Ân tình sau những ca phẫu thuật tìm lại ánh sáng

Sau mỗi ca phẫu thuật mắt căng thẳng, niềm vui của mỗi y, bác sĩ chỉ thực sự đến khi người bệnh...

Bác sĩ Cung bên bệnh nhân người Lào sau cuộc phẫu thuật thành công

Đôi mắt Việt - Lào

Với 20 năm gắn bó với nghề, BS. Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Kết giác mạc, BV Mắt T.Ư không nhớ nổi mình cùng các đồng nghiệp đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật mắt giúp bệnh nhân tìm lại được ánh sáng. Trong câu chuyện với PV Báo Giao thông, BS. Cung cho hay, trong số các ca bệnh, không ít trường hợp ngay cả người bệnh khi tìm đến cũng không đặt nhiều hi vọng. Thế rồi cứ từ bất ngờ này sang đến bất ngờ khác.

Lục lại tập thông tin bệnh nhân, ông Cung nhắc lại một ca bệnh mà ông rất ấn tượng và đặt tên “đôi mắt Việt - Lào”. Theo lời ông Cung, đó là một bệnh nhân người Lào rất yêu Việt Nam. Năm 1985, bệnh nhân này đã từng sang Việt Nam học kinh tế tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sau 5 năm, về nước, anh làm tại Bộ Công thương Lào. Cách đây 10 năm, mắt trái của anh bị đục thủy tinh thể sau một tai nạn chấn thương mắt, anh đã được mổ lấy thể thủy tinh đục và đặt thể thủy tinh nhân tạo. Ca mổ không thành công nên giác mạc mắt trái của anh bị đục dần gây đau nhức và mất thị lực. Dù đã thăm khám và chữa ở nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả. “Có lẽ vì cơ duyên mà tôi gặp anh trong một lần anh đến khám tại BV Mắt T.Ư, tôi đã nhận phẫu thuật và hẹn anh khi nào có người hiến tặng giác mạc. Cũng vì cơ duyên mà sau đó ít ngày có một người Việt Nam đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Ca phẫu thuật của bệnh nhân dù rất khó nhưng đã thành công ngoài mong đợi”, BS. Cung nhớ lại.

Đó là một phẫu thuật phức tạp vì sau khi khoan bỏ giác mạc bị đục, kíp mổ bất ngờ phát hiện thể thủy tinh nhân tạo ở lần mổ trước bị lệch nên buộc phải lấy ra và treo thể thủy tinh khác phối hợp với ghép giác mạc. Ngày tháo băng mắt và nhìn lại được, bệnh nhân người Lào đã xúc động và nói một câu tiếng Việt khá chuẩn: “Cảm ơn bác sỹ, cảm ơn Việt Nam và Bệnh viện Mắt T.Ư đã cho tôi con mắt sáng”. “Câu cảm ơn đầy xúc động của bệnh nhân như tiếp thêm động lực cho chúng tôi sau những ca phẫu thuật căng thẳng”, ông Cung chia sẻ.

Với những bác sĩ nhiều năm gắn bó với công việc mang lại ánh sáng cho người bệnh, mỗi ca bệnh thành công là một niềm hạnh phúc. Tuy vậy, không phải tất cả các ca bệnh đều thành công nhưng với bất cứ ca phẫu thuật nào dù dễ hay khó cũng là đều nhận sự hết lòng, tận tâm của đội ngũ y bác sĩ. “Bên cạnh niềm vui từ lời cảm ơn thì vẫn còn những nỗi buồn khi lời trách móc từ bệnh nhân cho dù chúng tôi luôn cố gắng hết sức nhưng lực bất tòng tâm”, BS. Cung cho hay.

Trăn trở tìm ánh sáng cho người bệnh

Thở phào sau 10 ca phẫu thuật thủy tinh thể và ghép giác mạc của một ngày được cho là ít tất bật, BS. Lê Xuân Cung chia sẻ, mỗi ca phẫu thuật đục thủy tinh thể có khi chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 10-20 phút, nhưng cũng có những ca ghép giác mạc kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Nhưng dù là phẫu thuật nào thì với những người “mang lại ánh sáng” như anh và các đồng nghiệp đều nhiều áp lực và trăn trở.

Điều khiến các anh trăn trở là rất khó lượng được kết quả cuộc phẫu thuật đó có mang lại ánh sáng cho người bệnh hay không. Bởi tổn thương không chỉ đơn thuần nằm ở giác mạc, đáy mắt mà còn có thể ở chi thần kinh hoặc nằm ở thị giác vỏ não… đòi hỏi kỹ thuật cao mới xác định được.

“Vì những lý do nêu trên, có trường hợp dù ca mổ thành công nhưng bệnh nhân vẫn không thể thấy được ánh sáng. Trong khi mục đích cuối cùng của bệnh nhân khi tìm đến bác sĩ là mong muốn tìm lại ánh sáng. Chính vì điều này nên với chúng tôi, mỗi ca phẫu thuật đều chất chứa nhiều trăn trở. Với chúng tôi, cuộc phẫu thuật thành công chưa phải là kết quả cuối cùng. Nó chỉ thực sự thành công khi sau khám lại, bệnh nhân mở băng mắt và thấy được ánh sáng”, ông Cung chia sẻ.

Hơn nữa, phẫu thuật trong nhãn khoa hầu hết là vi phẫu, đòi hỏi người thực hiện phải tập trung cao độ, thao tác rất chính xác. Nếu chỉ trượt đi khoảng 1 - 2mm có thể biến chứng. Chính vì vậy, mỗi ca phẫu thuật đều hết sức căng thẳng. Không ít ngày các bác sĩ rời BV với đôi tay, đôi chân và đôi mắt rã rời vì những ca phẫu thuật liên miên, nối tiếp nhau.

“Ngoài ra còn những lo lắng sau hậu phẫu. Bởi, nhiều bệnh nhân không hiểu rằng việc chăm sóc sau phẫu thuật mắt là vô cùng quan trọng. Nhiều bệnh nhân thấy sáng rồi không còn quan tâm tới việc chăm sóc mắt, không nghe theo dặn dò của bác sĩ làm hỏng đi thành quả, công sức của cả đội ngũ y, bác sĩ và hơn cả là phí phạm nguồn giác mạc hiến quý hiếm... Đây là nỗi lo của bác sĩ chúng tôi. Mình kỳ vọng vào bệnh nhân có được ánh sáng mà bệnh nhân không giữ được là điều rất đáng tiếc”, BS. Cung cho hay.

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/an-tinh-sau-nhung-ca-phau-thuat-tim-lai-anh-sang-d279074.html