Ăn Tết thế nào để khỏe người, giữ dáng?

Tết là đoàn tụ, sum vầy nên không thể thiếu những món ăn ngon dành cho người thân, bạn bè. Vậy ăn Tết thế nào để vừa tận hưởng từng giây phút đoàn viên mà vẫn khỏe người, giữ dáng?

Tết là tăng cân

"Sợ ăn Tết" cũng là nỗi lòng của không ít người. Việc ăn uống tùy tiện, tiệc tùng khiến nhiều người tăng cân. Những người có bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường rất dễ bị bệnh nặng ngay sau Tết…

Chị Huyền Lan, 44 tuổi, ở Hà Nội cho biết Tết năm nào chị cũng tăng 2-3 cân, mà ở tuổi của chị lên cân thì dễ xuống cân thì khó. "Kết quả khám định kỳ hôm rồi của tôi cho thấy gan nhiễm mỡ, mỡ máu cũng hơi cao nên càng phải "bóp mồm, bóp miệng" ngày Tết để giữ gìn sức khỏe" - chị Lan chia sẻ.

Nhiều chị em nỗ lực giảm cân trước Tết

Nhiều chị em nỗ lực giảm cân trước Tết

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết dịp nghỉ Tết, nhiều người thường bị tăng cân, có thể khiến một số bệnh có cơ hội tái phát nhiều hơn. Vì vậy, việc có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý trong dịp Tết rất quan trọng để "giữ dáng" và bảo đảm sức khỏe.

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo để cân đối chế độ dinh dưỡng, có thể "giữ dáng" sau khi kỳ nghỉ Tết, mỗi người cần biết cân đối lượng thức ăn nạp vào, có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý.

Đặc biệt, với người có nguy cơ thừa cân và béo phì cần lưu ý các loại thực phẩm có năng lượng cao, ví dụ: mỗi miếng bánh chưng có khoảng 150 đến 250 kcal, nếu ăn từ 2 đến 3 miếng bánh mỗi ngày thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể, chưa tính đến các loại khác như bánh kẹo và rượu bia.

Thực đơn ngày Tết có thể khiến nhiều người tăng cân, thậm chí không tốt cho sức khỏe

Trong những ngày nghỉ Tết, bên cạnh khẩu phần ăn nhiều đạm động vật, việc sử dụng quá nhiều bánh mứt kẹo, nước ngọt có ga, các loại nước ngọt khác cũng làm tăng năng lượng khẩu phần; vì vậy, người dân nên hạn chế sử dụng các loại sản phẩm này. Đặc biệt, mọi người cần hạn chế việc uống rượu bia nhiều trong những ngày Tết vì có thể ảnh hưởng không tốt đối với những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì.

PGS- TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết mỗi dịp Tết đến khá nhiều người phàn nàn vì tăng cân, ăn uống thất thường, cuộc sống đảo lộn, một số bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường nặng lên…

"Thức ăn ngày Tết đa dạng hơn nữa lại nhiều món giàu calo như: bánh chưng, thịt đông, thịt quay, giò mỡ, bánh mứt kẹo ngọt… Do đó, nhiều người có cảm giác mình ăn không nhiều trong dịp Tết mà vẫn tăng cân, thực chất là năng lượng họ nạp vào không ít" - PGS Ninh giải thích.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên chọn một số món ăn ít calo. Ảnh: Internet

Cần hạn chế tối đa các loại bánh, mứt, trái cây sấy, kẹo, nước ngọt có ga... vì các sản phẩm này chứa nhiều đường, là nguyên nhân phổ biến gây tăng cân và không tốt cho sức khỏe đối với người mắc bệnh tiểu đường.

Thay vì uống nước ngọt có ga hay nước hoa quả nhiều trong ngày Tết, hãy uống nhiều nước lọc.

Thực phẩm nào dễ gây tăng cân?

Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bánh chưng là món ăn cung cấp năng lượng rất lớn. Một chiếc bánh chưng chứa khoảng 1.500-1.700 kcal, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh. Bánh chưng rán còn chứa nhiều chất béo hơn do được chiên trong dầu mỡ, không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận.

"Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2-3 miếng bánh chưng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể, nguy cơ không kiểm soát được cân nặng có thể xảy ra. Với người bệnh mắc bệnh lý về chuyển hóa như thừa cân, béo phì, tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... nên hạn chế ăn bánh chưng" - bác sĩ Hưng khuyên.

Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng tính toán một khoanh giò lụa có thể cung cấp 100-120 kcal; một bát miến gà lớn cung cấp khoảng 600 kcal; 100 gram giò thủ cung cấp khoảng 500 kcal hay một lon nước ngọt hoặc 1 lon bia năng lượng khoảng 140-150 kcal, gần bằng một bát cơm; một bát xôi (1/5 đĩa) chứa khoảng 130 kcal; một viên kẹo socola cung cấp là 388 kcal... Để tiêu thụ hết số năng lượng này cần khoảng 30-60 phút chạy bộ hoặc hơn thế tùy vào tốc độ chạy của mỗi người.

Bánh chưng cung cấp lượng kcal khá cao

Để bớt đi nỗi lo tăng cân, giảm nguy cơ bệnh tật trong ngày Tết các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo dù ngày Tết bận rộn, mọi người cũng không nên ăn uống thất thường, ăn quá nhiều bánh chưng, thịt mỡ hay đồ ngọt, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn... Bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo đủ các nhóm: ngũ cốc, thịt, rau, quả. Trong đó chú trọng ăn ít bột, ít thịt, ít đồ ngọt và tăng rau xanh, hoa quả. Rau xanh là nhóm thực phẩm tương đối ít calo, giàu vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Với người thừa cân, béo phì, tránh dùng các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, bơ, fomat, não, nội tạng động vật, các món xào rán... Các thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng tiêu thụ ở mức vừa phải.

Đặc biệt, với nhóm thực phẩm chứa bột đường, nên sử dụng các thực phẩm như: bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Bên cạnh đó, nên đảm bảo đủ vitamin và muối khoáng từ nguồn rau quả chín (khoảng 400g/ngày); xây dựng thói quen giảm ăn mặn, ăn uống điều độ đúng theo nhu cầu.

Nên ăn chậm và ăn miếng nhỏ

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết để tránh tăng cân và khiến các bệnh mãn tính (huyết áp cao, mỡ máu, đái tháo đường, gout…) nặng hơn, mọi người nên hạn chế uống rượu bia, nước ngọt, ăn ít các đồ ăn giàu chất béo, tinh bột, đường.

Mứt Tết, bánh kẹo thường chứa rất nhiều đường

"Nếu giảm việc nạp quá nhiều đồ ăn tốt nhất chỉ ăn miếng nhỏ, nhai chậm. Những người có thói quen "ăn vội ăn vàng", không nhai kĩ khi ăn sẽ nạp một lượng thức ăn gấp đôi người bình thường. Khi chế biến món ăn cũng nên làm hạn chế theo sức ăn của mọi người trong gia đình, không nên chế biến ê hề rồi lại tiếc, ăn cố" - PGS Lâm khuyên.

Ngoài ra, nếu muốn giảm cân thì đừng quên uống một ly nước trước bữa tối, điều này sẽ giúp kiểm soát sự thèm ăn của và cơ thể sẽ không ăn quá nhiều khi bạn thưởng thức bữa tối.

Các bác sĩ cũng lưu ý, cứ đến lễ, Tết là số bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện cấp cứu lại gia tăng. Để dự phòng, người bệnh đái tháo đường có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn đủ ba bữa chính và ăn thêm ít nhất một bữa phụ.

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/an-tet-the-nao-de-khoe-nguoi-giu-dang-20230116230232918.htm