An ninh quốc gia chỉ là cái cớ của Mỹ

Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn điều khoản về an ninh quốc gia quy định trong Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 để lấy cớ áp thuế nhập khẩu 25% đối với các sản phẩm thép và 10% đối với các sản phẩm nhôm của nhiều nước, trong đó có Canada. Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên trang National Newswatch, tác giả Donald Barry cho rằng việc Mỹ lấy lý do nhôm thép của Canada có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ là điều hoàn toàn vô lý.

Theo ông Barry, đây là điều khoản rất hiếm khi được Mỹ sử dụng, nhất là với một quốc gia láng giềng đồng minh thân thiết. Lý do được Tổng thống Trump đưa ra là nhôm thép nhập khẩu có thể làm suy yếu năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước trước nhu cầu thực tế của quân đội Mỹ. Hiện nay, quan hệ thương mại Mỹ-Canada có quy mô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại với Canada, Mỹ chỉ phải chịu mức thâm hụt rất nhỏ. Washington đã biện minh cho quyết định áp thuế trên bằng lý do lo ngại ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Thế nhưng, đến nay vẫn không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nhôm và thép nhập khẩu từ Canada gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, hay Canada đang đóng vai trò “cửa hậu” vận chuyển nhôm thép phá giá từ nước thứ 3 đưa sang thị trường Mỹ. Trên thực tế, Mỹ đang được hưởng cân bằng thương mại trong ngành thép với Canada, khách hàng mua thép lớn nhất của Mỹ, đồng thời là nhà cung cấp nhôm thép ổn định hàng đầu cho ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia láng giềng. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô hai nước vẫn đang dựa vào nhau hết sức chặt chẽ.

Tổng thống Trump đang gây căng thẳng với hai nước láng giềng là Mexico và Canada vì đòi đàm phán lại NAFTA. Ảnh tư liệu

Thực ra, quan điểm của Tổng thống Trump về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã thay đổi đáng kể kể từ những ngày đầu nhậm chức, khi ông yêu cầu phải cập nhật thỏa thuận này. Quan điểm của chính quyền Trump ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi các cuộc tái đàm phán được chính thức khởi động. Chính Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng phải thừa nhận Washington luôn thúc đẩy tìm kiếm nhượng bộ từ Canada và Mexico, nhưng bản thân thì không muốn đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào.

Chính phủ của Thủ tướng Trudeau không có lựa chọn nào khác ngoài việc cùng các nước ứng phó với thuế nhôm thép của Mỹ, đồng thời áp gói biện pháp trả đũa có giá trị tương ứng nhằm vào các ngành công nghiệp mang tính nhạy cảm về chính trị và sự lãnh đạo của đảng Cộng hòa (Mỹ). Bên cạnh đó, Canada phối hợp với các quốc gia khác khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tính pháp lý của thuế quan do Mỹ áp đặt. Cho đến nay, chưa bao giờ WTO phải giải quyết các vụ kiện liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, nên khó có thể phán đoán kết quả phán xét cuối cùng sẽ đi theo chiều hướng nào.

Tất nhiên, Washington và Ottawa có thể tiếp tục các đòn trả đũa của mình, nhưng cả hai bên đều sẽ bị tổn thương. Với 75% tổng lượng hàng xuất khẩu của Canada đến Mỹ và chỉ có 15% giá trị xuất khẩu của Mỹ đến Canada, chắc chắn Ottawa sẽ là bên bị thua thiệt nhiều hơn. Theo kế hoạch, các cuộc tái đàm phán NAFTA - vốn được khởi động từ tháng 5 - sẽ được nối lại trong tháng này. Trong số những yêu sách chính của Mỹ phải kể đến “điều khoản hoàng hôn” cho phép thỏa thuận tự động hết hạn sau 5 năm trừ khi cả ba bên đồng ý gia hạn và việc bãi bỏ các điều khoản giải quyết tranh chấp trong NAFTA vốn cho phép các tòa án trọng tài ra phán quyết ngăn chặn những hành động thương mại tùy ý. Tuy nhiên, cả hai yêu sách này đều bị Chính phủ Canada và Mexico phản đối mạnh. Giới doanh nghiệp ba nước cũng không muốn đặt NAFTA vào tình trạng bấp bênh với “điều khoản hoàng hôn”.

Đối với Canada hiện nay, điều quan trọng là các cuộc tái đàm phán NAFTA phải đạt kết quả để có thể bảo tồn các mô hình thương mại và đầu tư được hình thành và phát triển kể từ khi thỏa thuận này chính thức có hiệu lực cách đây 24 năm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của Canada. Đó không phải là hoạt động đầu cơ, mà chỉ đơn giản là sẵn sàng đàm phán mà không phải hy sinh những lợi ích thực sự. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế hiện nay, khó có điều gì có gì để ngăn Tổng thống Trump không tiếp tục đưa ra những hành động gây căng thẳng thương mại tiếp theo.

Theo ông Barry, để tạo thuận lợi cho tiến trình tái đàm phán đang đi vào giai đoạn nước rút, Ottawa cần phải gắn các điều kiện cụ thể của mình với lợi ích kinh tế và giới chính trị gia Mỹ. Các doanh nhân và doanh nghiệp bị tổn hại do các biện pháp thuế quan đang công khai chỉ trích những biện pháp của Tổng thống Trump, nhưng giới lập pháp dường như vẫn chưa sẵn sàng đối đầu với các hành động của ông. Điều này cho thấy tâm lý của cử tri Mỹ sẵn sàng chấp nhận những thua thiệt trước mắt với hy vọng Tổng thống Trump sẽ đạt được những nhượng bộ cần thiết từ Canada và Mexico để có được những cải thiện kinh tế về lâu dài. Tuy nhiên, tâm lý của cử tri Mỹ và thái độ của các chính trị gia có thể sẽ thay đổi nếu như tình trạng bế tắc tiếp tục kéo dài.

Vì vậy, ông Barry cho rằng bên cạnh hướng đi trên, Canada nên kết hợp tìm kiếm thêm các đối tác thương mại khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào quốc gia láng giềng phía Nam. Hướng đi này không chỉ liên quan đến việc theo đuổi các mối quan hệ mới mà còn phải đảm bảo rằng Canada có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để khai thác những cơ hội thị trường sẵn có.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/an-ninh-quoc-gia-chi-la-cai-co-cua-my-120989.html