An toàn cho du khách

Thông tin có thêm 2 nạn nhân của vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại 1 khách sạn được đại diện lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ giữa UBND TP này với các cơ quan báo chí trên địa bàn vào chiều 28/9, khiến dư luận bất ngờ.

Khách sạn Hilary 128 đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), nơi xảy ra vụ nghi ngộ độc, nhiễm độc làm 3 người tử vong.

Tổng cộng, đã có 7 nạn nhân (trong đó 3 nạn nhân tử vong) với các triệu chứng giống nhau và cùng nhập viện trong ngày 15/9, cho thấy có gì đó rất không thường trong vụ nghi ngộ độc và nhiễm độc nghiêm trọng. Mục tiêu đón 7,5 triệu lượt du khách trong năm 2018 và trên 9 triệu du khách vào năm 2020 của Đà Nẵng chỉ có thể khả thi trong điều kiện an toàn cho du khách - đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm ở mức cao nhất.

Cùng với công bố thêm 2 nạn nhân của vụ nghi ngộ độc và nhiễm độc, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng công khai địa chỉ mà các nạn nhân lưu trú, đó là khách sạn Hilary ở số 128 đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà đồng thời cho biết, trước khi xảy ra vụ nghi ngộ độc và nhiễm độc, khách sạn có thuê Công ty TNHH MTV Bích Trâm Oanh ở số 467 A đường Trưng Nữ Vương phun thuốc diệt côn trùng (ruồi, muỗi, kiến, gián).

Thông tin này được báo chí đặc biệt quan tâm bởi đây có thể là nguyên nhân khiến 7 nạn nhân lưu trú tại khách sạn Hilary phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và 3 người (trong đó có 2 trẻ em đã tử vong). Tuy nhiên, ngày 30/9 phóng viên báo Đại Đoàn Kết tìm đến địa chỉ nêu trên thì được người dân khẳng định, số nhà này không có thực. Đường Trưng Nữ Vương chỉ có duy nhất 1 số nhà 467 nhưng là cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại di động, không phải là trụ sở Công ty TNHH MTV Bích Trâm Oanh. Sau khi xảy ra vụ việc khiến 7 người nhập viện, khách sạn Hilary đã dán thông báo “ngừng đón khách để sửa chữa”.

Chia sẻ những thông tin cần thiết với báo chí, đại diện lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận cả 3 vụ nghi ngộ độc, nhiễm độc ở Đà Nẵng đang được dư luận hết sức quan tâm, đều có những triệu chứng ban đầu giống ngộ độc thực phẩm. Tất cả các nạn nhân đều được đưa vào các bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong cùng một thời điểm là ngày 15/9. Tất cả 7 nạn nhân cùng lưu trú tại dãy phòng liền kề là 202, 203, 204 của khách sạn Hilary.

Ghi nhận ban đầu từ cơ quan đầu của cơ quan công an khá trùng khớp với lời kể của 1 trong 7 nạn nhân là anh Đăng Ngọc Van (29 tuổi, quê ở Diễn Châu, Nghệ An). Sau 1 tuần cấp cứu (kể từ ngày 15/9) chiều tối 22/9, anh Đặng Ngọc Vạn đã hồi tỉnh, kể với người thân: Thời điểm gia đình anh cùng đoàn khách làm cùng công ty bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đến nghỉ ở khách sạn thì thấy một số phòng có dán thông báo đang phun thuốc diệt côn trùng. Rạng sáng 16/9 anh Vạn cùng vợ và con trai 4 tuổi được đưa vào cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng với các triệu chứng ban đầu, nghi là ngộ độc thực phẩm. Vợ và con trai 4 tuổi của anh Đặng Ngọc Vạn đã tử vong tại bệnh viện.

Cùng thời điểm, 1 cháu trai 4 tuổi khác (trú tại quận Liên Chiểu), cùng bà nội và cha ruột lưu trú ở khách sạn nói trên cũng bị các triệu chứng tương tự, được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Cùng thời điểm, 1 đôi nam nữ là PTHN và ĐBM thuê phòng 202 của khách sạn Hilary lưu trú cũng phải nhập viện với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.

1 năm trước, trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đối với 46 du khách. Trong các ngày 29 và 30/7/2017, cùng lúc có 46 du khách Lào (42 người lớn, 4 trẻ nhỏ) được đưa vào cấp cứu tại một bênh viện của TP Đà Nẵng với cùng triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Tất cả các nạn nhân sau khi được cấp cứu và điều trị, đã xuất viện vào ngày 31/7. Kết quả xét nghiệm được công bố nhanh chóng, cho thấy 46 nạn nhân đều bị ngộ độc thức ăn qua đường tiêu hóa do trước đó đã cùng ăn uống tại một nhà hàng. Cùng thời điểm này 1 năm trước, Đà Nẵng cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 9 du khách đến từ Quảng Ninh...

Với tiêu chí “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội), Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với mật độ khá dày trong 2 năm qua là những điều mà chính quyền mà người dân Đà Nẵng không hề mong đợi. Dù thực hiện đầy đủ, thường xuyên công tác quản lý, giám sát thì vẫn không tránh khỏi những “lỗ hổng” về an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Sau 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn vào năm 2017, TP Đà Nẵng đã công bố 2 số điện thoại nóng (0935 207 237 và 02363 816 838) về an toàn vệ sinh thực phẩm đến người dân – đặc biệt là với mọi du khách đến TP này. Cơ quan chức năng của TP cũng khuyến cáo du khách nên tỉnh táo chọn lựa các quán ăn, nhà hàng đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể nói, an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách đang là một trong những vấn đề bức bách của nhiều địa phương. Đáng tiếc, đến hôm nay (15 ngày sau khi xảy ra vụ nghi ngộ độc và nhiễm độc khiến 3 người tử vong tại khách sạn Hilary), cơ quan chức năng của Đà Nẵng vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ việc đau lòng. Thường thì sau mỗi vụ ngộ độc hoặc nhiễm độc tập thể, việc cơ quan có trách nhiệm sớm đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân, sẽ giúp người dân và du khách yên tâm. Ngược lại, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh - đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, lữ hành, lưu trú ở những địa phương có thế mạnh về du lich như Đà Nẵng.

Dương Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/an-toan-cho-du-khach-tintuc418578