An ninh toàn cầu năm 2019: Từ góc nhìn dự báo

Năm 2018 thế giới trải qua những biến động phức tạp của an ninh: sự biến động của các điểm nóng cũ, bùng phát các điểm nóng mới; động thái chạy đua vũ trang, gia tăng các cuộc tập trận, sản xuất vũ khí siêu hiện đại... Năm 2019, xu thế hòa bình, ổn định trên phạm vi toàn cầu được dự báo vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, sẽ có những chuyển động bất thường của an ninh trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là sự điều chỉnh chính sách của Mỹ.

 Ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN

Ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN

Kinh tế toàn cầu bất ổn

Báo cáo triển vọng kinh tế của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) công bố tháng 11/2018 cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt đỉnh điểm và đối mặt với sự suy giảm. OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3,7% đưa ra năm 2018 xuống còn 3,5% vào năm 2019 và 2020. Công ty nghiên cứu đầu tư Goldman Sachs cũng dự báo, kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức vừa phải, giảm từ 3,8% năm 2018 xuống 3,5% năm 2019.

Với từng quốc gia, OECD đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2,9% năm 2018, 2,7% năm 2019 và 2,1% năm 2020; Trung Quốc 6,6% năm 2018, 6,3% năm 2019 và 6% năm 2020; Nhật Bản 0,9% năm 2018, 1% năm 2019 và 0,7% vào năm 2020. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng 1,9% năm 2018, 1,8% năm 2019 và 1,6% năm 2020. Italy sẽ chỉ tăng 1% năm 2018, 0,9% năm 2019 và 2020. OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng đối với hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong đó, Đức còn 1,9% năm 2018 và 1,8% năm 2019. Pháp còn 1,6% năm 2018 và 1,8% năm 2019. Theo kết quả thăm dò ý kiến các chuyên gia kinh tế và phân tích dự báo, tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ chỉ còn 1,4%; lạm phát 5% vào cuối năm 2019, vượt quá mục tiêu 4% đặt ra.

Thị trường chứng khoán toàn cầu xuống dốc từ năm 2018 sẽ tiếp tục trong năm nay. Theo trang CNN Business, Chỉ số FTSE All-World Index, một thước đo của chứng khoán toàn cầu, giảm 12% năm 2018. Chỉ số chứng khoán ở hầu hết các thị trường chứng khoán suy giảm kể cả ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước châu Âu... Đồng thời có những dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm có thể tiếp diễn trong năm 2019. Chuyên gia kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics cảnh báo rằng triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 khó khăn hơn và sự suy giảm tăng trưởng có thể gây ra những ảnh hưởng quan trọng đối với các thị trường tài chính.

Tình trạng nợ công và thất nghiệp liên tục gia tăng tại một số nước, tăng trưởng tiền lương thấp. Báo cáo do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố vào giữa năm 2018 cho thấy, tổng nợ toàn cầu lên tới 247.000 tỷ USD. Theo Citigroup, khối nợ toàn cầu hiện cao gấp hơn 3 lần cách đây 20 năm, làm dấy lên lo ngại thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng nợ. Công ty này cảnh báo, hầu hết chính phủ các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế mới nổi sẽ gặp rủi ro về nợ công.

Những chuyển động chính trị lớn

Năm 2019 sẽ là một năm đầy thách thức với châu Âu khi nhiều nước ở EU và Nghị viện châu Âu (EP) bước vào mùa bầu cử, trong bối cảnh làn sóng dân túy và cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ. Bầu cử EP sẽ là cuộc đối đầu giữa các đảng chính thống và phong trào hoài nghi châu Âu. Nếu lực lượng dân túy giành chiến thắng, đó sẽ là một bước ngoặt với châu Âu. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang nhen nhóm ở Italy có thể sẽ bùng phát, đe dọa sự ổn định của khu vực. Thủ tướng Đức Merkel rút khỏi vũ đài chính trị sẽ khiến tiếng nói của Đức giảm dần ở châu Âu. Pháp có thể vẫn sẽ mắc kẹt trong các cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân túy, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của nước này trong việc theo đuổi các cải cách EU.

Anh rời EU sẽ làm mất 1,5 - 10,5% GDP của nước này trong 5 năm, tùy thuộc vào cách thức Brexit. Theo các chuyên gia, trường hợp tồi tệ nhất là một Brexit rối loạn, không có thỏa thuận, gây tổn thất kinh tế nặng nề cho cả hai bên và làm tổn hại hợp tác an ninh trước những mối đe dọa chung. Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có thể lan sang cả EU.

Trên chính trường Mỹ, năm 2019 vẫn sẽ là một năm khó đoán định và có nhiều thay đổi quan trọng không kém so với năm 2018. Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ phải đối mặt với một số thách thức chính trị trước mắt. Đó là sức ép từ phe cánh tả trong việc thúc đẩy tiến trình luận tội Tổng thống D. Trump. Tuy nhiên, nếu quá tập trung vào việc luận tội Tổng thống có thể làm Hạ viện xa rời cử tri và điều đó cho thấy Hạ viện quan tâm đến các vấn đề chính trị hơn là cải thiện cuộc sống của người dân.

Việc luận tội Tổng thống D. Trump có thể được tiến hành, theo đó, có ít nhất 85 mục tiêu liên quan, từ việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cho tới các phát hiện trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016… Tuy nhiên, việc Tổng thống D. Trump phải rời khỏi Nhà Trắng là điều khó có thể xảy ra, vì Đảng Cộng hòa vẫn dành sự ủng hộ mạnh mẽ trong Thượng viện và ông Robert Mueller sẽ khó tìm ra điều gì khiến đa số các thượng nghị sĩ trong đảng bỏ phiếu chống lại ông D. Trump.

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 cũng là tâm điểm trên chính trường Mỹ. Số thành viên Đảng Dân chủ có tiềm năng cho cuộc chạy đua ngày một tăng làm cho tính thống nhất vốn được đề cao trong đảng này bị chia rẽ. Đảng Dân chủ sẽ khó tìm ra một ứng viên duy nhất nào có khả năng chiến thắng cao vào cuối năm 2019. Đối với Đảng Cộng hòa, hiện dường như chưa có ai thích hợp hơn ông Trump để trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống.

Năm 2019 ở Đông Nam Á có những chuyển động chính trị lớn. Chính quyền Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tận dụng phần lớn lợi thế để tái khởi động “làm mới” các thể chế chính phủ quan trọng và triển khai kế hoạch đưa nền tài chính công quay trở về quỹ đạo hoạt động thông thường. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực có thể dẫn tới tranh cãi chính trị và ảnh hưởng tới công tác điều hành chính phủ.

Cuộc bầu cử ở Thái Lan tháng 02-2019 sẽ là cuộc ganh đua quyết liệt với hệ thống bầu cử mới cho phép thu hẹp khoảng cách giữa các đảng phái. Chính quyền quân sự đã gỡ bỏ lệnh cấm về hoạt động chính trị. Tuy nhiên, Hiến pháp mới được thông qua sau đảo chính lại tạo ra những rào cản khó khăn để các đảng chính trị lớn có thể chiếm lĩnh chính trường. Thay vào đó, các đảng nhỏ và tầm trung sẽ giành được “sân chơi”, nhiều khả năng hình thành nên một chính phủ liên minh.

Cuộc đua khốc liệt giữa Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và đối thủ cũ Prabowo Subianto trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Indonesia dự kiến diễn ra vào tháng 4-2019 sẽ thu hút sự chú ý của dư luận. Cử tri Indonesia sẽ đánh giá kỹ lưỡng những thành tích của ông Joko Widodo, nhất là trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế và tăng lương.

Bất định về an ninh quân sự

Bán đảo Triều Tiên tuy có tiến triển tích cực, nhưng sẽ còn nhiều gian nan, bởi quan điểm khác biệt của hai bên đối với tiến trình phi hạt nhân hóa. Mỹ muốn trước hết Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau đó mới dỡ bỏ lệnh trừng phạt, trong khi Bình Nhưỡng muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và sự bảo đảm an ninh từ phía Washington. Quan niệm về “phi hạt nhân hóa” của Mỹ và Triều Tiên còn có nhiều khác biệt. Theo các chuyên gia, thật khó có thể kỳ vọng Triều Tiên ngay lập tức loại bỏ vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ khi Washington chưa thay đổi thái độ tiếp cận, mặt khác, vũ khí hạt nhân không chỉ bảo đảm an ninh cho nước này, mà còn là niềm tự hào của họ. Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra vào đầu năm 2019. Thế giới sẽ có thêm hy vọng về những giải pháp thực chất hơn cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục chứng kiến những bất ổn phát sinh từ những cặp mâu thuẫn trực tiếp về lợi ích của các cường quốc tại đây. Mỹ tăng cường củng cố liên minh khu vực, siết chặt “gọng kìm” khiến Iran suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, buộc phải đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới có lợi cho Mỹ. Cuộc chiến tại Syria dù ở giai đoạn cuối, nhưng chưa thể kết thúc. Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ phải bảo vệ người Kurd-lực lượng vốn bị Ankara xem là khủng bố và tìm cách tiêu diệt. IS có thể trỗi dậy trở lại và một cuộc đối đầu lớn giữa các bộ lạc Ả Rập với các nhóm người Kurd ở Đông Syria. Giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza khó có tiến triển do vấn đề nội bộ của các bên. Cuộc chiến tại Yemen có thể giảm về quy mô nhưng sẽ còn kéo dài. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa khối Arab, do Saudi Arabia đứng đầu và Qatar cũng khó có thể được giải quyết trong năm 2019.

Sự đối đầu giữa Mỹ và Nga vẫn sẽ tiếp diễn khi hai nước ngày càng có nhiều bất đồng. Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố rút khỏi INF và đưa ra bản tối hậu thư cho Nga thời hạn 60 ngày để tuân thủ. Tổng thống Nga V. Putin cảnh báo Mỹ rút khỏi INF sẽ dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Cùng với đó, những lệnh trừng phạt mà Mỹ liên tục áp đặt lên Nga có khả năng vẫn tiếp diễn trong năm sau. Theo dự đoán của Bloomberg Economics, khả năng xấu nhất là Washington và Moscow sẽ rơi vào trạng thái thù địch công khai, ảnh hưởng đến tình hình chính trị của toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc mặc dù đạt được thỏa thuận “đình chiến” trong chiến tranh thương mại, ngừng áp thêm thuế trong 90 ngày, các cuộc đàm phán giữa hai bên được lên kế hoạch vào tháng 01-2019, nhưng giữa hai bên vẫn còn có những khác biệt cơ bản về cơ cấu trong lĩnh vực thương mại, sự cạnh tranh về mặt chiến lược và vai trò ảnh hưởng. Căng thẳng mới không ngừng nổi lên như vụ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ. Washington buộc tội hai tin tặc có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc xâm nhập hệ thống kinh doanh và chính phủ ở nhiều quốc gia để đánh cắp các bí mật có giá trị.

Quan hệ Mỹ với các đồng minh Trung Đông, nhất là với Saudi Arabia trong trạng thái bấp bênh, bởi quyết định chấm dứt hỗ trợ quân sự cho liên minh do Riyadh cầm đầu, hiện đang tham chiến tại Yemen và nghị quyết cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Saudi Arabia gọi hành động này là “can thiệp vào nội bộ quốc gia” và tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng hằng năm xuống còn 51 tỷ USD. Trắc trở trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia có thể tạo điều kiện cho Moscow và Riyadh xích lại gần hơn trong hợp tác giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu và tìm kiếm hợp đồng vũ khí mới.

Ngoài ra, khu vực Biển Đông, eo biển Kerch, cuộc bầu cử tại Nigeria vẫn có thể tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát thành các điểm nóng, phản ánh tính bất thường của an ninh quân sự.

Thách thức từ an ninh phi truyền thống

Nguy cơ đối với an ninh môi trường ngày càng đậm nét. Báo cáo The Lancet Countdown về sức khỏe và biến đổi khí hậu của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng và sóng nhiệt đang có tác động lớn nhất. Thay đổi lớn trong cấu trúc của hầu hết hệ sinh thái sẽ không diễn ra với điều kiện giảm phát thải carbon và giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở khoảng 1 độ C. Còn trong mọi trường hợp khác, sự biến đổi của hệ sinh thái là hậu quả tất yếu. Theo báo cáo về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc công bố đầu tháng 8-2018, mức tăng nhiệt toàn cầu gần như chắc chắn sẽ vượt quá 1,5 độ C vào những năm 2040.

Thế giới năm 2019 vẫn phải đối mặt với nguy cơ khủng bố. Ngay đầu năm mới, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại thành phố Manchester (Anh), trong khi thủ phạm không ngừng la hét những khẩu hiệu Hồi giáo; một người đàn ông cố tình đâm chiếc xe Mercedes vào đám đông ở miền Tây nước Đức; một vụ tấn công bằng xe hơi diễn ra tại Takeshita, Shibuya, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) làm 8 người bị thương. Giới chuyên gia cảnh báo, khủng bố có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, dưới bất kỳ hình thức nào.

Mất an toàn thông tin mạng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay. Theo kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện, năm 2018, trên phạm vi toàn cầu, tội phạm mạng gây thiệt hại lên tới khoảng 600 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP toàn cầu. Trong đó, khu vực Đông Á thiệt hại ước tính từ 120 - 200 tỷ USD, tương đương 0,53 - 0,89% GDP khu vực; Việt Nam thiệt hại 642 triệu USD tương đương 0,26% GDP.

Báo cáo dự đoán tình hình hiểm họa năm 2019 của Công ty Trend Micro cũng cảnh báo, hacker có thể sẽ lợi dụng các công nghệ mới nổi như AI để tấn công vào các hệ thống dữ liệu cũng như thông tin của người dùng. Chuyên gia Trend Micro cho rằng, tội phạm mạng biến hóa phức tạp và nguy hiểm hơn. Theo đó, các hình thức lừa đảo tin nhắn thay thế email, tấn công thông qua chatbots (chát tự động), qua tài khoản của những người nổi tiếng, tiếp cận người dùng qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến (Sextortion) sẽ bùng nổ.

Như vậy, năm 2019 được dự đoán tiếp tục là một năm ghi dấu ấn chính sách “Nước Mỹ trên hết”, cùng với sự điều chỉnh chiến lược của các cường quốc thế giới, khu vực và sự cọ xát quyết liệt giữa các đại chiến lược, nhằm chiếm ưu thế trong trật tự thế giới mới đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình. Vì thế, an ninh toàn cầu sẽ diễn biến hết sức phức tạp, khiến độ dung sai của công tác dự báo là khó tránh khỏi.

Theo Nguyễn Nhâm/Tạp chí Cộng sản

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/an-ninh-toan-cau-nam-2019-tu-goc-nhin-du-bao-22101.html