Ân oán giang hồ người lớn làm đớn đau con trẻ

– 2 băng nhóm giang hồ địa phương tham gia tranh giành “số má”, hậu quả làm 2 người tử vong.

Sông Mây không êm đềm Ngày 16/4 TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử vụ án tranh giành lãnh địa giang hồ, làm 2 người tử vong xảy ra tại ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai vào giữa năm 2008. Nhiều người dân của vùng quê đang trên đà công nghiệp hóa này đến dự phiên tòa, vẫn còn kể lại câu chuyện trong nỗi kinh hoàng về những màn thanh toán “sặc mùi” xã hôi đen, làm cho Sông Mây không còn êm đềm như vẻ vốn có của nó. Trước tòa, 6 bị cáo thuộc 2 băng nhóm giang hồ có “số má” tại địa phương, đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội khi tham gia vào cuộc thanh trừng "lấy số", hậu quả làm 2 người tử vong. Một không khí căng thẳng, tang thương bao trùm phiên tòa. Theo kết luận điều tra và lời kể kinh hoàng của nhiều nhân chứng, khoảng 13 giờ 15 phút ngày 20/7/2008 người dân tại địa bàn tổ 5, ấp Sông Mây đang ngủ trưa bổng thất thần bởi không khí náo loạn, những tiếng kêu la, tiếng ồn ào của một cuộc thanh toán như thường lệ xảy ra nơi đây. Lúc này, 2 băng nhóm thanh niên của ấp Sông Mây đã dùng các vũ khí tự tạo như: dao, mã tấu, ống tuýp sắt… để “xáp lá cà” với nhau. Sau cuộc chiến nói trên, hàng chục thanh niên đã tháo chạy, còn hiện trường là một thanh niên nằm chết tại chỗ, là Nguyễn Trung Lâm (SN 1976) và một thanh niên khác, là Huỳnh Thanh Phong, (tự Phong “phóng”, SN 1977, em vợ của Lâm, lúc đó là phó Giám đốc công ty TNHH – SX – XNK Sông Xanh Biếc, 13 B Sông Mây) nằm quằn quại trong vũng máu cách đó không xa. Dù được nhiều người dân địa phương đưa cấp cứu nhưng sau đó Phong cũng tử vong. Qua truy xét, chỉ 2 ngày sau cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 giang hồ “máu mặt” tại địa phương là Nguyễn Văn Duy (tự Duy điên, SN 1984), và Nguyễn Văn Dũng (SN 1981, anh ruột Duy) để làm rõ hành vi “giết người”. Sau đó, cơ quan công an cũng đã khởi tố đối với 4 đối tượng có liên quan gồm: Nguyễn Văn Công (em ruột Duy, Dũng), Trần Văn Khương (SN 1977), Nguyễn Duy Hải (tự Hải “bò”) và Nguyễn Văn Thiên (SN 1991) về hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Điều tra cũng xác định, băng nhóm của anh em Duy “điên” do một đối tượng tự Khiêm “khùng” cầm đầu, với hàng chục tên giang hồ máu mặt, đã từng gây ra nhiều vụ ẩu đả, chém người tại địa phương. Tuy nhiên “cái gai” trong mắt của băng nhóm này vẫn là gia đình Phong “phóng” – một gia đình vừa mạnh về thế, vừa mạnh về tiền và cũng đông đảo không kém tại địa phương. Nhiều cuộc ẩu đả giữa hai băng nhóm này đã từng xảy ra, gây kinh hoàng cho người dân ấp Sông Mây. Đỉnh điểm và vào trưa 20/7/2008, Nguyễn Văn Dũng tình cờ gặp và đã đuổi đánh Khương để “rửa hận” vì lúc trước bị Khương đánh. Khương chạy thoát, nên gọi điện cầu cứu Phong “phóng” sau đó Phong huy động Nguyễn Trung Lâm cùng hàng chục thanh niên khác kéo đến nhà Dũng trên chiếc xe ben để tìm. Anh em của Dũng, Duy, Công cùng một số thanh niên khác tham gia chống trả và gây ra vụ việc như nói trên. Trong đó Duy “điên” chính là người cầm dao đâm chết Phong và Lâm. Náo loạn phiên tòa Tại phiên tòa ngày 16/4 đã xảy ra tình trạng xô xát, ẩu đả nghiêm trọng. Trong đó, người thân của 2 nạn nhân Phong, Lâm đã nhiều lần xông vào đánh các bị cáo gây náo loạn ngay trong phiên xét xử. Ngoài ra, những người thân này còn bức xúc có những lời lẽ xúc phạm tới HĐXX thuộc TAND tỉnh Đồng Nai và đại diện cơ quan công tố vì cho rằng phiên xét xử không khách quan, khi cơ quan công an chưa dựng lại hiện trường, có những người không đáng bị truy tố như: Khương, Hải vì họ tham gia ẩu đả là để bảo vệ cho Phong, Lâm… Do đó trong quá trình xét xử, đại diện Viện KSND và HĐXX đã nhiều lần dừng phiên tòa, nhằm nhắc nhở những người đến dự không được quá khích. Trước sự bức xúc, không kiềm chế được hành vi của người thân nạn nhân, nên lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã được bố trí đến hơn 50 cán bộ chiến sĩ nhằm bảo vệ cho phiên tòa. Trước vành móng ngựa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội khi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc giải quyết mâu thuẫn đẫm máu như nói trên. Tuy nhiên các bị cáo còn thành khẩn trình bày về bản thân không có tiền án, tiền sự, quá trình điều tra đã khai báo, hợp tác với cơ quan công an… để mong HĐXX xem xét khi luận tội, tuyên án. Điều đáng quan tâm là những đứa trẻ đầu đội vành khăn tang có mặt tại phiên tòa, với tư cách là gia đình người bị hại. Đó là con của các nạn nhân Phong và Lâm, dường như chúng chưa hiểu rõ nổi đau mất cha. Và như chúng cũng chưa hiểu rõ vì sao cha chúng lại tham gia vào những cuộc thanh trừng đẫm máu như thế? Lãnh địa giang hồ là gì? và cũng như không hề biết về tội ác đang được định tội trong phiên tòa hôm nay? Cứ mỗi lần đại diện Viện công tố hay HĐXX luận tội các bị cáo trước tòa thì ngay lập tức từ bên dưới bắt đầu những cảnh nhao nhao. Lực lượng cảnh sát bảo vệ đã phải vào cuộc. Thậm chí trong những giờ giải lao, phía bên gia đình bị hại và những người thân bị cáo lại tiếp tục những màn “đấu võ mồn”, định lao vào ăn thua với nhau, lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ phải tiếp tục… ra tay. Kết thúc phiên tòa, nhiều người dân cũng như gia đình nạn nhân đã bức xúc ngay khuôn viên tòa án, khi cho rằng mức án dánh cho các bị cáo tham gia vụ giết người dã man nói trên là quá nhẹ! Nhưng cũng không ít người, khi vừa kết thúc phiên tòa đã buông tiếng “đã là giang hồ, máu đổ và ân oán cũng chỉ là chuyện thường tình mà thôi”. Trịnh Sơn – Đàm Đệ

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/201004/An-oan-giang-ho-nguoi-lon-lam-don-dau-con-tre-904997/