Ấn tượng sân khấu thực cảnh đầu tiên mô phỏng không gian Hội An cổ xưa

Tối 28.7, tại khu vực Cồn Hội (Cẩm Nam, Hội An), Công viên văn hóa chủ đề 'Ấn tượng Hội An - Hội An Impression Theme Park' đã khai trương.

Vở diễn "Ác bá cưỡng hôn". Ảnh: H.V.M

Đây là một “Theme Park” đầu tiên tại Việt Nam – một sân khấu thực cảnh với các công trình kiến trúc của Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây... mô phỏng không gian Hội An cổ xưa.

“Theme Park” khởi nguồn từ ý tưởng về con thuyền đưa du khách băng qua dòng sông thời gian để trải nghiệm những nét đẹp tinh tế, độc đáo của miền di sản Hội An.

Một hoạt cảnh trong vở diễn “Ký ức Hội An”.

Nét độc đáo nhất của “Theme Park” là sự hòa quyện với những nét văn hóa dân gian truyền thống của Hội An và Quảng Nam như các điệu hò khoan, hát bài chòi, hay các tích chuyện… được thể hiện bằng những vở diễn tương tác độc đáo, sinh động.

Hoạt cảnh đường phố ở khu “Khoái hoạt lâm“. Ảnh: H.V.M

Đó là những Trại hò đánh hổ, Bà chúa Tằm Tang, khu rừng hạnh phúc, Ác bá cưỡng hôn, đám cưới Công chúa Ngọc Hoa với Thương nhân Nhật Bản, Trại hò đánh hổ… Rất thú vị là ở đây, du khách còn được tương tác, hóa thân vào các nhân vật dân gian.

Khu trà đạo Nhật Bản. Ảnh: H.V.M

Và điểm nhấn cuối cùng chính là vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” với sự trình diễn của hơn 500 diễn viên chuyên nghiệp. Vở diễn được đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức thể hiện gồm âm nhạc, ánh sáng đến nghệ thuật tạo hình, biểu diễn… trong không gian ngoài trời hơn 3.000 chỗ.

Đây là sản phẩm quy tụ đội ngũ Ban cố vấn là các chuyên gia hàng đầu trong nước về âm nhạc, kiến trúc, biên đạo múa, trang phục… cùng với các chuyên gia nghệ thuật thực cảnh hàng đầu thế giới.

Hoạt cảnh đường phố. Ảnh: H.V.M

Vở diễn hướng tới mục đích lan tỏa những nét văn hóa độc đáo, rực rỡ sắc màu của Hội An xưa và nay thông qua những mảnh ghép ký ức về phố Hội - nơi từng là thương cảng sầm uất, giao thoa văn hóa Đông - Tây từ 400 năm trước.

Vở diễn “Ác bá cưỡng hôn“. Ảnh: H.V.M

Dịp này cũng miễn phí vé vào cửa (800.000 đồng/vé) cho người dân địa phương một thời gian như một lời tri ân.

Nhưng “điều kiện” nhỏ là họ phải mặc áo dài để “làm đẹp” chương trình cũng như tôn vinh nét đẹp, một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hoàng Văn Minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/an-tuong-san-khau-thuc-canh-dau-tien-mo-phong-khong-gian-hoi-an-co-xua-621827.ldo