Ăn phải trái của cây bị tiêm kháng sinh, người dùng có bị ảnh hưởng?

Kháng sinh tiêm vào cây sẽ diệt được một số vi khuẩn khi cây bị bệnh. Tuy nhiên, thuốc tồn trong trái, con người ăn vào thì lỡ có bệnh sẽ dùng thuốc liều cao vì lờn kháng sinh.

Trước thực tế nhà vườn áp dụng cách trị bệnh và bón phân cho cây ăn trái bằng cách khoan lỗ để bơm nông dược vào thân cây, ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cho biết đơn vị đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT tổ chức tọa đàm với sự tham dự của các khoa học và nhà vườn có kinh nghiệm.

Qua tọa đàm, ngành nông nghiệp địa phương làm văn bản gửi Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trình bày "sáng kiến" của nông dân để Trung ương có hướng dẫn một cách "danh chánh ngôn thuận".

Vườn cam ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đang cho trái và lỗ thủng cũ dưới gốc cho thấy cây này đã được tiêm nông dược từ hơn một tháng trước. Ảnh: Việt Tường

"Nếu được tiêm thì tiêm cái gì, nông dược trong danh mục, phân bón hay vi lượng gì đó và hướng dẫn nông dân cái nào là không được tiêm. Sở giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhưng chúng tôi chờ hoài không thấy buổi tọa đàm nào", ông Quan nói.

Kháng sinh tồn 80 ngày?

Khi chưa có tọa đàm về "công nghệ tiêm chích" để chữa bệnh cho cây ăn trái, lãnh đạo Phòng NN&PTNT Kế Sách đã tham khảo việc sử dụng kháng sinh ở các nước, trong đó có Mỹ thì thấy lượng tồn dư trong trái chỉ hơn 1 tháng, trong lá dưới 1 tháng.

Hiện, nông dân miền Tây thường sử dụng nông dược hoặc thuốc kháng sinh trước thời điểm cây cam ra bông. Trong khi đó, trái cam từ lúc ra bông đến thu hoạch kéo dài đến 8 tháng.

"Tham khảo thì biết vậy chứ tồn dư thuốc hay không thì không có dữ liệu chính thức. Tài liệu nước ngoài ghi tồn dư kháng sinh trong trái tối đa là 80 ngày. Thực tế, tôi thấy cây được tiêm thuốc thì kéo dài thời gian thu hoạch dài thêm khoảng 15 ngày so với cây không tiêm", lãnh đạo ngành nông nghiệp Kế Sách chia sẻ.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đầy, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cũng nói chưa nghiên cứu lượng tồn của thuốc tây khi nhà vườn tiêm tân dược vào thân cây. Tuy nhiên, ông Đầy khẳng định một số nhà khoa học ở Cần Thơ có kiểm tra tại vườn cam có tiêm thuốc tây, thấy có sự xuất hiện của dư lượng thuốc trong giai đoạn trái gần chín.

"Nếu chích thuốc tây thì không thải hết lượng tồn đâu. Các nhà khoa học kiểm tra lúc đó từ axit trong trái đang chuyển sang đường, ngọt rồi, nên trái chín chắc chắn vẫn còn lượng tồn dư. Trái cây của vườn có tiêm thuốc và không tiêm mình nhìn không nhận biết được", ông Đầy chia sẻ.

Để trị bệnh cho cam, quýt, ngoài việc phun xịt nông dược, nông dân miền Tây còn chọn cách tiêm vào thân cây. Ảnh: Việt Tường

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Sóc Trăng Lương Minh Quyết, tân dược nông dân sử dụng cho cây cam hiện nay là loại tiêm vào tỉnh mạch con người để tăng cường sức khỏe. Muốn biết cách làm này hiệu quả hay không, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã lên kế hoạch mời các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ đến tỉnh này để mở tọa đàm và đi thực tế.

Tại Hậu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Nguyễn Văn Đồng cho biết tỉnh này đã tổ chức hội thảo từ nhiều năm trước tại huyện Châu Thành, nhằm đánh giá việc tiêm nông dược vào cây cam. Theo ông Đồng, cách làm này không hiệu quả và không ít nông dân đã ngưng áp dụng.

Phóng viên đặt vấn đề về lượng thuốc và kháng sinh tồn trong trái nếu áp dụng "công nghệ tiêm chích", ông Đồng nói: "Cây được tiêm thuốc vẫn chết bình thường, còn trái có ảnh hưởng gì thì chúng tôi không phân tích, bởi trái của những cây được chích thuốc có 'ra ngô ra khoai' gì".

"Bơm thuốc chạy nhanh nhưng phí"

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, nông dược bơm vào cây thì các chất đi trực tiếp, nhanh hơn phun xịt. Ông lấy ví dụ diệt con sùng ăn đọt dừa, nông dân thường bơm thuốc vào cây vì dừa cao khó phun xịt.

Nhà khoa học đặt vấn đề ở đây là nông dân dùng thuốc gì bởi trên thị trường có nhiều loại. Có những loại thuốc Bộ NN&PTNT loại ra khỏi danh mục sử dụng trên cây nông nghiệp nhưng nông dân vẫn lén lút sử dụng.

"Chỉ sợ hóa chất độc hại chứ phân vi lượng thì không có gì. Ngành nông nghiệp khuyến khích bón phân vi lượng, phân vi sinh (sinh học) để cung cấp thêm những chất mà cây đang thiếu. Nông dân thường bón N.P.K. sẽ thiếu mười mấy chất khác. Những chất này cùng với N.P.K. làm cho cây phát triển tươi tốt", giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích.

Theo vị giáo sư, trị bệnh cho cây bằng cách bơm nông dược thì hiệu quả nhanh hơn nhưng phí. Theo ông, nếu cùng một lượng phân, nếu nông dân bới đất chung quanh gốc rộng theo tán, rắc hoặc xịt thuốc vô trong đất thì sẽ hiệu quả lâu dài. Lý do phân sẽ hoạt động trong vùng đất, tạo thêm chất tốt khác cho cây, để rễ hút lên thân.

Một vườn cây ăn trái có nhiều chai, lọ chứa nông dược được vứt phía sau chòi canh, gần khu hành chính thị xã Ngã Bảy. Ảnh: Việt Tường

"Vi khuẩn có lợi và vi sinh trong phân ở dạng tế bào sơ khởi, khi xuống đất rồi nó phát triển, nhân bào ra. Trong quá trình nhân ra nó sẽ tác động với các chất trong đất để mà trở thành hỗn hợp cho cây hút lên. Cây không bị hại, ngược lại còn làm cho trái ngon hơn", vị giáo sư khẳng định.

Đối với việc chích thuốc kháng sinh, giáo sư Võ Tòng Xuân nói: "Nếu dùng kháng sinh nhiều sẽ không tốt bởi chúng ta ăn phải trái cây có chứa kháng sinh thì khi bị bệnh, uống thuốc không hiệu quả. Bây giờ xuất khẩu nông sản, nước nào phân tích có kháng sinh thì họ sẽ trả về hết".

Cùng quan điểm, kỹ sư Nguyễn Văn Đầy, Trưởng trạm BVTV huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết kháng sinh tiêm vào cây sẽ diệt được một số vi khuẩn khi cây bị bệnh. Tuy nhiên, thuốc tồn trong trái, con người ăn vào thì lỡ có bệnh sẽ dùng thuốc liều cao vì lờn kháng sinh.

"Nếu tiêm hóa chất độc hại có tính lưu dẫn để diệt sâu thì rất nguy hiểm. Có loại thuốc tiêm vào cây để diệt rệp sáp chích hút cây và đọt non nhưng thuốc cũng vô trái cây là có thể nhiễm độc", ông Đầy chia sẻ.

Khuyến khích sử dụng phân vi lượng

Theo Trưởng trạm BVTV huyện Mỹ Tú, nhà vườn tiêm nông dược vào cây thường là khi bộ rễ bị hư và lá không còn hấp thụ được các chất trung vi lượng. Giống như con người, khi miệng đau không ăn uống được thì bác sĩ chỉ định truyền dịch (nước biển).

"Nếu phân bón lá thì hấp thụ qua lá, bón gốc thì rễ hấp thụ rồi đưa vào thân để nuôi cây qua các bộ phận. Tùy tác dụng của từng loại trung vi lượng mà nó bổ sung cho cây bị thiếu các chất nào đó. Đối với trái, nếu sự dụng trung vi lượng sẽ rất tốt vì một số chất làm cho trái ngon, ngọt hơn chứ không ảnh hưởng sức khỏe con người", kỹ sư Đầy phân tích.

Vị kỹ sư nông nghiệp cụ thể hóa các chất vi lượng là kẽm, magie, sắt, đồng... Bằng kinh nghiệm mà nông dân nhận biết cây bị bệnh hoặc thiếu chất khi quan sát lá. Ví dụ như thiếu kẽm lá cây sẽ vàng giống như bệnh "ghi nin" do siêu vi khuẫn; thiếu magie thì chót lá vàng theo rìa, thiếu kẽm thì thịt lá vàng nhưng gân lá còn xanh...

Tại một HTX nông nghiệp ở huyện Mỹ Tú, số điện thoại của kỹ sư Đầy và hai đồng nghiệp được công bố để giúp nông dân được tư vấn kỹ thuật canh tác miễn phí. Ảnh: Việt Tường

Trước đây, nông dân chỉ bón phân đa lượng là N.P.K. nhưng nhiều năm khai thác thì đất sẽ thiếu trung vi lượng nên cần bổ sung. Tuy nhiên, khi rễ cây không còn "ăn" được phân và lá khó hấp thụ các chất dinh dưỡng thì nông dân nghĩ ra cách tiêm nông dược để vi lượng đi vào mạch dẫn.

"Đã tiêm là cây hư rễ hoặc lá nên cách làm này chỉ là tạm thời vài năm rồi đốn bỏ cây. Giống như con người khi không ăn được rồi thì đâu phải vô nước biển hoài để sống. Tuy nhiên, có những cây được tiêm sẽ phục hồi trở và ra rễ mới và sống lâu. Còn rễ không tốt lại và lá không xanh thì ăn trái thêm được 1-2 vụ", Trưởng trạm BVTV Mỹ Tú chia sẻ kinh nghiệm.

Việt Tường

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/an-phai-trai-cua-cay-bi-tiem-khang-sinh-nguoi-dung-co-bi-anh-huong-14792.html