Ấn tượng chương trình nghệ thuật truyền thống

Tiết mục bài chòi Tiễn anh lên đường do Minh Thư và Hoàng Long biểu diễn. Ảnh: THIÊN LÝ

Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022), tại Bảo tàng tỉnh, các câu lạc bộ (CLB) tuồng, dân ca bài chòi, hò bả trạo, đờn ca tài tử của tỉnh cùng biểu diễn phục vụ khán giả nhiều tiết mục nghệ thuật đặc trưng của Phú Yên.

Chương trình nhận được sự quam tâm của nhiều người mộ điệu, giúp họ có cơ hội tìm hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng.

Đa dạng loại hình nghệ thuật

Trong hai đêm diễn (18-19/8), các nghệ sĩ, nghệ nhân “cây nhà lá vườn” đã trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống với các tiết mục đặc sắc như: Núi Miếu kiên trung, Tiễn anh lên đường, Nhớ mẹ (bài chòi); Lang châu lý ân (bài chòi cổ), Ngũ hổ bình Tây, Mộc Quế Anh bắn nhạn (trích đoạn tuồng); Anh hiệu bài chòi (ca cảnh bài chòi); Một góc quê em (vọng cổ)...

Qua đó, người dân địa phương và du khách không chỉ được đắm mình trong không gian nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc nói chung, Phú Yên nói riêng, mà còn được trải nghiệm văn hóa vùng miền qua các loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Dưới ánh đèn sân khấu, anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian An Phú (TP Tuy Hòa) đã thể hiện khả năng hô hát sâu lắng qua làn điệu bài chòi cổ Lang châu lý ân. “Là người đam mê nghệ thuật truyền thống, tôi mong muốn có thể góp một chút công sức góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật bài chòi. Đây là cơ hội để những người như tôi có thể đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với mọi người, nhất là giúp các bạn trẻ tiếp cận và hiểu hơn về nét đẹp văn hóa mà cha ông ta đã sáng tạo, gìn giữ từ bao đời nay”, anh Vinh bộc bạch.

Hai đêm diễn ra chương trình nghệ thuật truyền thống tại Bảo tàng tỉnh, bà Nguyễn Thị Lan ở phường 7 (TP Tuy Hòa) đều đến để xem. “Hàng ngày, công việc của tôi khá bận rộn nên cũng ít khi được đi xem hát. Tối tối, gia đình đi dạo phố, nghe tiếng đàn tiếng hát nên vào xem diễn. Đến đây vừa ngồi hóng mát, gặp gỡ trò chuyện với mọi người vừa được xem hát thì quá tuyệt vời”, bà Lan chia sẻ.

Nhiều du khách cũng phản hồi tích cực với hình thức nghệ thuật này. “Lâu lắm rồi tôi mới được xem diễn tuồng. Cuộc sống gấp gáp, nhiều người không có thời gian để xem hết một vở diễn của sân khấu truyền thống. Việc đưa các trích đoạn diễn trong thời gian ngắn như thế này rất phù hợp với khách du lịch như tôi”, chị Nguyễn Thị Hường - du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ngay cả những vị khách nước ngoài cũng chăm chú theo dõi các đêm diễn. Có thể họ không hiểu được ngôn ngữ, nhưng qua âm nhạc và kỹ năng biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên, họ vẫn cảm nhận được cái hồn của vở diễn và dành tặng nhiều khen ngợi.

Khơi gợi ý thức, trách nhiệm của người trẻ

Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Chương trình nghệ thuật truyền thống là hoạt động kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022). Chương trình được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống và giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Chương trình nghệ thuật truyền thống là hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022). Chương trình được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống và giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An

“Là người tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật truyền thống, tôi rất vui khi thấy khán giả đến với chương trình bằng cái tâm và sự đam mê của mình. Nghệ thuật truyền thống như tuồng, bài chòi, đờn ca tài tử… là những sáng tạo vô cùng độc đáo của cha ông chúng ta, rất gần gũi, chan hòa với tình cảm con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ hôm nay phải có nghĩa vụ giữ gìn và phát huy”, anh Hữu Nghĩa (TP Tuy Hòa) chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu An, từ nay đến cuối năm, Bảo tàng tỉnh đã có kế hoạch tổ chức chương trình nghệ thuật truyền thống nhân các dịp như: Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa 28/8; kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9; giỗ Tổ Sân khấu 12/8 âm lịch; kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Phú Yên 5/10; kỷ niệm ngày Di sản văn hóa 23/11; kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam 20/12 và 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12.

“Chuỗi tiết mục nghệ thuật truyền thống đã và đang tiếp tục biểu diễn tại Bảo tàng tỉnh, một lần nữa góp phần khẳng định Bảo tàng tỉnh - không gian văn hóa, địa chỉ đỏ để khán giả Phú Yên và quốc tế thưởng thức các chương trình nghệ thuật do các CLB tuồng, dân ca bài chòi, hò bả trạo, đờn ca tài tử của tỉnh biểu diễn. Từ nghệ thuật biểu diễn, khán giả trong nước và quốc tế sẽ hiểu sâu sắc hơn, trân trọng hơn những tinh hoa văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các thế hệ đã tích tụ, bồi đắp theo chiều dài lịch sử dân tộc”, ông An nhấn mạnh.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/283209/an-tuong-chuong-trinh-nghe-thuat-truyen-thong.html