An Phát đi đầu 'cuộc cách mạng' loại bỏ túi nilon

Trước thảm họa do chất thải nhựa, túi nilon gây ra, cần tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa, khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

Sản phẩm túi AnEco của Tập đoàn An Phát Holdings đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn là sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn.

Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn

Ngày 24/10/2018, các nghị sĩ châu Âu đã phê chuẩn dự luật, nhắm tới các sản phẩm có trong danh mục gốc 10 sản phẩm nhựa dùng một lần do Ủy ban châu Âu (EC) lập ra, trong đó có ống hút, tăm bông hay que gài bóng bay.

Mục tiêu đến năm 2025, các nước EU sẽ thu gom 90% các chai lọ đựng đồ uống và các loại nhựa khác để tái chế.

Bên cạnh đó, dự luật cũng kêu gọi tới năm 2025, các nước giảm ít nhất 5% các sản phẩm nhựa không thể tái chế; giảm 50% rác thải từ các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các đầu lọc thuốc lá bằng nhựa, và phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ này lên mức 80%.

Cùng với những mục tiêu trên, dự luật còn mong muốn các nước EU đảm bảo ít nhất 50% ngư cụ đánh bắt cá chứa nhựa bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom hàng năm; đặt mục tiêu đến năm 2025, tái chế ít nhất 15% ngư cụ đánh bắt cá - hiện chiếm 27% trong tổng số rác thải trên các bãi biển châu Âu.

Dự thảo luật được kỳ vọng có hiệu lực từ năm 2021 nhưng chính sách này cần phải được thông qua trong các cuộc họp giữa thành viên EU, EP, Ủy ban châu Âu (EC) diễn ra vào tháng 11 tới.

Liên quan đến dự thảo luật này, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) bày tỏ sự động thuận, nhấn mạnh quyết định trên sẽ đưa EU trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa rất nhiều nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ, và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển.

Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Cứ tình trạng này, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Cần cuộc "cách mạng" loại bỏ túi nilon

Tại Hội thảo khoa học "Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy" diễn ra ngày 4/6/2018 tại Bình Định, các nhà khoa học đã gọi ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon là "ô nhiễm trắng," gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất, nước, đặc biệt là sức khỏe con người.

Đề cập đến thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng cho biết, cùng với sự gia tăng dân số và kinh tế, lượng chất thải nhựa và túi nilon phát sinh ngày càng tăng, vượt mức kiểm soát.

Theo Báo cáo Môi trường năm 2016, mỗi tháng, một hộ gia đình thải ra môi trường 1kg túi nilon. Chỉ riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường.

Điều đáng nói là khi thải ra môi trường, túi nilon phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Còn nếu đốt nilon sẽ tạo ra một lượng khí thải và chất độc dioxin và furan gây độc, ảnh hưởng tiêu

Số liệu của Tổng cục Môi trường cũng cho thấy, người Việt Nam đang dùng khoảng 30-40 kg nhựa/người/năm. Riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 30 tấn nilon được sử dụng mỗi ngày tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chưa kể tại các hộ dân.

Trước thảm họa do chất thải nhựa, túi nilon gây ra, GS. TS Đặng Thị Kim Chi, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho rằng Việt Nam cần có chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường; không khuyến khích sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt là các bao bì nhựa.

Đồng thời tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm; áp dụng biện pháp đánh thuế vào mặt hàng túi nilon. Đặc biệt là giảm thiểu tối đa hoặc cấm sử dụng các loại bao bì chỉ sử dụng một lần mà không tái sử dụng như túi nilon, ống hút…

GS. TS Đặng Thị Kim Chi cũng nhấn mạnh rằng cần khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Ví dụ sản xuất các loại túi đựng, bao bì có nguồn gốc thực vật như gỗ, mây, tre, lá dong, lá chuối…

An Phát Holdings đón đầu xu thế "không rác thải nhựa"

Sản phẩm túi AnEco của Tập đoàn An Phát Holdings có thành phần bao gồm tinh bột ngô và đang được khách hàng châu Âu đánh giá cao. Ảnh: Nam Nguyễn

Ở Việt Nam hiện nay, các loại túi ta thường thấy được bày bán trên quầy kệ siêu thị vẫn được gắn mác "Tự hủy sinh học" hay "Phân hủy sinh học", tiếng anh là "Biodegradable". Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thực sự "thân thiện với môi trường" như tên gọi và quảng cáo?

Bà Nguyễn Lệ Hằng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings (APH), một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á cho rằng, chúng ta cần phải phân biệt được các khái niệm để tránh nhầm lẫn. Theo Hiệp hội thử nghiệm và vật liệu Hòa Kỳ (ASTM) thì "Biodegradable" là quá trình phân hủy do tác động của các vi sinh vật tự nhiên như vi khuẩn, nấm và tảo. Có những sản phẩm nhựa phân hủy sinh học vẫn chỉ là phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ hơn do tác động của UV, nhưng không thực sự "trở về với đất" và không thể bị chuyển hóa "ăn" bởi các vi sinh vật. Hầu hết các sản phẩm đó đang xuất hiện khắp nơi trên thị trường Việt Nam, gắn mác "Tự hủy sinh học" nhưng thực tế là đó chỉ là sản phẩm nhựa thông thường (PE/PP) có trộn thêm với phụ gia oxy hóa gốc kim loại, trên thế giới gọi là OXO-biodegradable.

OXO-biodegradable - là một nguyên liệu được sản xuất từ việc trộn phụ gia oxy hóa có gốc kim loại với các loại nhựa thông thường. Dưới tác động của ánh sáng mặt trời (UV), nhiệt và/ hoặc sức ép cơ học, các phụ gia này có khả năng cắt đứt các mạch dài của nhựa truyền thống, phân rã thành các các mảnh nhựa có kích thước rất nhỏ, thường không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng bản chất nhựa vẫn không thay đổi. Những mảnh nhựa này là một mối hiểm họa của môi trường vì nó rất khó để thu thập và tái chế.

Compostable - Có thể hiểu là phân hủy hoàn toàn thành phân ủ "compost". Đây là quá trình phân hủy sinh học tạo ra khí CO2, nước, hợp chất vô cơ và sinh khối (mùn) trong thời gian ngắn và hoàn toàn không để lại những chất hóa học có thể gây hại tới môi trường.

"Một chiếc túi mang nhãn "Compostable" chắc chắn là "Biodegradable", nhưng một chiếc túi "Biodegradable" trên thị trường chưa chắc đã phân hủy hoàn toàn thành nước và các hợp chất không gây hại cho môi trường như "Compostable"", bà Hằng nhấn mạnh.

Bà Hằng cho biết thêm, An Phát Holdings là đơn vị sản xuất tại Việt Nam đầu tiên được cấp chứng chỉ TUV Vincotte OK Home Compost cho các sản phẩm túi vi sinh phân hủy hoàn toàn và là đơn vị Việt Nam duy nhất được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội Nhựa sinh học tại châu Âu.

Hiện nay, sản phẩm túi AnEco của Tập đoàn An Phát Holdings đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn là sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn, thành phần bao gồm tinh bột ngô và đang được khách hàng châu Âu đánh giá cao.

Bên cạnh đó, định hướng của APH trong thời gian tới sẽ phát triển các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn thân thiện với môi trường khác như ống hút, dao, thìa, dĩa, cốc tự hủy… AnEco khi được chôn xuống đất, trong vòng 6 tháng sẽ phân hủy thành CO2, nước và phân mùn nuôi cây trồng, 100% compostable.

Hiện các sản phẩm của An Phát đã có mặt tại thị trường Châu Âu, Nhật, Mỹ, Úc, Châu Phi. Trong kế hoạch phát triển tương lai gần, An Phát rất mong muốn đem sản phẩm nhựa công nghệ cao, thân thiện với môi trường tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/an-phat-di-dau-cuoc-cach-mang-loai-bo-tui-nilon-20181106135709368.htm