Ấn tượng Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Tây Bắc

Các nghệ nhân, diễn viên đã trình diễn hết mình, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, góp phần tạo nên sự thành công của Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV tổ chức tại Sơn La.

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV tổ chức tại Sơn La, sự kiện "Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Tây Bắc" diễn ra trong 2 ngày 19 -20/8 . Chương trình thu hút đông đảo diễn viên nghệ thuật quần chúng, nghệ nhân các tỉnh Tây Bắc tham gia, cổ vũ.

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV tổ chức tại Sơn La, sự kiện "Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Tây Bắc" diễn ra trong 2 ngày 19 -20/8 . Chương trình thu hút đông đảo diễn viên nghệ thuật quần chúng, nghệ nhân các tỉnh Tây Bắc tham gia, cổ vũ.

Một số lễ hội độc đáo được phụ dựng ngay trên sân khấu tỉnh Sơn La. Trong đó có Lễ hội Mạ ma của người Xinh Mun. Người Xinh Mun sống tập trung tại vùng núi cao thuộc tỉnh Sơn La. Vào mùa Xuân, đồng bào thường tổ chức Lễ hội Mạ ma thể hiện ước vọng trời yên vật thịnh và tài diễn xướng văn nghệ dân gian của dân tộc mình

Trung tâm lễ hội Mạ ma là cây hoa (xặng bok) tượng trưng cho cây đời. Để chuẩn bị cho cây hoa "xặng bok" là cả một quá trình công phu. Người chuẩn bị là thầy mo và những "con nuôi" là người ốm do thầy chữa khỏi cùng với người dân trong bản. Một cây tre cao khoảng 3m được chọn làm "thân" cây, cành lá, hoa quả trên cây là những hình chim, chuồn sóc... Ngoài ra còn có cá, xương cá, con ve... và các vật dụng người Xinh Mun sử dụng như ô dù, chống chỉ, trống gỗ, tàu voi, tàu ngựa, cày bừa... Xung quanh "xặng bok" là những bàn thờ cùng các mâm cúng với nhiều loại thức ăn.

Trong phần lễ, thầy mo cầu cúng xin cho con người sức khỏe, cộng đồng hòa thuận yên vui.

Chủ nhà thắp một cây nên dưới gốc cây hoa "xặng bok" cầu mong ấm no cho gia đình mình.

Thầy mo làm các thủ tục cầu mong cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng tốt tươi.

Các lễ vật được gia đình chuẩn bị cúng tế dưới gốc cây hoa "xặng bok". Điểm đặc biệt có 2 ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ tượng trưng cho hai gia đình nội ngoại. Với mục đích mời thần linh xuống ngự vào hai ngôi nhà này phù hộ cho gia định nội ngoại, dân bản được ấm no đủ đầy.

Vào phần hội, rất nhiều trò chơi được tổ chức như đấu kiếm, khỉ ăn chuối, trâu đằm, thằng ngốc... đặc biệt là "túc căn", "lạc gưa", "xòe họa" và "xòe tenh"... "túc căn" là đấu kiếm: hai người rút hai cần rượu cần, vờ làm kiếm xông vào đấu với nhau giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người cho đến khi kiếm gãy nát mới thôi. "Lạc gưa" là kéo thuyền, mọi người dùng dây mây, chia hai phe kéo nhau....

Các nmanf "xòe họa", "xòe tenh" cũng được thể hiện

Lễ hội Mạ ma là một trong những lễ hội mà những giá trị truyền thống từ lâu đời vẫn được đồng bào lưu giữ một cách chân thực, thể hiện vẻ đẹp tinh túy nhất về tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Xinh Mun.

Cũng tại ngày hội, đoàn Hòa Bình với lễ hội Đình Khiêng của đồng bào dân tộc Mường, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn.

Lễ cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường.

Thầy mo làm lễ cúng tế cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi không bị sâu bệnh.

Sau khi phần lễ kết thúc, đồng bào người dân tộc Mường bắt đầu vào phần hội với lễ đâm đuống cầu cho mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ.

Các tiết mục được các đoàn dàn dựng công phu, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc và được các diễn viên quần chúng thể hiện một cách sinh động.

Đặc biệt, phần trình diễn trang phục dân tộc, các thiếu nữ duyên dáng trong trang phục Thái, Mông, Lào, Mường, Dao, Si La, Lự, Thu Lao, Nùng Dín, Hà Nhì... giúp người xem cảm nhận rõ nét độc đáo, đặc trưng trên những nét hoa văn của từng trang phục, thể hiện bản sắc văn hóa, phản ánh sinh động giá trị đời sống vật chất và tinh thần của từng dân tộc.

Ở phần thi trích đoạn lễ hội, các đoàn đã mang đến những sắc màu văn hóa rất đặc sắc, độc đáo. Trong đó, đoàn Sơn La với nghi lễ "Mạng ma" - nghi lễ cầu sức khỏe của đồng bào Xinh Mun bản Tràng Nặm, xã Chiềng On (Yên Châu); đoàn Hòa Bình với lễ hội Đình Khiêng của đồng bào dân tộc Mường, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn; đoàn Lào Cai là lễ cấp sắc 3 đèn người Dao đỏ, xã Tòng Sành, Bát Xát; đoàn Điện Biên là lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản) của dân tộc Hà Nhì Lạ Mý, huyện Mường Nhé... đã để lại nhiều ấn tượng đối với Ban giám khảo và khán giả.

Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV kéo dài đến hết ngày 20/8.

Bảo Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/an-tuong-lien-hoan-nghe-thuat-quan-chung-cac-dan-toc-tay-bac-20190820121054171.htm