An toàn giao thông - kinh nghiệm từ Kon Tum

Từ năm 2015 đến nay, UBMTTQ tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Đặc biệt, thông qua các già làng, trưởng bản, người uy tín, các chức sắc, chức việc việc tuyên truyền nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật cho người dân, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc ngày càng có hiệu quả.

Tuyên truyền cho người dân về ATGT trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh: Văn Tư.

Ông Bùi Duy Chung, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kon Tum cho biết: Kon Tum xác định nhiều nguyên nhân gây tai nạn giao thông trên địa bàn nhưng có 2 nguyên nhân chính là sự lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Tuy nhiên, bước sang năm 2015 sau khi xác định được nguyên nhân, UBMTTQ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã tập trung cho công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt hướng tới các thanh thiếu niên trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa am hiểu nhiều về pháp luật.

Theo ông Chung, phong tục uống rượu trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay chưa giảm, tiềm ẩn những nguy cơ to lớn khi tham gia giao thông. Vì thế, Mặt trận Kon Tum đã phối hợp với già làng, người tiêu biểu, các chức sắc tôn giáo, những người có tiếng nói đối với cộng đồng, KDC để phối hợp tuyên truyền. Ngoài ra, UBMTTQ tỉnh cũng phối hợp với ngành Công an cung cấp các kiến thức về pháp luật để nhân dân biết được các khung hình phạt nếu vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, lạm dụng rượu bia, vượt tốc độ, lạng lách, đánh võng…

“Tuy nhiên, ngoài tuyên truyền, vận động, cần phải có chế tài xử lý, có thể bằng pháp luật nếu đủ điều kiện truy tố trước pháp luật hoặc xử lý bằng hương ước, quy ước của buôn, làng. Đối với cấp ủy cũng phải đưa vào các tiêu chí thi đua, đặc biệt phải phân loại theo các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, gia đình đảng viên, cán bộ chủ chốt. Nếu tổ chức đó, Đảng viên đó, cán bộ chủ chốt đó vi phạm ATGT thì sẽ bị công bố công khai vào mỗi dịp cuối năm. Việc này cần phải làm nghiêm túc, khách quan và không ưu ái bất cứ trường hợp ngoại lệ nào”, ông Bùi Duy Chung khẳng định.

Ngoài những giải pháp đồng bộ, Kon Tum cũng thực hiện các mô hình điểm để từ đó nhân rộng ra cộng đồng, tỉnh đã xây dựng 10 mô hình điểm về đảm bảo ATGT tại 10 huyện bằng ngân sách tỉnh. Dựa vào đó mỗi huyện cũng tự dùng ngân sách của mình để tiếp tục nhân rộng thêm từ 1 – 2 mô hình nữa. Như vậy trên cơ sở các mô hình điểm của Trung ương, mô hình điểm của tỉnh, huyện đã có tác động lan tỏa, tạo nhiều điểm sáng để giúp cộng đồng từng bước nâng cao nhận thức, sống và làm việc theo đúng pháp luật.

Theo ông Chung, đối với những trường hợp vi phạm ATGT trên địa bàn, MTTQ tỉnh Kon Tum phân ra nhiều mức. Mức thứ nhất nếu vi phạm pháp luật thì đã có pháp luật quy định và công an sẽ xử lý theo quy định. Mức thứ hai nếu chưa xử lý theo pháp luật thì phải xử lý bằng quy ước, hương ước thông qua những nội dung cụ thể được niêm yết công khai tại nhà rông, KDC.

Ví dụ, đối với những người không đội mũ bảo hiểm mà pháp luật chưa xử lý được sẽ phạt 10.000 đồng. Nếu uống rượu bia mà công an không phát hiện ra nhưng nhân dân phát hiện, tố giác thì sẽ bị phạt từ 20 – 30 nghìn.

“Tất cả số tiền này sẽ được Trưởng Ban Công tác Mặt trận tập hợp thành một nguồn quỹ để khen thưởng lại những gia đình hàng năm không vi phạm giao thông nổi trội trên địa bàn”, ông Bùi Duy Chung khẳng định.

Về việc tuyên truyền cho người dân không được ném đất đá vào ô tô, tàu hỏa, người đi đường khi tham gia giao thông, MTTQ khảo sát và lên danh sách tất cả các em học sinh trên địa bàn có nguy cơ cao như các em có việc làm không ổn định, những em không chịu đi học, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… để phân công cho các tổ chức đoàn thể theo dõi từ đó có biện pháp tuyên truyền.

“Chúng tôi đã truyền tải những thông điệp trên cho tất cả các em học sinh thông qua nhà trường, đoàn thanh niên… để cảnh báo. Ngoài tuyên truyền, các tổ tự quản cũng thay nhau tuần tra, canh gác ở những địa bàn trọng điểm. Trong quá trình tuần tra nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ sẽ báo cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý” - ông Bùi Duy Chung khẳng định.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kon Tum, để giảm thiểu tai nạn giao thông, ngoài tuyên truyền miệng, cần tăng cường biện pháp tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bằng hình ảnh thông qua các phóng sự về các tai nạn giao thông trên toàn quốc để các tỉnh lấy đó làm tư liệu tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức cho người dân.

Nhã Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/an-toan-giao-thong---kinh-nghiem-tu-kon-tum/86938