Ân tình lá phiếu

Văn hóa và Đời sống - Nhớ lại ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6-1-1946) cách đây 75 năm, lòng ta lại càng bồi hồi xúc động với ân tình lá phiếu - tri ân và tình nghĩa. Lá phiếu mỏng mảnh nhưng mang sức nặng của trầm tích truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với khát vọng vô biên: Độc lập, tự do cho đất nước, thống nhất non sông bờ cõi, mang lại quyền làm chủ và thực hiện quyền dân chủ cho mọi con người - thông qua việc bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bác Hồ kính yêu đã nhấn mạnh: “Quốc hội là ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không có gì lay chuyển nổi”. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên: “Đó là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự hy sinh anh dũng, phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ, nguy hiểm không sờn, giành lấy nền độc lập cho Tổ quốc” như lời Bác Hồ phát biểu ngày 2-3-1946 khi Quốc hội khóa 1 họp kỳ thứ nhất. Bằng uy tín tuyệt đối của mình, Bác Hồ đã đứng ra thành lập Chính phủ và được Quốc hội khóa 1 nhanh chóng phê chuẩn. Ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa 1 họp kỳ thứ 2, đã chuẩn y bản Hiến pháp chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, chỉ hơn 1 năm sau khi giành được độc lập từ tay của thực dân Pháp, từ thân phận nô lệ và mất nước, chúng ta đã có Quốc hội, có Chính phủ, có Hiến pháp...

Nhớ lại không khí những ngày tổng tuyển cử đầu tiên đó ta còn nghe như âm vang tiếng hô “Sát Thát” của hội nghị Diên Hồng trên bến nước Bình Than của quân và dân nhà Trần chống giặc Nguyên - Mông. Một ý chí kết đoàn son sắt từ thuở con Lạc cháu Hồng chung bọc trứng mẹ Âu Cơ với 2 tiếng đồng bào kết tinh bao truyền thống tốt đẹp. Mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, cả nước chung lòng, chung sức vùng lên đánh bại, mỗi lũy tre làng ken chặt thành pháo đài xanh - pháo đài của lòng dân vững chắc. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đó, Nhân dân Nam bộ bất chấp bom đạn giặc Pháp, đi bỏ phiếu rất đông, nhiều người phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ. Sáng ngày 5-1-1946, lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết thực động viên sức mạnh to lớn của toàn dân: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù, về mặt chính trị, thì Nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.

Từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa 1, sau 30 năm cuộc tổng tuyển cử lại được tổ chức trên phạm vi cả nước, đó là ngày 21-6-1976 - Quốc hội họp phiên đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Một chặng đường 30 năm chúng ta đã đánh thắng 2 kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngỡ như vẫn còn âm vang chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng được cắm lên trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Sau khi trải qua: “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non - gan không núng, chí không mòn” (Tố Hữu), dân tộc Việt Nam ta đã làm nên chiến thắng rung chuyển địa cầu. Và trưa ngày 30-4-1975, thành phố Sài Gòn rực rỡ cờ hoa với chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng khi: “Bác Hồ ơi tin chiến thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố mang tên người rực rỡ cờ hoa (Tố Hữu). Vâng, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mặc dù Bác - người Đại biểu Quốc hội, công dân số 1 đã vào cõi thần tiên nhưng trước lúc ra đi Bác vẫn tiên đoán tài tình: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Thưa Bác: Mỹ đã cút và nay Ngụy đã nhào, Nam Bắc đã sum họp một nhà như ước mong của Bác. Và chính từ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước lần này sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Nhân dân cả nước tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của Người: Xây dựng đất nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Lá phiếu cử tri đi bầu Quốc hội là lá phiếu ân tình khi ta ghi lên đó những cái tên mà mình đã gửi gắm bao niềm tin hy vọng vào những con người đại biểu cho Nhân dân mà như nhà thơ Chính Hữu đã viết trong bài thơ “Lá phiếu hôm nay”: “Ta ghi vào lá phiếu của ta những dòng hy vọng: “Hồ Chí Minh - Lê Duẩn - Trường Chinh.../ Ơi cái tên những người cộng sản/ Nghe dặt dìu tên núi, tên sông/ Tên viết bằng chữ đỏ chiến công...”. Những chiến công trong công cuộc bảo vệ đất nước, những thành công trong công cuộc xây dựng đất nước mà Quốc hội đã tạo nên sức mạnh mới, sức mạnh của cả khối đại đoàn kết cả dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN: Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Lá phiếu cử tri là lá phiếu ân tình, ân nghĩa với bao thương mến hy vọng, với bao niềm tin khát vọng, từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, Quốc hội là điểm tựa tinh thần to lớn hội tụ bao tình cảm kết đoàn, hoạch định các chính sách đưa đất nước tiến lên tới một tương lai tươi đẹp...

Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tin-tuc/an-tinh-la-phieu/19575.htm