Ấn tượng Dũng 'máy soi'

Với thâm niên hơn 40 năm công tác trong ngành Hải quan, anh Nguyễn Văn Dũng có đến 26 năm làm nhiệm vụ phân tích hình ảnh máy soi hàng hóa, giúp cơ quan Hải quan bắt giữ nhiều lô hàng cấm. Mọi người thường gọi anh với cái tên thân mật Dũng 'máy soi'.

Anh Nguyễn Văn Dũng phân tích hình ảnh qua máy soi. Ảnh: T.h

“Nội soi” container, ra… hàng cấm

Cuối năm 2016, thông tin Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ hơn 2 tấn ngà voi nhập lậu từ Mozambiqe (châu Phi) về Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi vì, đây là lần đầu tiên cơ quan Hải quan phát hiện số lượng lớn ngà voi được cất giấu với thủ đoạn cực kỳ tinh vi trong ruột các khối gỗ nhập khẩu, nên đã tạo tiếng vang lớn. Là người trực tiếp tham gia phân tích hình ảnh từ máy soi, giúp cơ quan Hải quan phát hiện số ngà voi nhập lậu này, anh Nguyễn Văn Dũng nhớ lại: “Qua hình ảnh soi chiếu, các khối gỗ chứa trong container đều liền khối, thuộc loại gỗ thân to. Tuy nhiên, phân tích kỹ hình ảnh cho thấy một số khối gỗ phần đầu có mầu sậm hơn so với khúc giữa. Từ hình ảnh này, tôi đặt nghi vấn, phải chăng khối gỗ này không liền khối. Quả thật khi đục các khối gỗ kiểm tra mới thấy, sau khi nhét ngà voi vào ruột khối gỗ, các đối tượng dùng mạt cưa chêm chặt xung quanh các kẽ hở, tạo thành khối, nhằm tránh phát hiện qua máy soi”.

Từ kinh nghiệm bắt vụ ngà voi nêu trên, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin, các container gỗ nhập khẩu sau đó đều được soi chiếu, phân tích kỹ hình ảnh. Mặc dù các đối tượng liên tục thay đổi thủ đoạn cất giấu, nhưng qua công tác soi chiếu, phân tích hình ảnh, anh Dũng và các đồng nghiệp đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu bất thường từ các lô hàng gỗ, thùng phuy nhựa đường. Qua đó, Cục Hải quan TP.HCM đã liên tiếp bắt giữ 7 vụ vận chuyển trái phép ngà voi, thu giữ tang vật hơn 7 tấn ngà voi châu Phi.

Hàng chục vụ buôn lậu qua cảng Cát Lái do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện trong thời gian qua phần nhiều đều kết hợp từ hình ảnh phân tích từ máy soi container. Qua hình ảnh soi chiếu, anh Nguyễn Văn Dũng và các đồng nghiệp là những người phân tích, đưa ra thông tin nghi vấn, tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị ra những quyết định khám xét, phát hiện nhiều container chứa hàng lậu, hàng cấm được cất giấu hết sức tinh vi. Mới đây nhất, vụ cất giấu hơn 7 tấn vảy tê tê trong 2 container hàng hạt điều và gỗ nhập khẩu là ví dụ điển hình. Hai lô hàng này được các đối tượng khai báo hàng nhập khẩu là gỗ và hạt điều thô. Qua hình ảnh máy soi, cơ quan Hải quan phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên đã thực hiện khám xét, phát hiện trong 2 container chứa hơn 7 tấn vảy tê tê thuộc loài tê tê khổng lồ và tê tê đất. Hai loài này đều có tên trong Phụ lục I của Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã.

Hai lần được tuyên dương cá nhân tiêu biểu

Vào ngành Hải quan từ năm 1977, anh Nguyễn Văn Dũng được phân công làm việc tại Cục Hải quan TP.HCM. Năm 1992, sau khi tham gia khóa đào tạo của Hải quan Mỹ về kỹ thuật máy soi, anh được đơn vị phân công nhiệm vụ phân tích hình ảnh máy soi tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong những năm phụ trách máy soi tại đơn vị, qua phân tích hình ảnh nghi vấn, anh và các đồng nghiệp đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ cất giấu hàng lậu, hàng cấm trong hành lý của khách.

"Vụ bắt 18,1 kg heroin vận chuyển trái phép qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất năm 1996 để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Năm đó, vào tầm khoảng hơn 12 giờ trưa, một đôi vợ chồng trẻ, quốc tịch Bồ Đào Nha làm thủ tục nhập cảnh mang theo 2 kiện hành lý rất lớn. Khi đưa kiện hành lý qua máy soi, tôi phát hiện dấu hiệu bất thường từ đáy của 2 chiếc valy, có nhiều lớp với màu sắc không đồng nhất. Hai chiếc valy này đã bị tổ công tác của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra trọng điểm phát hiện có 18,1 kg heroin. Đây là vụ má túy lớn nhất được phát hiện qua đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại thời điểm đó", anh Dũng kể.

Chia sẻ kinh nghiệm về phân tích hình ảnh máy soi, anh Dũng tâm sự, “làm máy soi” muốn giỏi phải thực sự yêu nghề. Thủ đoạn cất giấu hàng lậu của các đối tượng rất tinh vi và luôn thay đổi sau khi bị phát hiện. Trên thực tế, không chỉ dựa vào hình ảnh đơn thuần trên màn hình mà có thể phỏng đoán được trong lô hàng có chứa hàng lậu, hàng cấm, mà phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn, phải học hỏi, đúc rút từ kinh nghiệm từ việc soi chiếu từng mặt hàng. Bởi vì, trên thực tế hình ảnh soi chiếu nhiều mặt hàng khá giống nhau, như: Hình ảnh cục lạnh của máy lạnh và hình ảnh của cây đàn organ khá giống nhau, các mặt hàng đồ chơi điện tử cũng thế…

Với những thành tích trong công tác chống buôn lậu, anh Nguyễn Văn Dũng đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý. 2 lần anh được nhận danh hiệu thi đua: Công nhân viên chức lao động tiêu biểu của TP.HCM năm 2001 và Cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu của TP.HCM năm 2016. Ngoài ra, anh còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1996; Bằng khen của Tổng cục Hải quan vào các năm 1996, 1997; Bằng khen của Bộ Tài chính, Bằng khen, của UBND TP.HCM… và nhiều Giấy khen của Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/an-tuong-dung-may-soi.aspx