Ấn tượng Điện Biên

Những ngày tháng 5 lịch sử, những hội viên Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc tuyến quốc lộ 6 có dịp lên với Điện Biên, nơi 68 năm trước, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, tỉnh Điện Biên đang có nhiều chương trình đầu tư cho phát triển du lịch của địa phương.

Cán bộ, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc quốc lộ 6 nghe giới thiệu bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Nghĩa trang liệt sỹ A1 linh thiêng, trầm mặc. Đây là một trong ba nghĩa trang cấp Quốc gia của tỉnh Điện Biên, nơi an nghỉ của 644 Anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ; là một địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến với Điện Biên. Thời gian trôi qua, Nghĩa trang liệt sỹ A1 là chứng nhân lịch sử nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi công lao các Anh hùng liệt sĩ, phát huy truyền thống cách mạng bất khuất, anh dũng của cha ông để phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Học sinh Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, thành phố Điện Biên Phủ dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Nghĩa trang liệt sỹ A1.

Hòa trong dòng người đến Nghĩa trang liệt sỹ A1, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng đến từ thành phố Bắc Giang, xúc động: Từ rất lâu rồi, tôi luôn mong muốn có một lần được đến Điện Biên và hôm nay đã thực hiện được. Từng là người lính tham gia giải phóng miền Nam, cảm nhận được sự hy sinh của các anh, các bác nên khi đến đây, tôi rất xúc động. Tuy đã là cựu chiến binh cao tuổi, nhưng tôi vẫn tiếp tục phấn đấu để cống hiến cho nhân dân, đất nước, làm gương cho con cháu học tập noi theo.

Đối diện Nghĩa trang liệt sỹ A1 là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không chỉ là nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đây còn có bức tranh toàn cảnh (panorama), tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm hoàn thành vào đúng dịp Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m². Với 4 trường đoạn lịch sử được phân tách theo chủ đề: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử”, “Chiến thắng Điện Biên”, bức tranh tái hiện đầy đủ, sinh động chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Đây là một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng và được coi là tài sản vô giá, lưu lại những giá trị về lịch sử và truyền thống cho các thế hệ mai sau, là điểm nhấn mới cho du lịch Điện Biên. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi hàng ngày có hàng nghìn du khách đến tham quan.

Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Say sưa tìm hiểu, khám phá bức tranh, chị Phan Ngọc Hà, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Hoành tráng, kỳ vĩ và đầy cảm xúc tự hào, đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi đứng trước kiệt tác nghệ thuật này. Bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ giúp người xem cảm thụ nghệ thuật đơn thuần mà còn giúp tôi thấy được những hi sinh gian khổ của ông cha ta để thế hệ con cháu có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Phải có nhiều thời gian mới có thể tìm hiểu hết những điểm di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Điện Biên. Bởi Điện Biên có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch văn hóa lịch sử, trong đó, nổi bật nhất là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ (đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri… Đây là những chứng tích với rất nhiều câu chuyện của một thời đạn bom, khói lửa khốc liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng, oanh liệt của cha ông ta.

ĐVTN nghe giới thiệu bức tranh panorama tại hiện toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, Điện Biên hiện có 29 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt là “Chiến trường Điện Biên Phủ”; 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 14 di tích được xếp hạng cấp tỉnh), có 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điện Biên còn có tiềm năng lớn về hệ sinh thái rừng, sông, suối, hang động, hồ nước, nước khoáng… thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng. Cùng với đó là những nét truyền thống văn hóa đặc sắc, độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, gắn liền với nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội hoa ban, lễ hội Thành Bản Phủ, lễ hội Đua thuyền tại thị xã Mường Lay... những người dân hiền hòa, hiếu khách, là sức hút đối với du khách khi đến với với vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ.

Tại Hội thảo với chủ đề “Báo chí tuyên truyền phục hồi, phát triển du lịch” do Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc Quốc lộ 6 tổ chức tại thành phố Điện Biên Phủ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Điện Biên, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chất để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng Điện Biên trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới Quốc gia.

Du khách tham quan đồi A1.

Tin rằng, một chiến lược phát triển lâu dài sẽ từng bước đưa Điện Biên trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc, góp phần đưa hình ảnh du lịch Điện Biên ngày càng đậm nét trên bản đồ du lịch của cả nước.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/an-tuong-dien-bien-50158