Ấn tượng ngôi chùa với nhiều công trình phật giáo độc đáo

Tọa lạc tại phố Bằng Liệt (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), chùa Bằng được xây dựng từ thời Hậu Lê có niên đại trên 400 năm. Không chỉ mang giá trị lịch sử với nhiều cổ vật in dấu thời gian, chùa Bằng còn có khuôn viên với nhiều công trình mới đậm chất phật giáo mà bất cứ ai một lần đến đây đều ấn tượng.

Chùa Bằng còn có tên là chùa Linh Tiên. Trong lịch sử, đây từng là một ngôi chùa lớn của vùng đất Thủ đô. Sau những lần phá rồi trùng tu lại, tại chùa Bằng hiện nay, ngay ở nhà tiền đường của ngôi chùa mới xây dựng cách đây gần nửa thế kỉ, còn giữ lại tấm bia cổ có niên đại giữa thế kỉ XVII.

Chùa Bằng hiện lưu giữ được một số công trình kiến trúc nghệ thuật như tòa Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, Khu Tháp Tổ, bia đá, chuông đồng, thống đá.

Chính điện thờ Tam bảo với kiến trúc độc đáo

Chính điện thờ Tam bảo với kiến trúc độc đáo

Tòa thượng điện là công trình chính của chùa (thượng điện hay chính điện thờ Tam bảo). Trong quá trình trùng tu đã phát hiện cách xây dựng độc đáo của tiền nhân với hệ thống “móng treo” rất đặc biệt, bên trong lòng móng có hàng trăm viên gạch “vồ” của thế kỷ 15, 16.

Tuy năm 1945 có trùng tu lại sau khi bị chiến tranh nhưng đó chỉ thay phần mái gỗ lợp ngói thành bê tông còn hệ thống tường móng giữ nguyên của đợt đại trùng tu theo bia “Linh Tiên tự ký” (tạo năm 1654). Hiện nay rất ít công trình kiến trúc đình đền chùa miếu còn loại gạch móng như ở chùa này.

Nhà thờ Tổ được tạo dựng bằng gỗ lim. Ngôi nhà này cũng giữ được vẻ độc đáo còn lại ở Việt Nam với hệ thống 6 hàng cột.

Bảo tháp Báo Ân đã được xác lập kỷ lục tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam

Tháp Báo Ân được xây dựng theo mẫu thiết kế của các kiến trúc sư Việt Nam nổi tiếng và có tham khảo ý kiến của kiến trúc sư Nhật Bản. Bảo tháp được xây dựng trên nguyên tắc kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Tháp gồm 13 tầng theo phẩm Phú chúc, kinh Niết bàn. 8 cột trụ ngoài của tháp đều được làm bằng đá, chạm theo hình long phượng, tượng trưng cho khí âm dương hòa hợp. Bên trong Tháp tôn trí 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá. Chung quanh tháp tôn trí 4 tượng Thiên Vương (Đông phương: Trì Quốc Thiên Vương; Nam phương: Tăng Trưởng Thiên Vương; Tây phương: Quảng Mục Thiên Vương; Bắc phương: Đa Văn Thiên Vương) bằng đá, cao 3,50m.

Buổi tối, tòa tháp tỏa sáng cả một vùng

Bảo tháp Báo Ân đã được xác lập 2 kỷ lục: Năm 2007, tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam; năm 2010, tháp có nhiều tượng Phật bằng đồng nhất Việt Nam.

Các ngôi tháp cổ

Vườn chùa hiện còn 6 ngôi tháp thờ chư vị tổ sư và các sư giác linh, trong đó có những ngôi tháp cổ: Linh Quang thờ Thiền Sư Tính Tuyên; Tháp Từ Quang thờ thiền sư Chiếu Sửu – Trí Điển.

Các pho tượng La Hán

Bên cạnh quy mô tháp Báo Ân là 18 pho tượng La Hán thẳng hàng được kiến trúc theo dáng mẫu của các vị La Hán chùa Tây Phương (Hà Nội).

Tiếp đó là Quan Âm viên, được tôn trí bởi 45 pho tượng được làm bằng đá trắng cùng kích cỡ, thể hiện tinh hoa văn hóa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam.

Quan Âm viên

Hiện nay, chùa Bằng không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử thăm quan, lễ bái mà chùa còn là trụ sở tổ chức một số hoạt động của Hội Phật giáo thành phố Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức các khóa tu ngắn hạn cho nhân dân, thanh thiếu niên, sinh viên.

Nhiều khóa tu ngắn hạn dành cho thanh thiếu niên, sinh viên.

Lối đi trong khuôn viên chùa luôn xanh mát

Mặc dù các kiến trúc xưa đã không còn, không ít những hiện vật quý hiếm (trong đó có chuông đồng lớn của chùa) đã bị thất lạc, nhưng một vài tấm bia cổ, chiếc chuông chùa hiện còn và cảnh quan đẹp đẽ của chùa đã khiến cho chùa Linh Tiên hiện nay không hổ thẹn với lời khen xưa: “Là nơi danh lam phúc đức nổi tiếng trong rừng thiền”.

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/an-tuong-ngoi-chua-voi-nhieu-cong-trinh-phat-giao-doc-dao-98769.html