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhà Trắng hôm 28/2 cũng thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết không quân sự hóa ở các khu vực TQ đang chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) sang tất cả vùng Biển Đông.

Trong chuyến thăm Mỹ tháng Chín năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Trường Sa. Nhưng sau đó, các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh có động cơ quân sự với việc xây dựng đường băng và lắp đặt hệ thống radar trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hoàng Hải (Theo Reuters, Economic Times, Indian Times)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/an-my-tang-hop-tac-quoc-phong-giua-luc-bien-dong-cang-thang-a229506.html