'An ninh nước sạch' và hồi đáp của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nếu coi các buổi chất vấn tại nghị trường là để cơ hội để các vị đại biểu Quốc hội trực diện đối đáp với thành viên Chính phủ về một vấn đề đang phát sinh thì câu chuyện 'an ninh nước sạch' tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại kỳ họp Quốc hội tuần qua là một ví dụ điển hình.

Vấn đề an ninh nước sạch tưởng chừng không phải của Bộ Công Thương nhưng vẫn được đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Vấn đề an ninh nước sạch tưởng chừng không phải của Bộ Công Thương nhưng vẫn được đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Một số đại biểu Quốc hội như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm là nước sạch một vấn đề an ninh rất quan trọng nên nhà nước cần có cổ phần để chi phối, điều hành và quản lý trong các công ty nước sạch. Đại biểu Nghĩa dẫn câu chuyện hiện Việt Nam không hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài sở hữu vốn trong các công ty nhà máy nước cung cấp nước sạch mà điển hình như tỉ phú Thái Lan mua 34% cổ phần trong Nhà máy nước sạch Sông Đuống.

“Nước sạch không chỉ là vấn đề đời sống dân sinh mà còn là vấn đề an ninh” - đại biểu Nghĩa nêu quan điểm. Vấn đề theo đại biểu Nghĩa là “họ mua cổ phần được thì họ có quyền bán, sang nhượng cổ phần cho doanh nghiệp khác - thậm chí là một đơn vị nước ngoài mà họ có lợi”. Điều mà ông Nghĩa lo ngại nhất ở đây là việc chuyển nhượng vốn cho doanh nghiệp ở nước ngoài.

“Thậm chí họ có thể chuyển nhượng cho những doanh nghiệp mà ở đất nước họ đang cạnh tranh, tranh chấp chủ quyền với Việt Nam”- vẫn đại biểu Nghĩa bày tỏ.

Làm thế nào để những quy định điều hành do Chính phủ mà trực tiếp là các bộ thông qua về các câu chuyện tương tự như đại biểu Quốc hội nêu ra vừa phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế của Việt Nam vừa bảo đảm lợi ích quốc kế dân sinh là bài toán luôn phải tính đến.

Ở đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với tư cách Trưởng ngành Công Thương cho thấy ông là người làm chủ được không chỉ không gian quản lý của ngành mà còn ngay cả với những tọa độ của những diễn tiến liên quan đến góc độ quản lý. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ghi nhận sự cảnh báo của các đại biểu Quốc hội từ thực tế của đại biểu phản ánh, sẽ nghiên cứu sâu hơn để từ đó có những khuyến nghị và hỗ trợ bằng cả pháp lý, chính sách cho các doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước. Nhưng hoàn toàn không có nghĩa là chỉ dừng ở mức độ đó. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hiện đã có những “cây gậy” để quản lý vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, việc cổ phần hóa lĩnh vực nước sạch hay lĩnh vực nào cũng phải trên cơ sở của công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của luật pháp. Bộ trưởng đưa ra một ví dụ đơn cử như câu chuyện liên quan đến việc mua lại hoặc sáp nhập phần vốn của doanh nghiệp đầu tư trong nước thì Luật Cạnh tranh có những quy định rất cụ thể, nếu những doanh nghiệp tiếp tục tích tụ và tập trung kinh tế đến mức độ có thể gây ảnh hưởng đến các thị trường và tạo ra những hành vi và môi trường phản cạnh tranh thì chúng ta có thể báo cáo và có những cơ chế và tố tụng cạnh tranh để xử lý những vấn đề này.

Mặt khác Luật Đầu tư hiện hành cũng có rất nhiều các quy định để bảo vệ cho những lợi ích chung của các nhà đầu tư bao gồm cả nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. “Với một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần thì chúng ta cũng phải tự nghiên cứu và tiếp tục sẽ có biện pháp để tiếp tục bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liền sau đó, liên quan đến câu chuyện an ninh nước sạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phần chốt lại thời gian chất vấn đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó chú ý làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh nguồn nước an toàn cho người dân, tránh tình trạng như thời gian qua báo chí đã nêu.

“Tôi yêu cầu các cấp, các ngành nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502 ngày 22/12/2016 của Thủ tướng (Quyết định phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050)” - Thủ tướng nói.

Qua các buổi chất vấn đã có thể thấy từ những thông tin được nêu lên và phần hồi đáp của các cơ quan hành pháp đã cho thấy Quốc hội và Chính phủ cùng hướng tới một mục tiêu lớn là tạo ra sự phối hợp và tin tưởng trong quản lý, điều hành nền kinh tế.

Và rõ ràng, cần lắm những thành viên Chính phủ am hiểu cả về luật pháp cũng như thấu hiểu doanh nghiệp để có những câu trả lời thẳng thắn mà vẫn động viên doanh nghiệp như Tư lệnh ngành Công Thương...

Quỳnh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-ninh-nuoc-sach-va-hoi-dap-cua-bo-truong-bo-cong-thuong-128065.html