Ân tình này, sẽ mãi không bao giờ quên…

Hơn 40 năm trước, để tránh nạn diệt chủng của Khmer đỏ, có người đàn ông tên Bun Thoong, ở tỉnh Rattanakiri, Campuchia đã đưa bạn bè, gia đình sang tỉnh Kon Tum của Việt Nam lánh nạn. Trong hiểm nguy, khốn khó, ông Bun Thoong và gia đình, họ hàng, bạn bè đã được những người lính Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) và nhân dân Việt Nam cưu mang giúp đỡ.

Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri với cái tên “Voun” được đặt theo tên người lính Biên phòng Việt Nam Phan Thái Vân. Ảnh: Văn Lý

Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri với cái tên “Voun” được đặt theo tên người lính Biên phòng Việt Nam Phan Thái Vân. Ảnh: Văn Lý

Nhân duyên Việt Nam

Trước khi xảy ra nạn diệt chủng của quân Khmer đỏ, chàng thanh niên ưu tú Bun Thoong từng được sang Việt Nam học tập. Những năm tháng đó khiến Bun Thoong hiểu được tấm lòng của người Việt với đất nước Campuchia anh em. Nhằm gây mối thù hằn dân tộc, bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary chọn cách loại trừ những người ủng hộ Việt Nam, từng học tập ở Việt Nam. Bởi vậy, khi nắm được thông tin, tháng 7-1976 có hơn 120 người Campuchia chạy nạn vào sâu trong xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ông Bun Thoong cùng bạn bè gồm Bun Lâm, Xô Keo, Thao Chuông, Khăm Len - những cán bộ ở tỉnh Rattanakiri và một số quân nhân, người dân cũng chạy sang Việt Nam lánh nạn.

Khi gặp Chính trị viên Đồn CANDVT 673 Hoàng Thành, ông Bun Thoong thay mặt đoàn trình bày nguyện vọng mong muốn được ở lại tị nạn, bởi nếu trở về, những người như các ông sẽ không ai thoát khỏi cái chết. Thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức bố trí cho những người chạy nạn Campuchia tạm cư ngay trong khu vực biên giới, sắp xếp họ ở độc lập theo từng làng, xã như ở Campuchia; không phân biệt kỳ thị. Chính quyền địa phương đã giao đất cho người tị nạn sản xuất, tạo mọi điều kiện để người dân Campuchia sớm ổn định đời sống, không can thiệp vào quyết định ở lại tị nạn hay trở về Campuchia...

Trên địa bàn huyện Sa Thầy, Đảng ủy, Ban chỉ huy CANDVT tỉnh Kon Tum thành lập Tổ công tác Ja Boóc, gồm 6 đồng chí: Trần Đình Dũng (sau này là Phó Tư lệnh BĐBP), Diệp Xuân Cung, Đào Trọng Phồn, Thẩm, Lục và Siu Grum để phối hợp với Đồn CANDVT 673 nắm tình hình và giúp đỡ những người tị nạn. Tại Ja Boóc, ta bố trí cho người dân Campuchia tạm cư sinh sống thành 11 làng, giống như họ đã sống ở Campuchia trước đó. Mỗi làng đều bầu 2 cán bộ tự quản. UBND huyện Sa Thầy quyết định thành lập xã Ja Boóc, hướng dẫn các làng tự bầu chính quyền tự quản và lực lượng bảo vệ.

Ngày 20-9-1975, đồng chí Hoàng Thành, Chính trị viên Đồn CANDVT 673 cùng 2 chiến sĩ là Tạ Công Tào và Nguyễn Văn Đức trực tiếp xuống nắm tình hình ở các làng. Khi ra về, đồng chí Hoàng Thành giao lại 4 khẩu súng K54 cùng 80 viên đạn và 5 khẩu CKC bán tự động cho các ông Khăm Len, Thao Chuông, Xô Keo và Bun Thoong để họ chủ động tự vệ khi có quân Khmer đỏ đột nhập.

Điều này là rất cần thiết, bởi lúc ấy, địa bàn huyện Sa Thầy rất rộng, dân cư thưa thớt, khu vực người tị nạn cách Đồn CANDVT 673 khoảng 2 ngày đi bộ. Tiếp đó, cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã giúp nhân dân dựng nhà tạm, sản xuất, vận động ăn ở hợp vệ sinh, cứu đói, khám chữa bệnh. Nhân dân và chính quyền 2 huyện Chư Prông, Sa Thầy giúp đỡ hàng tạ thóc giống, gia súc, gia cầm, công cụ sản xuất và đặc biệt là chia sẻ đất để làm nương rẫy, chưa kể hàng chục tấn lương thực để ăn trong những ngày giáp hạt, chờ mùa thu hoạch.

Cho ngày trở về

Sau này, trong số hơn 100 cán bộ Campuchia tạm cư ở Ja Boóc và Mô Rai giai đoạn 1975-1979 hồi hương về Tổ quốc, có nhiều cán bộ đảm nhận nhiều trọng trách lớn, trở thành cán bộ nòng cốt của chính quyền cách mạng Campuchia ở cấp huyện và cấp Trung ương. Điển hình như ông Khăm Len làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; ông Xô Keo, Thao Chuông, Bun Lâm và một số người khác làm Hạ nghị sĩ, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng của 5 tỉnh Đông Bắc Campuchia tiếp giáp với hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Khi đảm nhận các vị trí này, ông Bun Thoong cũng như ông Xô Keo, Thao Chuông, Bun Lâm vẫn luôn giữ tình cảm tốt đẹp với CANDVT Việt Nam (nay là BĐBP).

Ông Bun Thoong từng nói: “Trong tâm khảm của tôi, Sa Thầy - Kon Tum là quê hương yêu dấu thứ 2 đã sinh ra tôi và tôi không khi nào quên được sự giúp đỡ quý báu, chân thành của chính quyền, nhân dân huyện Sa Thầy cũng như cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT 673. Ân tình này, tôi mãi không quên”. Những cái tên Phan Thái Vân, Diệp Xuân Cung, Trần Đình Dũng, Hoàng Thành, Đào Trọng Phồn là những cái tên mà “chết cũng không thể quên” đối với ông Bun Thoong. Khi là Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri hay đã trở thành Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng nghị sĩ, mỗi lần có điều kiện đến Kon Tum, dù có bận đến mấy, ông cũng đều cố gắng tìm gặp những người anh em ấy. Thật may, Đại tá Diệp Xuân Cung đã nghỉ hưu nhưng vẫn ở lại Kon Tum. Bởi vậy, mỗi khi gặp lại, “đôi bạn già” lại hàn huyên không dứt.

Đại tá Diệp Xuân Cung (bên trái) và ông Bun Thoong trong một lần gặp lại. Ảnh: Trúc Hà

Hơn 43 năm trước, khi sang Việt Nam lánh nạn, ông Bun Thoong đã mang theo vợ. Và trong thời gian lưu lại Việt Nam, cậu con trai của vợ chồng ông đã chào đời trên đất Việt Nam. Một ngày, ông Bun Thoong đã nói với người lính CANDVT Phan Thái Vân rằng: “Nếu tôi có mệnh hệ gì, nhất định anh phải nuôi cháu”. Nhưng nhờ sự che chở, giúp đỡ của nhân dân và những người lính CANDVT Việt Nam, gia đình ông Bun Thoong đã an toàn và trở về Campuchia.

Cán bộ Phan Thái Vân sau này trở thành Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum, rồi Phó Cục trưởng Cục Trinh sát BĐBP. “Cậu bé” ngày ấy được cha “gửi gắm” cho BĐBP Việt Nam phòng khi bất trắc giờ đã trưởng thành và giữ chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri, Phó Chủ tịch Đảng CPP. Cũng như cha, Tỉnh trưởng Thoong Sa Voun luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất cho Việt Nam, bởi đâu là nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình thì đích thị đó là quê hương. Và thật xúc động khi biết rằng, cái tên Thoong Sa Voun với chữ “Voun” phát âm theo tiếng Việt là “Vân” như một lời nhắc nhở về mối ân tình với BĐBP Việt Nam và người lính Biên phòng Phan Thái Vân.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/an-tinh-nay-se-mai-khong-bao-gio-quen/