Án tù chung thân dành cho 'bố già' giết phóng viên ở Ấn Độ

Chhota Rajan, một trong những trùm băng đảng khét tiếng nhất ở Ấn Độ bị tòa tuyên án chung thân vì đã ra lệnh giết chết phóng viên Jyotirmoy Dey năm 2011 tại Mumbai.

Bản án tù chung thân được coi là nhẹ đối với Chhota Rajan, một trong những trùm băng đảng khét tiếng nhất ở Ấn Độ. Bởi Chhota Rajan có tên thật là Rajendra Sadashiv Nikalje, bị cáo buộc có liên quan đến ít nhất 17 vụ giết người, tống tiền và buôn bán ma túy.

Tại phiên tòa hôm 2-5 ở Mumbai, Ấn Độ, cùng bị xét xử với Chhota Rajan còn có 8 tên đàn em của hắn. Và tên này bị tòa tuyên án chung thân vì đã ra lệnh giết chết phóng viên Jyotirmoy Dey, người chuyên viết điều tra năm 2011 tại Mumbai.

Theo giới truyền thông, tính đến nay vẫn còn 1 nghi phạm đang bị cảnh sát truy lùng, còn 1 tên đã chết năm 2015. Theo tài liệu tại tòa, 4 đàn em của Chhota Rajan đã vừa phóng xe máy vừa nổ súng bắn chết phóng viên Jyotirmoy Dey, người có bút danh J Dey, là một trong những phóng viên hàng đầu về mảng pháp luật ở thành phố Mumbai.

Ông Jyotirmoy Dey là tác giả của nhiều bài báo về thế giới ngầm trong thành phố, cùng những tên tội phạm khét tiếng, trong đó có Chhota Rajan. Sau cái chết của ông Jyotirmoy Dey, các phóng viên ở Mumbai đã tổ chức tuần hành phản đối, kêu gọi chính phủ Ấn Độ phải tăng cường các biện pháp bảo vệ cho họ.

Cảnh sát áp giải Chhota Rajan để thẩm vấn tại Bali, Indonesia.

Theo hồ sơ của Interpol, Rajendra Sadashiv Nikalje bị truy nã từ năm 1995 với nhiều tội danh, trong đó có giết người, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.

Được biết, sau khi “lấy số má” ở Mumbai, Ấn Độ, Chhota Rajan phải đào tẩu ra nước ngoài để trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát và truy sát của đối thủ.

Giới truyền thông đưa tin, Chhota Rajan còn có biệt danh là Little Rajan, sinh ra và lớn lên ở thành phố Mumbai, từng tham gia vào các vụ phạm tội nhỏ lẻ khi còn trẻ trước khi trở thành tay anh chị cộm cán.

Được biết, chỉ mất 2 năm, Rajendra Sadashiv Nikalje đã leo lên vị trí số 2 và trở thành “cánh tay phải” của bố già Bada Rajan. Nên sau khi Bada Rajan bị bắn chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát năm 1983, Rajendra Sadashiv Nikalje nghiễm nhiên trở thành ông trùm của băng nhóm này.

Trong thập niên 1980 và 1990, cảnh sát Mumbai nói riêng và Ấn Độ nói chung đã phải vất vả trong việc trấn áp tội phạm băng đảng. Và việc này đã khiến Rajendra Sadashiv Nikalje phải thường xuyên lẩn trốn.

Chhota Rajan không những phải trốn tránh sự truy bắt của cảnh sát, mà còn phải đề phòng việc truy sát của Dawood - đối thủ mạnh nhất trong thế giới ngầm ở Ấn Độ.

Do đó, thông tin về vụ bắt giữ Chhota Rajan ở Indonesia lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo hãng BBC, sau khi bị dẫn độ từ Indonesia về nước hồi cuối năm 2015, mãi tới hôm 2-5, Chhota Rajan cùng đàn em mới bị tòa tuyên án.

Rajendra Sadashiv Nikalje khi bị cảnh sát bắt.

“Do số hộ chiếu của hắn nằm trong truy nã đỏ của Interpol và dựa trên đặc điểm khuôn mặt, chúng tôi tin rằng hắn chính là Rajendra Sadashiv Nikalje”, ông Heri Wiyanto, người phát ngôn của Cảnh sát Bali, Indonesia cho biết hôm 26-10-2015.

Tại cuộc họp báo hôm 26-10-2015, ông Heri Wiyanto cho biết, nghi phạm không hề kháng cự khi bị bắt hôm 25-10-2015.

Được biết, Chhota Rajan bị bắt tại sân bay trên đảo Bali của Indonesia sau 20 năm lẩn trốn, khi hắn đáp máy bay từ thành phố Sydney của Australia xuống sân bay quốc tế Denpasar trên đảo Bali.

Ông Heri Wiyanto cho biết, Interpol và cảnh sát Australia trước đó đã thông báo cho nhà chức trách Indonesia về hành tung của Chhota Rajan nên họ quyết định động thủ khi hắn nhập cảnh vào nước này.

Khi đó Chhota Rajan sử dụng hộ chiếu Ấn Độ, nhưng mang tên Mohan Kumar. Tuy bị bắt và thẩm vấn, nhưng Chhota Rajan không thừa nhận hắn là Rajendra Sadashiv Nikalje, luôn tuyên bố mình là Mohan Kumar.

Theo cảnh sát Bali cho biết, cảnh sát Australia xác nhận, Rajendra Sadashiv Nikalje đã lẩn trốn tại nước này 7 năm, sau khi ẩn náu ở Zimbabwe một thời gian dài.

*Ngày 2-5, tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có 44 nhà báo tại 18 quốc gia bị sát hại trên thế giới, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

PEC đã kêu gọi phải tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng cho nhà báo như tiến hành các cuộc điều tra độc lập, kết hợp với những cuộc điều tra khác để đưa thủ phạm sát hại nhà báo ra xét xử.

Theo thống kê của PEC, Afghanistan là quốc gia đứng đầu danh sách những nước nguy hiểm nhất đối với nhà báo khi có tới 11 người bị sát hại. Tiếp đó là Mexico và Syria - mỗi nước có 4 nhà báo thiệt mạng. Sau đó là Ecuador, Ấn Độ và Yemen - mỗi nước có 3 nhà báo bị sát hại.

Đứng thứ 4 “bảng tử thần” là Brazil, Dải Gaza, Guatemala và Pakistan - mỗi nước và vùng lãnh thổ có 2 nhà báo bị chết. Còn tại Colombia, Haiti, Iraq, Liberia, Nicaragua, Nga, El Salvador và Slovakia, mỗi nước có 1 nhà báo bị sát hại.

Trịnh Huyền My

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/an-tu-chung-than-danh-cho-bo-gia-giet-phong-vien-o-an-do-490429/