Án oan giết người gần 40 năm ở Vĩnh Phúc - Kỳ 3: Trần gian là kiếp đọa đày!

Ra tù với quyết định đình cứu minh oan. Tuy nhiên, với sức khỏe giảm sút, cuộc sống gia đình của ông Trinh là những ngày cùng cực.

(VIDEO) 40 năm đi tìm công lý từ vụ oan sai giết người

Có những phận người cơ cực như thế?

Ra tù, quay lại cuộc sống sau gần 3 năm bị giam giữ, ông Trần Ngọc Trinh lao vào lao động để bù đắp lại những tháng ngày để vợ con phải khổ.

Tuy nhiên, với sức khỏe nay ốm mai đau, ông làm ra được đồng nào thì cũng đổ hết vào thuốc men để chữa bệnh.

Hai vợ chồng ông Trinh nói về những ngày cơ cực trước đó.

Các anh chị em khác trong gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên cũng không giúp đỡ được nhiều.

Bên cạnh việc nuôi dạy con cái, ông Trinh vẫn không quên thực hiện cuộc hành trình kiếm tìm công lý trong gần 40 năm qua.

Trong những tháng ngày cơ cực, người ông thầm cảm ơn chính là người vợ tần tảo, đã cùng ông vượt qua những ngày gian khổ nhất, cho đến tận bây giờ.

Từ một người phụ nữ xinh đẹp sinh ra ở làng lụa Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội) đã chấp nhận theo ông về làm dâu nay đã hơn 50 năm.

Tâm sự về khoảng thời gian ông Trinh bị bắt và giam giữ, bà Nguyễn Thị Quỳ (SN 1940, vợ ông Trinh) cho biết: “Khoảng thời gian đấy đối với gia đình tôi như là địa ngục, chồng thì đi tù, một nách 5 đứa con, tôi phải vay mượn khắp nơi vừa để nuôi con, rồi còn tiếp tế cho ông ấy”.

Nhớ lại ngày tháng đó, bà Quỳ như nghẹn trong lòng: “Lúc ấy, gia đình nhà bị hại cứ nghĩ chồng tôi là hung thủ giết người nên đánh tôi sưng hết người, tôi đi xát gạo còn lấy đất đá bốc bỏ vào gạo, tôi chỉ biết chịu đựng vì không biết làm sao được, vì bản thân chồng lúc đó mang hàm oan giết người”.

Bà Nguyễn Thị Quỳ (SN 1940, vợ ông Trinh).

“Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ chồng tôi không phải là kẻ giết người”, bà Quỳ chia sẻ.

Rồi bà cho biết thêm: Khi chồng được tha về, vừa mừng vừa tủi, vì chồng đươc minh oan, nhưng cứ nghĩ đến khoảng thời gian tủi nhục đấy tôi lại cứ bật khóc.

Sau khi ông ấy về, mắt ông ấy không còn tinh nhanh như trước, mờ đi, nên chẳng làm được gì, tất cả gánh nặng gia đình hầu như tôi phải là người đứng ra quán xuyến hết.

“Giờ tuổi vợ chồng tôi cũng già, gần 80 hết rồi, chẳng sống được bao nhiêu nữa, tôi chỉ mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lại công bằng cho chồng, cho em chồng tôi, vì chúng tôi khổ quá rồi”, bà Quỳ nói.

Ngồi bên cạnh, khi thấy chị dâu mình nói như vậy, bà Trần Thị Thắm (SN 1943, vợ ông Trần Trung Thám, em trai của ông Trinh) nước mắt cứ lã chã rơi.

Không may mắn như bà Quỳ, chồng bà Thắm là ông Thám đã mất khi bị tạm giam được 3 tháng.

Một mình nuôi con khôn lớn, bà hứng đủ với cay đắng của cuộc đời.

Bà Trần Thị Thắm (SN 1943, vợ ông Trần Chung Thám, em trai của ông Trinh).

Bà Thắm nghẹn ngào nói: “Khi chồng tôi bị bắt, tôi vô cùng bất ngờ, vì lúc ý xã đội trưởng đọc lệnh đi tái ngũ, vừa lên đến huyện đội thì bị công an bắt luôn, cả gia đình, dòng tộc còn không biết vì sao mà chồng tôi bị bắt”.

“Sau đó khoảng gần 3 tháng sau, tôi nhận được hung tin khi công an báo rằng chồng tôi mất trong bệnh viện, nhưng lúc đấy họ đã chôn rồi, chỉ mồ mả cho chúng tôi, tôi vô cùng đau đớn khi biết sự việc đấy, tôi đã viết đơn nhiều nơi, kêu cứu nhưng không ai nói lí do vì sao chồng tôi mất”, bà Thắm tâm sự.

Khi chồng mất, một mình nuôi 3 đứa con, một thân một mình tôi vô cùng khổ cực, nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực, đôi lần nghĩ đến cái chết nhưng vì thương 3 đứa con nên phải cố gắng sống để nuôi chúng nó trưởng thành”, bà Thắm chia sẻ.

Khi nói về những dự định tiếp theo, bà Thắm cho hay: “Giờ tôi tuổi đã cao, cũng chẳng làm được gì, chỉ mong muốn cơ quan chính quyền làm sao minh oan, giải oan cho cái chết của chồng tôi, tìm lại công bằng, đền bù thỏa đáng cho những người đã bị oan sai, để dưới suối vàng ông ấy được an lòng, mà tôi khi rời xa về với ông ấy cũng được yên lòng”.

Bố mất, người thân sống trong sự ghẻ lạnh

Mang cái mác là “kẻ sát nhân” của bố khiến gia đình, người thân chốn quê nhà sống trong sự ghẻ lạnh của xóm làng.

Sau khi ông Trinh và em trai ông bị bắt vì tội danh “giết người” khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn, 2 người phụ nữ một mình tần tảo nuôi 8 con thơ dại, nhiều lúc cuộc sống trở nên bế tắc, cùng đường.

Chia sẻ với PV báo Pháp Luật Việt Nam, anh Trần Văn Mạnh (SN 1975, là con trai của ông Trần Trung Thám) cho biết: Lúc đấy tôi còn quá nhỏ để biết được sự việc gì đang diễn ra, chỉ khi lớn lên được mẹ kể về những oan ức của bố mình, tôi cảm thấy đau xót, và tự hỏi sao cơ quan chính quyền lại làm khổ gia đình tôi đến thế, đến giờ này cũng chưa biết vì sao bố tôi mất.

Anh Trần Văn Mạnh (SN 1975, là con trai của ông Trần Trung Thám).

“Ước nguyện duy nhất của tôi bây giờ chỉ mong bố được minh oan, được tìm lại sự công bằng, bồi thường danh dự cho gia đình, như thế tôi mới làm tròn nghĩa vụ của người con”, anh Mạnh nói.

Ngồi bên cạnh anh Mạnh, chị Trần Thị Luyến (SN 1964, là con gái lớn của ông Trinh) cho biết: “Thời điểm bố bị bắt, trong số 5 chị em chỉ có tôi đủ lớn để có thể thấu hiểu một phần nào đó nỗi đau của mẹ và người thân trong gia đình.

Vì lúc bấy giờ tôi là chị cả, hầu như thay mẹ lo toan cho các em là phần lớn, vì mẹ còn chạy vạy việc của bố, ăn uống khổ sở tinh thần còn khủng khiếp gấp trăm lần.

Bà Trần Thị Luyến (SN 1964, là con gái lớn của ông Trinh).

Tuổi thơ vốn là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của một đời người, nhưng đối với chị em chúng tôi đó lại là nỗi ám ảnh.

Đẹp đẽ, đáng nhớ sao nổi, khi mỗi lần ra đường đều bị mọi người dè bỉu, chỉ trỏ nói rằng là con của “kẻ sát nhân”.

Đám trẻ cùng trang lứa thì xem chị em chúng tôi như sinh vật lạ, thỏa sức trêu chọc, xa lánh không cho chơi cùng.

Mỗi lần bị như vậy, lũ em thơ dại của tôi lại về mách mẹ. Thấy con kể, mẹ chỉ biết ôm chúng vào lòng rồi cố giấu đi giọt nước mắt đắng cay.

Dù khó khăn là thế, nhưng tôi vẫn cùng với mẹ cố gắng vượt lên nghịch cảnh sống, cùng mẹ chăm sóc cho các em.

Trong thời gian mẹ đi chợ, toàn bộ việc nhà cửa, trông nom các em đều được giao cho người con gái cả".

“Trong tâm can của người con, tôi luôn tin tưởng bố tôi không phải là hung thủ giết người, nên tôi vẫn thường xuyên viết đơn kêu oan, kêu cứu mong đòi lại sự công bằng cho bố mình”, chị Luyến cho biết.

Chị Luyến cũng đề nghị: “Giờ bố cũng tuổi cao, không biết sống được bao lâu, tôi chỉ muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền bồi thường danh dự cho bố tôi, cho chú tôi, cho gia đình tôi để người sống và người đã khuất được cảm thấy an lòng, lúc đấy phận làm con chúng tôi mới không phải là những đứa con bất hiếu”.

(còn nữa)

(còn nữa)

Q. Minh- D. Khương - N. Minh- N. Thượng

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/an-oan-giet-nguoi-gan-40-nam-o-vinh-phuc--ky-3-tran-gian-la-kiep-doa-day-d99309.html