Ðàn ông 'mãn kinh' nên ăn gì?

Để làm chậm quá trình 'mãn kinh' ở nam giới, các biện pháp của y học phương Đông rất phong phú như dùng thuốc, châm cứu bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh…,

Để làm chậm quá trình “mãn kinh” ở nam giới, các biện pháp của y học phương Đông rất phong phú như dùng thuốc, châm cứu bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh…, trong đó có một phương thức khá đơn giản và độc đáo là lựa chọn và sử dụng các thực phẩm thông dụng hàng ngày một cách hợp lý dựa trên quan điểm “biện chứng luận trị” của y học cổ truyền cho từng thể bệnh khác nhau.

Ở vào độ tuổi 50 - 65, dù muốn hay không, người đàn ông nào cũng phải đối mặt với những “cơn khủng hoảng” tâm sinh lý ở các mức độ khác nhau. Giai đoạn “xuống sắc” này được nhiều người định danh bằng một cụm từ khá thú vị là “Hội chứng mãn kinh đàn ông”. Trong y học cổ truyền, trạng thái này đã được các y thư cổ đề cập đến từ rất sớm với cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do Thiên quý, Tinh khí và Thận khí suy giảm.

Thể Can thận âm hư: được biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, hay hoa mắt chóng mặt, tính tình dễ cáu giận, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, trí nhớ giảm sút, lòng bàn tay bàn chân nóng, bức bối trong ngực, hay có cảm giác sốt nhẹ về chiều, môi khô miệng khát, dương vật dễ cương nhưng nhanh xỉu, tinh dịch bài tiết chậm và ít, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi đỏ và ít rêu. Nên trọng dùng các thực phẩm sau:

Chè vừng đen tốt cho người thể can thận âm hư.

Vừng đen: vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ can thận, nhuận ngũ tạng, làm khỏe gân cốt, đen râu tóc và chống lão hóa. Dân gian thường dùng vừng đen phối hợp với hồ đào nhục và tang thầm lượng bằng nhau, tán nhuyễn rồi chưng với mật ong thành dạng cao lỏng, uống khi bụng đói, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh hoặc vừng đen (xát bỏ vỏ, đồ chín) 1 phần, phối hợp với lá dâu non (hái lúc mặt trời chưa mọc) 2 phần, hai thứ sấy khô tán mịn, luyện với mật ong thành dạng viên to bằng hạt ngô đồng, uống mỗi ngày 100 viên với nước ấm vào lúc đói.

Hoài sơn (củ mài): vị ngọt, tính bình, có công dụng tư thận bổ phế, kiện tỳ ích tinh. Sách Bản thảo chính viết: “Sơn dược năng kiện tỳ bổ hư, tư tinh cố thận, trị chư hư bách tổn, trị ngũ lao thất thương” (củ mài có khả năng bổ tỳ thận và ích tinh, trị được mọi chưng hư tổn).

Ô tặc ngư (cá mực): vị mặn, tính bình, có công dụng tư âm dưỡng huyết. Sách Biệt lục cho rằng cá mực có tác dụng “ích khí cường trí”. Sách Y lâm cải thác cũng đã viết: “Ô tặc ngư bổ tâm thông mạch, hòa huyết thanh thận, khứ nhiệt bảo tinh”. Bởi vậy, với đàn ông “mãn kinh” thuộc thể Can thận âm hư, cá mực là thức ăn rất có lợi.

Trai hến: vị ngọt mặn, tính lạnh, có công dụng tư âm thanh nhiệt, dưỡng can minh mục. Theo dinh dưỡng học hiện đại, trong trai hến có chứa nhiều kẽm nên rất có lợi cho việc phòng chống u phì đại tiền liệt tuyến lành tính, căn bệnh rất hay gặp ở đàn ông trung lão niên.

Tang thầm (quả dâu chín): vị ngọt, tính lạnh, có công dụng bổ can ích thận, tư âm minh mục. Dân gian thường dùng tang thầm dưới dạng ngâm đường để pha nước giải khát, ngâm rượu hoặc chế thành mứt dâu.

Ngoài ra, các thực phẩm có công dụng bổ can thận âm khác như bồ dục lợn, thịt vịt, ba ba, cá quả, hàu, ếch, hải sâm, hà thủ ô, kỷ tử, ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng), tổ yến... đều rất thích hợp với thể bệnh này.

Thể Tỳ thận dương hư: được biểu hiện bằng các triệu chứng như người béo trệ, dễ mệt, sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, hay đi tiểu đêm, suy giảm ham muốn tình dục, tinh dịch lạnh loãng, miệng nhạt, lưỡi nhợt ướt… Nên trọng dùng các thực phẩm sau:

Thịt dê: vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích thận khí, ôn thận dương, bổ trung khí và làm ấm tỳ vị. Các y thực gia cổ cũng đều ca ngợi công dụng của thịt dê trong việc bồi bổ thận khí, làm mạnh dương đạo, chữa trị các chứng bệnh hư hàn. Bởi vậy, thịt dê là một trong những thực phẩm rất hữu ích cho đàn ông “mãn kinh” thuộc thể Tỳ thận dương hư.

Thịt dê tốt cho người thể tỳ thận dương hư.

Thịt chó: vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ trung ích khí, ôn thận trợ dương. Y thực gia trứ danh đời Đường (Trung Quốc) cho rằng thịt chó có khả năng “bổ huyết mạch, hậu tràng vị, thực hạ tiêu, điền tinh tủy” (bồi bổ huyết mạch, làm khỏe dạ dày ruột, làm mạnh 1/3 dưới cơ thể, làm tăng tinh tủy). Đối với đàn ông trung lão niên dương sự yếu đuối, hay đi tiểu đêm, đại tiện thường xuyên lỏng loãng, sợ lạnh thích ấm…, thịt chó là thực phẩm rất phù hợp.

Đông trùng hạ thảo: vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư tổn, ích tinh khí, có lợi cho ngũ tạng và chống lão hóa. Sách Dược tính khảo viết: “Đông trùng hạ thảo bí tinh ích khí, chuyên bổ mệnh môn”. Mệnh môn, theo y học cổ truyền, là cái gốc của dương khí, là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự sống, cho nên bổ được mệnh môn thì sẽ giúp cho tỳ dương và thận dương được phục hồi, nhờ đó mà cơ thể trở nên cường tráng.

Nhân sâm: vị ngọt hơi đắng, tính ấm, có công dụng đại bổ nguyên khí, cường tráng thể chất. Đây là một trong những vị thuốc quý giá của y học cổ truyền mà tác dụng bồi bổ đã được dược lý học hiện đại nghiên cứu và khẳng định. Dân gian thường dùng dưới dạng chế thành các món ăn - bài thuốc (dược thiện), trà dược hoặc tửu dược.

Ngoài ra, ở thể bệnh này cũng nên trọng dụng một số thực phẩm có công dụng ôn bổ tỳ thận như thịt bò, gan bò, xương bò, xương dê, gan dê, ngẩu pín, thịt thỏ, thịt chim sẻ, thịt chim cút, trứng gà, trứng chim cút, sữa dê, cá ngựa, hải sâm, hạt dẻ, nhục quế, nhục dung, đỗ trọng, tỏa dương, ba kích, dâm dương hoắc, nhau thai…

Thể Tâm khí hư: được biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi, mất ngủ triền miên, hay mê mộng, dễ kinh sợ, suy giảm ham muốn tình dục, thậm chí sợ hãi, liệt dương, di mộng tinh, xuất tinh sớm, trí nhớ giảm sút, tâm thần bất định, ăn ngủ kém, lưỡi hồng nhạt… Nên trọng dùng các thực phẩm sau:

Hạt sen: vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, kiện tỳ ích thận. Dân gian hay dùng dưới dạng hầm với xương thịt, nấu chè hoặc làm thành các loại bánh.

Long nhãn: vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm kiện tỳ, bổ khí dưỡng huyết, an thần định trí. Dân gian hay dùng dưới dạng làm mứt, nấu chè, ngâm rượu hoặc chế thành các loại nước giải khát.

Tim lợn: vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng bổ hư, dưỡng tâm, an thần. Dân gian hay dùng dưới dạng hầm cách thủy với thần sa, chế thành các món ăn hoặc các món dược thiện. Điều cần lưu ý là : những người có rối loạn lipid máu thì nên dùng ở mức độ vừa phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Ngoài ra, với thể bệnh này nên trọng dụng một số thực phẩm khác như tổ yến, đậu tương, gạo nếp, đại táo, mộc nhĩ trắng, bá tử nhân, toan táo nhân, nhân sâm, nấm linh chi, đẳng sâm, cam thảo, bách hợp, nhau thai…

ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/an-ong-man-kinh-nen-an-gi-n40058.html