Ăn thịt lợn sống, một người chết, một người nguy kịch

Sau khi ăn các món thịt sống được chế biến từ một con lợn ốm chết, một người đàn ông 33 tuổi đã suy hô hấp, sau đó ngừng tim và tử vong.

Ngày 4/1, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khoa hiện đang điều trị cho một bệnh nhân nhiễm giun xoắn vì ăn thịt lợn ốm.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2017, khoa tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh P.P.H (33 tuổi) và anh L.L.G (24 tuổi), cùng ở Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng gầy, suy kiệt, đau dữ dội các cơ, không thể nuốt được, nói rất khó khăn. Riêng bệnh nhân P.P.H suy hô hấp, thở rất khó khăn vì đau và tim có những lúc loạn nhịp tim.

Các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm, lấy các mẫu để phân tích tìm nguyên nhân, với chẩn đoán bước đầu là nhiễm giun xoắn, điều trị theo phác đồ đặc hiệu và chăm sóc tích cực, hỗ trợ dinh dưỡng. Tuy nhiên, với bệnh nhân P.P.H, chỉ 2 ngày sau vào viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng tim và tử vong.

Ngày 4/1, kết quả xét nghiệm, phân tích cho kết quả chẩn đoán chính xác là các bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn. Hiện bệnh nhân L.L.G đã kiểm soát được tình trạng sức khỏe, qua cơn nguy kịch.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2017, một nhóm người ở Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu giết thịt 1 con lợn ốm, trong đó có món tiết canh và chế biến đồ ăn từ thịt lợn sống.

Sau khi ăn, khoảng 5 ngày có 5-6 người xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt, và đau dữ dội các cơ bắp. Những người nặng ngay cả khi thở, ho, nói chuyện hoặc nuốt cũng rất đau. Các bệnh nhấn được điều trị 5 ngày tại bệnh viện huyện sau đó chuyển lên BVĐK tỉnh Lai Châu điều trị. Sau 1 tuần, có 2 bệnh nhân diễn biến quá nặng là anh H và anh L trên đây, được chuyển BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Chăm sóc cho bn tại khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh minh họa)

Theo BS Cấp, bệnh giun xoắn ở người gây ra bởi một loại giun tròn thuộc giống Trichinella. Trong thiên nhiên nhiều động vật mang ký sinh trùng này. Người bị nhiễm do ăn phải thịt heo sống hay chưa nấu chín có nhiễm Trichinella spiralis. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun xoắn

Về phương thức lây truyền, có thể lây qua đường ăn uống: ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt (chủ yếu là thịt lợn) nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín kỹ. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng.

Trong thời gian khoảng 4-6 tuần, ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh bất cứ nơi đâu, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm.

Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hóa dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

Khi bị nhiễm giun xoắn, bệnh nhân có thể bị:

+ Phù mi mắt, mặt, phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.

+ Sốt nhẹ sau tăng dần

+ Đau sưng cơ, đổ mồ hôi, mất ngủ

+ Cảm giác kiến bò

+ Có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.

+ Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: viêm cơ, viêm phổi, viêm não. Tùy theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn, trường hợp nặng, tử vong do suy tim.

V.Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/an-thit-lon-song-mot-nguoi-chet-mot-nguoi-nguy-kich-20180104190345488.htm