Án oan giết người gần 40 năm ở Vĩnh Phúc: Hai gia đình đòi bồi thường gần 38 tỷ

Gia đình ông Trần Ngọc Chinh và gia đình ông Trần Trung Thám đã có đơn yêu cầu bồi thường số tiền gần 38 tỷ đồng...

Liên quan đến vụ án oan giết người 40 năm ở Vĩnh Phúc (1 người đã mất trong thời gian bị giam) mang án oan giết người, sau 37 năm mới được xin lỗi công khai, đã có 2/3 gia đình đòi bồi thường số tiền gần 38 tỷ đồng.

Mới đây, trao đổi PV báo Pháp luật Việt Nam anh Trần Văn Mạnh (là con trai của ông Trần Trung Thám) cho biết, gia đình anh và gia đình ông Trần Ngọc Trinh (SN 1941, trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị truy tố oan tội “Giết người”, sau 37 năm mới được minh oan, gửi đến VKSND tỉnh Vĩnh Phúc.

Vụ án oan giết người gần 40 năm: Hai gia đình đòi bồi thường gần 38 tỷ

Vụ án oan giết người gần 40 năm: Hai gia đình đòi bồi thường gần 38 tỷ

Cụ thể, trong đơn, anh Mạnh cho biết, ông Chinh kể lại những tháng ngày cùng cực, khổ đau, những ngày trong ngục tù oan sai.

Theo ông Chinh, do có sự phê chuẩn của VKSND tỉnh Vĩnh Phú, nay là VKSND tỉnh Vĩnh Phúc thì cơ quan điều tra mới tiến hành khởi tố ông về tội “Giết người” một cách oan ức và sai lầm.

“Suốt hàng chục năm vừa qua, tôi đã đi cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng với mong muốn được giải quyết thỏa đáng việc bị bắt oan, giam giữ 34 tháng, bị ép cung, dùng nhục hình buộc thừa nhận hành vi mà mình không làm, để “đòi lại công bằng” nhưng đến tháng 10/2019 mới được minh oan” - ông Chinh cho hay.

Chính vì vậy, ông Chinh yêu cầu VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường tổng số tiền gần 12 tỷ 870 triệu đồng, gồm tiền thu nhập bị mất; thiệt hại tinh thần, sức khỏe bị xâm hại…

Kể lại nỗi oan khuất mà người chồng quá cố phải gánh chịu, theo bà Trần Thị Thắm (SN 1943, vợ ông Trần Trung Thám), sau 82 ngày bị bắt, gia đình bà nhận được hung tin ông Thám bị chết trong trại giam.

Một thời gian sau, gia đình bà mới được báo tin rằng, ông Thám đã chết tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, nguyên nhân do bị kiết lỵ.

“Bao nhiêu năm nay, một mình tôi nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Tôi vẫn luôn đau đáu về cái chết không rõ nguyên nhân của chồng nhưng mấy chục năm nay, không có một ai đứng ra trả lời cho tôi về sự oan khuất, những đau đớn mà chồng tôi phải gánh chịu vì bị bắt nhầm” - bà Thắm trải lòng.

Trước những tổn thất “to lớn về tinh thần”, về nỗi oan khuất mà ông Thám phải gánh chịu, gia đình bà Thắm yêu cầu được bồi thường tổng số tiền là 25 tỷ đồng.

Ngày 18/6 vừa qua, tại trụ sở UBND TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), gia đình ông Thám, ông Chinh đã có buổi làm việc với đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc và các bên có liên quan.

Dự kiến, chậm nhất là ngày 26/6 tới đây, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có thông báo gửi gia đình 2 cụ ông này về việc "thụ lý hay không thụ lý" đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại vì mang oan sai 37 năm.

Trước đó, sau loạt bài dài kỳ của báo Pháp luật Việt Nam về vụ việc trên, sáng 9/10, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh, lãnh đạo chính quyền xã Đồng Thịnh đã tổ chức cải chính, xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho 3 ông Trần Ngọc Trinh (Sn 1941), Trần Trung Thám (SN 1943) cùng ở xã Đồng Thịnh và ông Khổng Văn Đệ (SN 1942) ở xã, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

GẦN 40 NĂM ĐI TÌM CÔNG LÝ, ĐỔI LẠI CHỈ LÀ CON SỐ 0!

Vào tháng 10/1983 (âm lịch), ông Trinh cùng với ông Khổng Văn Đê được thả tự do sau bao năm ngục tối. Không may mắn như hai ông là em trai ông Trinh đã chết trong trại giam mà không biết nguyên nhân thực sự là vì sao, chỉ được giám thị buồn giam thông báo là chết ở trong bệnh viện.

Được thả về, cùng với quyết định đình cứu vụ án là tấm “thân tàn”. Những ngày sau đó, ông đau ốm liên hồi vì phải hứng chịu những trận nhục hình, thừa sống thiếu chết trong lúc tạm giam.

Suốt 40 năm miệt mài đi tìm công lý.

Ông Trinh nói biết, sau khi được thả tự do về quê, trong gần ấy năm, không kể biết bao nhiêu lần làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng ở tỉnh Vĩnh Phúc, ở Trung ương, nhưng suốt gần 40 năm qua vẫn không một ai đứng ra trả lời cho tôi về những oan khuất tôi phải chịu? Sự việc chỉ dừng lại ở con số 0 tròn trĩnh.

Ông cho biết, nhiều lúc thấy bất lực, sức khỏe ngày càng giảm sút nên muốn buông xuôi, vì mỗi lần làm đơn gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, thì chỉ nhận lại được câu trả lời: “Chúng tôi đã tiếp nhận được thông tin”.

Và điệp khúc ấy, cứ lập lại qua ngày nọ tháng kia mà không một ai đứng ra giải quyết, nhiều lúc bản thân và gia đình chán nản, nhụt chí, cũng chẳng muốn nhắc lại sự việc, càng nghĩ lại càng thấy đau long” ông Trinh nói.

Suốt bốn thập kỉ qua, đôi chân có thể mỏi, mắt có thể mờ, sức khỏe giảm sút...nhưng ý chí và niềm tin trong người ông Trinh thì không bao giờ lung lay trên hành trình đi tìm công lý cho mình.

Sự việc kéo dài qua nhiều thập kỉ, cũng là lúc các con, các cháu của các bị hại lớn lên.

Hiểu được nỗi oan khuất của, cha, chú mình nên họ cũng “đội đơn” khi khắp các nơi từ địa phương đến Trung ương, chỉ cần mọi người mách nơi nào có thể giải quyết được sự việc là họ lại gửi đơn kêu oan đến nơi đấy.

Trong suốt nhiều năm kêu oan, người mà ngày đêm miệt mài, cần mẫn không quản nắng mưa, đi cậy nhờ các cơ quan chức năng nhiều là anh Trần Văn Mạnh (SN 1975, là con trai của ông Trần Chung Thám).

Nhớ lại ngày tháng đó, anh Mạnh cho biết, khi lớn lên thấy được nỗi hàm oan chủa bố mình, cùng với bác Trinh tôi đã tìm đủ mọi cách để có thể tìm lại công lý cho gia đình.

Anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Trần Trung Thám).

Ngay từ thời tỉnh Vĩnh Phú (cũ) còn chưa tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, tôi đã lặn lội xuống bệnh viện nơi bố mất, vào trại giam, lên công an Vĩnh Phú để gửi đơn.

Nhưng tất cả đều im lặng. Rồi, khi tách ra hai tỉnh tôi cũng làm đơn gửi lên tỉnh Vĩnh Phúc nhưng họ lại trả lời hồ sơ còn nằm ở tỉnh Phú Thọ, rồi tôi lại gửi đơn lên tỉnh Phú Thọ, thì lại được câu trả lời là không phải thẩm quyền nên không giải quyết.

Cứ như thế, thời gian cứ trôi và sự việc vẫn chỉ là con số 0, trong sự im lặng đến “tuyệt vọng”.

Trong suốt gần 40 năm qua, các gia đình bị hại dù chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết, nhưng họ không từ bỏ hy vọng, vẫn cần mẫn cố gắng từng ngày để đi tìm công lý cho cha, chú mình.

Như lời ông Trinh bộc bạch: “Tôi chỉ mong có sức khỏe, rồi cùng bà ấy (vợ ông Trinh) chăm con gà con lợn để mưu sinh hằng ngày, rồi ông lại cười, cái nụ cười hiền khô của một người nông dân chân chất mà chan chứa bao cay đắng, tủi hờn…

“Nhưng tôi phải cố gắng, phải thật cố gắng làm sao đợi được ngày mình được minh oan cho ngần ấy năm ngồi tù, đau khổ, đau xót lắm, chỉ mong các cấp trên cao ngó xuống nhìn thấy sự thống khổ của người dân chân đất, mắt toét chúng tôi, để sớm tìm được công lý”.

Đấy là những câu nói cay đắng mà ông Trinh tâm sự cùng PV khi được hỏi về hành trình gian nan 40 năm qua, cùng với dự định của mình trong thời gian tới.

HY VỌNG THẮP LÊN CHO NHỮNG PHẬN NGƯỜI LEO LẮT

Khi đang trong cơn cùng cực của nỗi thất vọng, thì cũng là lúc “ánh sáng cuối đường hầm” thắp lên cho những phận người leo lắt, những con người “thấp cổ bé họng” ấy. Khi mà họ gặp được luật sự Nguyễn Văn Hưng – Đoàn luật sư Vĩnh Phúc.

Từ khi tiếp cận hồ sơ, rồi những tháng ngày sau đó cùng các bị hại đi thu thập tài liệu chứng cứ, gửi đơn kêu cứu đến các ban ngành địa phường rồi TW, luật sư Hưng đã hướng dẫn tận tình, cùng đồng hành cũng ông Trinh, anh Mạnh (con ông Thám) trên những cung đường đi tìm công lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc.

Và rồi cũng chính luật sư Hưng là người kết nối các bị hại với báo Pháp luật Việt Nam, để đăng tải những thông tin oan khuất của các bị hại mà bấy lâu nay giấu kín, chôn sâu.

Nói về hành trình gian nan đi tìm công lý, sẽ chẳng có từ ngữ nào miêu tả cho hết được những nỗi vất vả đấy. Nhưng chính sự cố gắng, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của luật sư Hưng và sự đồng hành của báo Pháp luật Việt Nam đã mang lại hiệu quả vô cùng tốt cho các bị hại.

Có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND cấp cao đối với vụ án oan trên.

Đầu tiến phải kể đến, ngày 8/6/2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 05/DĐBQH-VP chuyển đơn đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để xem xét giải quyết.

Ngay sau đó Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đã có văn bản số 1561/VKSTC –C1 ngày 25/8/2017, thông báo về việc chuyển đơn của bà Trần Thị Thắm (vợ ông Trần Chung Thám) đến Viện Kiểm sát để giải quyết vụ việc.

Sau khi có sự vào cuộc của báo Pháp luật Việt nam, thì ngày 12/4/2019, Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng gửi văn bản sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, Chủ tịch liên đoàn luật sư Việt Nam, LS Đỗ Ngọc Thịnh có văn bản cho rằng, sau khi nghiên cứu nội dụng đơn và hồ sơ tài liệu kèm theo của ông Trần Ngọc Trinh, Liên đoàn Luật sư Viêt Nam nhận thấy đây là vụ án oan sai.

Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc các ban ngành địa phương, Trung ương, lắng nghe ý kiến của lãnh đạo VKSND tối cao.

Ông Đỗ Xuân Tựu, cựu Phó vụ Trưởng vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) VKSND tối cao về vấn đề trên:

Sự việc ông Trần Ngọc Trinh và em trai ông cùng một người nữa bị nghi là kẻ giết người, sau khi xem xét những thông tin và những dữ liệu mà báo chí đăng tải, tôi đưa ra ý kiến như sau:

VKSND tỉnh Vĩnh Phúc phải phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục làm các việc khác nhau để vụ án được xem xét một cách toàn diện.

Việc thứ nhất: Quyết đình đình cứu đối với ông Trần ngọc Trinh cùng em trai ông là Trần Chung Thám và ông Khổng Văn Đệ là thể hiện ông Trinh ông Thám, ông Đệ là không có tội, bị oan.

Do đó, Cơ quan chức năng phải tiến hành công khai xin lỗi 3 ông này tại địa phương.

Sau đó, phải đăng thông tin tại buổi công khai xin lỗi trên cơ quan báo chí. Việc làm tiếp theo là tiến hành các thủ tục bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai nói trên theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định đình cứu.

Ông Vũ Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Vụ 16) VKSND tối cao cho biết: Sự việc 3 người bị kết án oan ở tỉnh Vĩnh Phú cách đây 40 năm, có thể nói đây là cái nỗi đau của tố tụng của Việt Nam. Thời điểm đấy, chưa có bộ luật hình sự, nên việc tiến hành truy tố xét xử căn cứ vào các sắc lệnh.

Việc ông Trần Ngọc Trinh, ông Trần Chung Thám và ông Khổng Văn Đệ đã có kết luận đình cứu, tức là các ông ấy đã bị oan, thì theo quan điểm của tôi bây giờ: Các cơ quan tiến hành tố tụng hiện giờ phải có cuộc họp để minh oan, đồng thời công khai xin lỗi những người nói trên.

Nói về việc có hay không có việc đền bù bồi thường, Vụ trưởng của VKSND tối cao cũng cho biết, thực sự chúng ta đều biết là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” việc các bị can gần 3 năm nằm trong trại tạm giam sau đó được minh oan bằng quyết định đình cứu thì đây cũng là nỗi đau khổ rất lớn đối với chính những người vướng vào vòng lao lý và những người trong gia đình họ.

Ngày 25/6, tại trụ sở VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, VKS tỉnh cũng đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Thắm (là chồng của ông Trần Chung Thám) để thụ lý giải quyết và làm rõ hơn về cái chết của ông Trần Chung Thám.

Ngày 24/7/2019, tại trụ sở của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, VKS tỉnh đã có buổi làm việc với Trần Ngọc Trinh (SN 1941, trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nay là tỉnh Vĩnh Phúc người gần 40 năm trước cùng với em trai mình là Trần Chung Thám (SN 1942), Khổng Văn Đệ được nghi là gây ra cái chết cho Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng năm 1979 (âm lịch).

Theo nội dung biên bản làm việc được biết, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đang thụ lý giải quyết đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Trần Ngọc Trinh bị công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) khởi tố bắt giam về tội “Giết người” vào năm 1980.

Đến năm 1982, VKSND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã có quyết định đình cứu với lý do không giết ông Chu Văn Quản.

Và rồi vào sáng ngày 3/10/2019, tại trụ sở của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, VKS tỉnh đã có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Trinh cùng với 2 gia đình ông Trần Chung Thám (SN 1942), Khổng Văn Đệ.

VKSND tỉnh Vĩnh Phúc thông báo đến các gia đình bị hại vào hồi 8h ngày 9/10/2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô tổ chức trực tiếp buổi công khai xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Trinh và ông Trần Trung Thám là những người bị oan sai trong tố tụng hình sự.

DẤU ẤN BÁO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Trước đó, vào đầu tháng 3/2019, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh, kêu oan của ông Trần Ngọc Trinh, anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Trần Trung Thám) trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nay là tỉnh Vĩnh Phúc về việc oan sai của gia đình gần 40 năm qua nhưng không được giải quyết.

Sự cố gắng, cùng với sự giúp đỡ của luật sư Hưng, và Đồng hành của báo Pháp luật Việt Nam mà ba phận người nói trên tìm được công lý.

Sau khi tham vấn ý kiến luật sư, nghiên cứu kỹ hồ sơ sự việc, nhận thấy đây là một vụ việc có dấu hiệu oan khuất trong khi nạn nhân là một người dân “thấp cổ, bé họng” với những lời kêu cứu tưởng như đã tuyệt vọng, Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội, TTK tòa soạn Pháp luật Plus Phạm Quốc Cường chỉ đạo làm sáng tỏ đến cùng sự việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Trực tiếp nhà báo Phạm Quốc Cường- Tổng Thư ký tòa soạn Pháp luật Plus, Nhà báo Hoàng Vượng, PV Duy Khương, Nguyễn Thượng nhận nhiệm vụ điều tra làm rõ vụ việc trong suốt gần hơn 5 tháng qua với nhiều kỳ báo.

Trong suốt quá trình thu thập, điều tra, xử lý thông tin vụ việc, PV báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ về mặt chuyên môn của luật sư Nguyễn Văn Hưng – Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Trần Ngọc Trinh và gia đình ông Trần Trung Thám.

Với nhiều kỳ báo của báo Pháp luật Việt Nam, cùng với đó là buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc, VKSND tối cao, đã chỉ rõ sự oan sai của 3 bị hại trong vụ án là ông Trần Trung Thám, Trần Ngọc Trinh và Khổng Văn Đệ.

Và ngày hôm nay 3/10, sau 40 năm chờ đợi, cùng nhiều tháng miệt mài theo đuổi đề tài của báo Pháp luật Việt Nam thì VKSND đã có biên bản làm việc, sẽ tổ chức công khai xin lỗi các bị hại vào 8h ngày 9/10/2019, tại UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/an-oan-giet-nguoi-gan-40-nam-o-vinh-phuc-hai-gia-dinh-doi-boi-thuong-gan-38-ty-d127729.html