Ăn Tết kiểu Huế

Các thú chơi ngày tết ở Huế cũng nhiều không kém chi nghi lễ. Nếu không thì người Huế đâu có nổi tiếng phong lưu..?

Tết năm ấy, vợ chồng Steve Burrow đến Huế, cùng đón giao thừa với gia đình tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, được ông Sơn đưa lên chùa sáng mùng Một, rồi từ phố về làng. Đó là cái Tết Nhâm Ngọ 2002, khi mà nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 và lễ nghi cúng bái ở “nước Huế” đã nhiều phần gia giảm. Vậy mà ông nhà báo người Canada gốc Anh vẫn liên tục ngạc nhiên như thể được khám phá một “vương quốc thần bí” nào đó.

“Vì sao người Huế lại cúng kiếng nhiều vậy trong những ngày đầu năm mà lẽ ra họ phải nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi?”. Câu hỏi đó không chỉ Steve đặt ra, mà hàng triệu du khách đến Huế từ mấy thế kỷ qua đều thắc mắc.

Cúng suốt tháng Chạp

Các sách nghiên cứu về văn hóa Huế đều cho biết Tết Huế bắt đầu từ ngày đầu tháng Chạp. Đó là ngày triều đình cử hành lễ Ban sóc, tức lễ ban hành lịch năm mới do Khâm Thiên Giám, cơ quanphụ trách thiên văn của triều đình – biên soạn. Ngày mùng Một âm lịch gọi là “sóc” (ngày rằm gọi là ngày “vọng”). Quan có lịch riêng, tùy theo thứ bậc mà ban lịch. Dân cũng có lịch riêng, do quan đầu tỉnh nhận về phát lại. “Lễ Ban sóc là tín hiệu mùa xuân. Lịch trình ăn Tết của triều đình và trăm họ bắt đầu từ đây”. Nhà nghiên cứu Võ Hương An – tác giả cuốn sách Huế của một thời – viết như thế và cho hay câu thơ của Tú Xương: “Xuân từ trong ấy mới ban ra/ Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà” là muốn nói đến cái lễ này.

Từ thời Tự Đức, triều Nguyễn quy định đến ngày ba mươi tháng Chạp mới dựng nêu, thay vì lên nêu từ ngày hai ba tháng Chạp như dân gian miền Bắc vẫn làm. Kể từ ngày Ban sóc cho đến ngày dựng nêu, trong cung đình là một chuỗi các lễ nghi nối tiếp nhau. Sau lễ Ban sóc là lễ Phất thức, có nghĩa là phủi bụi và lau chùi ấn tín và bảo vật của triều đình, thường tổ chức sau ngày rằm tháng Chạp. Nếu ngày lập xuân diễn ra trước Tết thì triều đình sẽ cử hành lễ Tiến xuân, là một nghi lễ nhằm đề cao nông nghiệp, tương tự như lễ Tịch điền sẽ tổ chức vào ngày đầu năm. Ngày ba mươi Tết là lễ Thượng tiêu (dựng nêu). Cây nêu trong kinh thành dựng lên, cây nêu ở các làng xã cũng đồng loạt dựng theo, công việc của vua, quan và thần dân mới chính thức tạm gác lại để đón xuân, ăn Tết.

Ảnh: Khám phá Huế.

Ảnh: Khám phá Huế.

Trong cung đình suốt cả tháng Chạp vua quan phải lo cho xong các lễ nghi chuẩn bị cho việc ăn Tết, thì ngoài kinh thành, thần dân cũng tất bật mọi lễ lượt để đón ông bà và cả Phật tổ, thần linh về cùng ăn Tết. Vua Ban sóc xong đó là lúc con cháu làm ăn mọi nơi kéo nhau về làng chạp mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ để chuẩn bị đón xuân, nên mới gọi là tháng Chạp. Những ngày đó về làng Huế sẽ cảm nhận một không khí náo nức chuẩn bị đón chào một lễ nghi trọng đại. Các phường thợ cũng rục rịch cúng tổ nghệ, sớm nhất là thợ may cúng tổ ngày mười hai tháng Chạp, tiếp đó là thợ mộc ngày mười chín, thợ nề ngày hai tư... Đầu đêm hai ba là cúng ông Táo để tiễn vị thần Bếp lên ăn Tết ở thiên đình.

Ngày trước, lễ cúng Tất niên chỉ diễn ra vào ngày ba mươi tết sau khi cây nêu dựng lên, để chính thức mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu. Còn sau này kể từ ngày đưa ông Táo cho đến ngày cuối năm là liên tục cúng tất niên của các xóm, các làng, các nhà, quán xá, chợ búa, cửa hàng, công ty, xí nghiệp... Những ngày này, chỉ cần đi một đoạn từ chợ Đông Ba vô cửa Đông Ba sẽ gặp vô số bàn thờ nghi ngút khói hương đặt bên hè phố. Đó là mâm cúng tất niên của các cửa hàng điện tử, phòng răng, phòng vẽ, hàng thêu, tiệm sửa ti vi, tủ lạnh... Nhà nông ở làng thì cúng ruộng, cúng vườn, cúng chuồng trâu, chuồng heo, chuồng gà...

Cúng... đến hết tháng Giêng

Sau lễ giao thừa là lễ Nguyên đán (thiết đại triều mừng năm mới), tiếp đó lễ Khánh hạ (vua đi thăm hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu). Ngày mùng Bảy tháng Giêng là lễ hạ tiêu, hạ nêu hết Tết, nhưng vẫn còn lễ du xuân (vua ra ngoài thành xem dân chúng chơi xuân), lễ thiên xuân, lễ tịch điền (vua cày ruộng mở đầu mùa vụ năm mới), lễ Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng)... Từ đó cho đến hết tháng Giêng sẽ còn vô số lễ nghi khác nữa của triều đình, muốn xem cho hết xin đọc sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ – cuốn sách chép mọi điển lệ của triều Nguyễn.

Còn nếu đọc sách Tín ngưỡng dân gian Huế của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh thì sẽ thấy lễ nghi, cúng bái của dân chúng Huế còn nhiều hơn cả triều đình. Đêm giao thừa thì cúng giao thừa, cúng trên bàn thờ và cúng cả ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài đường. Sáng mùng Một thì cúng ngày sóc, người theo Phật thì cúng Phật. Cúng Phật ở nhà rồi nhưng cũng phải đến chùa để lễ Phật ngày đầu năm, sau đó là lên nghĩa trang thắp hương cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tiếp đó là về từ đường dòng tộc thắp hương, ghé thăm bất cứ nhà nào cũng phải thắp xong nén hương cho người đã khuất rồi mới ngồi nói chuyện với người còn sống. Ngày mùng Hai, mùng Ba còn có Tết đất, Tết nhà. Kể từ khi đón ông bà về ăn Tết, cứ đến bữa thì cúng cơm cho ôn mệ. Đến chiều mùng Hai hoặc mùng Ba thì cúng đưa ôn mệ về lại cõi trên. Ngày xưa đến ngày mùng Bảy mới hạ nêu, gọi là bảy ngày xuân, thì ngày nào cũng cúng. Sau lễ hạ nêu là cúng bổn mạng (vị thần coi sóc bổn mạng người đàn ông, đàn bà), ngày mùng Chín tháng Giêng thì cúng đầu năm. Sau đó thì cúng đầu năm của xóm, của làng, đến rằm tháng Giêng thì cúng rằm Nguyên tiêu. Kết thúc nửa tháng “cúng Tết” Nguyên đán.

“Có bao nhiêu nghi lễ mà người Huế phải thực hành trong dịp năm mới?” – nhà báo Steve Burrow hỏi. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cũng không thể có con số cụ thể được. Bởi vì, thực hành nghi lễ cũng tùy người, tùy nhà, tùy hoàn cảnh, tùy nhận thức, tùy thời và... tùy tâm. Mệt nhoài với cúng kiếng như thế, nhưng nếu bảo rằng bỏ bớt nghi lễ thì sẽ có người Huế lắc đầu ngay. Mệ Bửu Ý, một dịch giả kiêm nhà nghiên cứu uy tín ở Huế, thủng thẳng trả lời: “Mới nghe đã thấy tiếc!”.

Vì sao người Huế cúng nhiều?

Một trăm năm trước, có một nhà truyền giáo đến từ Paris đã bỏ công khám phá điều này và đã công bố bài khảo cứu công phu Đất thần kinh trên tạp chí Những người bạn Huế xưa (viết tắt là B.A.V.H) năm 1916. Ông là linh mục Léopold Cadìere, chủ bút tạp chí B.A.V.H, một người tận tâm với cuộc khảo cứu văn hóa Việt và đã chọn “đất thần kinh” để làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Nhà Huế học người Pháp này đã lý giải vì sao vua Thiệu Trị đã gọi Huế là “đất thần kinh”. Đó là giấc mộng có bà lão nhà trời khuyên chúa Nguyễn Hoàng lập chùa Thiên Mụ, là cuộc đất hội tụ các yếu tố phong thủy đế vương với rồng chầu hổ phục, có sông Hương làm minh đường, núi Ngự làm tiền án, như thể đất trời “tạo nên cho kinh đô một vị trí quy tụ được các sức mạnh thiên nhiên cũng như thế giới vô hình”.

Vì vậy, theo Cadiere, từ đức vua tế trời trên đàn Nam Giao cho đến kẻ mạt hạng kéo xe thường cắm hoa vạn thọ trên chiếc xe kéo của mình vào ngày lễ, đều là để thành kính tạ ơn đất trời và thần linh đã phù trợ, chở che. Việc thờ cúng của những người lính gác thành, gác cầu và cả lính gác ngục, mà Cadìere bắt gặp thường xuyên trong kinh thành cũng là để giúp họ “mang đến điều tốt và đẩy xa điều xấu”. Từ kinh thành với “những bức tường vàng và những hào nước xao xuyến” cho đến những niềm tin thành kính của con người xứ sở, đã làm nên một vẻ đẹp mà Cadiere gọi là “cái quyến rũ nhất trong những cái quyến rũ của kinh đô”. Quyến rũ cả những khách du “tưởng chừng chỉ đi ngang qua và nhìn vào kinh đô với con mắt chẳng có chi là sắc sảo”.

Trong những vị khách đó có nhà báo Steve Burrow. Sau những ngày cùng “cúng kỵ tết nhất” với Huế, Steve đã hiểu được câu trả lời của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn: Người Huế xem nghi thức cúng kỵ là điều thiêng liêng, cần phải duy trì và trao truyền cho hậu thế. Vì vậy, dẫu việc cúng kỵ đã lấy đi khá nhiều thời gian của họ, nhưng nếu thiếu vắng những nghi lễ ấy thì không thành Tết Huế.

Sau khi thực hành xong điều đó thì lòng dạ sẽ thảnh thơi để vui chơi trong khoảng thời gian còn lại. Mà thật ra, sau lễ nghi thì phần thời gian còn lại cũng còn nhiều, tha hồ mà vui chơi. Vì vậy, các thú chơi ngày tết ở Huế cũng nhiều không kém chi nghi lễ. Nếu không thì người Huế đâu có nổi tiếng phong lưu.

(Bài viết trích trong cuốn sách "Tết đoàn viên"-sách được phát hành bởi Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Sống).

Nhà báo Trung Tự

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/an-tet-kieu-hue-1003109.vov