An ninh hàng hải - tâm điểm thượng đỉnh ASEAN?

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á vừa bắt đầu hội nghị thượng đỉnh tại Bali, Indonesia, nơi họ hy vọng có thể thảo luận về vấn đề tranh chấp hàng hải.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 đã khai mạc ở Bali. Ảnh: EPA

Các cuộc hội đàm ASEAN sẽ được mở rộng vào ngày thứ bảy trở thành Hội nghị Đông Á với sự tham gia của Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Năm nay, sự kiện này đón nhận thêm Mỹ và Nga.

Mỹ có dấu hiệu sẽ nêu vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông ra trước hội nghị. Đây là vùng biển với những lộ trình vận chuyển sống còn và khá giàu tài nguyên năng lượng. Trong khi đó, Bắc Kinh lại không muốn bàn luận tới chuyện Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại chuyến thăm Philippines đã tuyên bố, việc đe dọa bằng sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là không thể chấp nhận được. "Bất kỳ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền đều có quyền nỗ lực đạt được điều đó, nhưng họ không có quyền theo đuổi mục đích thông qua sự hăm dọa hay ép buộc", bà nói.

Ở bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh Bali, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono khẳng định: "Chúng ta phải đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực của chúng ta. ASEAN phải tiếp tục đóng một vai trò chủ động để tạo điều kiện thuận lợi và tham gia trong việc giải quyết các vấn đề". Giới phân tích cho rằng, phát biểu của ông Yudhoyono đề cập tới chuyện Biển Đông.

Theo hãng Kyodo (Nhật Bản), hiện lãnh đạo ASEAN đang tập trung thảo luận về khả năng mở rộng hợp tác hàng hải bao gồm cả các nước ngoài khối, đồng thời dự kiến sẽ thông qua khuôn khổ cho quan hệ đối tác kinh tế với 6 đối tác với nhóm gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Bali, hòn đảo nghỉ dưỡng thông thường là một thiên đường du lịch, những ngày này là nơi diễn ra sự kiện quan trọng với 6 tàu chiến tuần tra trên biển và 7.000 cảnh sát, binh lính đảm bảo an ninh.

Dự kiến các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ xem xét tiến trình của kế hoạch thiết lập thị trường chung, không bị cản trở vào năm 2015 - một nhiệm vụ hiện nay trở nên cấp bách hơn do cuộc khủng hoảng tại những thị trường xuất khẩu lớn ở châu Âu. Khoảng cách giữa các nền kinh tế trong khu vực - từ nước giàu có như Singapore tới các quốc gia chậm phát triển như Lào hay Myanmar - là rào cản lớn với việc thiết lập một thị trường chung của hơn 600 triệu người.

Tuy nhiên, hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan cho hay, khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và thực trạng Mỹ là cơ hội để ASEAN "cư xử đồng lòng hơn".

Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có quyết tâm chính trị cao và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột.
Thủ tướng Việt Nam đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong 14 lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục duy trì, củng cố đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới COC, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực, đồng thời tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Theo TTXVN

Thái An (theo mainichi)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/48812/an-ninh-hang-hai---tam-diem-thuong-dinh-asean-.html