Ấn tượng thế giới 2019

Thế giới trải qua năm 2019 với nhiều diễn biến không thuận khi những điểm nóng xung đột, đối đầu không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu phức tạp thêm. Thế giới cũng ngày càng phát sinh nhiều mối nguy về an ninh, đáng chú ý nhất là an ninh hàng hải và an ninh mạng.

Các vùng biển “dậy sóng”

Chưa khi nào vấn đề an ninh hàng hải trở nên nóng như hiện nay, với việc “chế ngự” chương trình nghị sự của nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế. Sự tồn tại của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vùng biển đang tạo thêm khó khăn trong việc quản lý và thực thi an toàn và an ninh hàng hải, nhất là trong bối cảnh các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga đều đang đưa ra những chính sách riêng trên biển.

Tại Biển Ðông – trung tâm hàng hải quan trọng của thế giới, từ tháng 7 vừa qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm và thăm dò địa vật lý trên vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Australia… đã lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng.

Các tàu chiến của Trung Quốc tại Biển Ðông. (Ảnh: AP)

Mặt khác, các nước trong khu vực dường như cũng đang tăng cường phòng thủ và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia thông qua hiện đại hóa quân sự và các thỏa thuận quốc phòng. Trên hết, các nước đều cho rằng, việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, là điều kiện tiên quyết để duy trì hòa bình, ổn định trên khu vực Biển Ðông.

Trong khi đó, tại vùng Vịnh, hàng loạt vụ tấn công vào tàu chở dầu đã xảy ra trong vài tháng qua, gián tiếp làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Iran, buộc Mỹ thành lập một liên minh hải quân bảo vệ tuyến đường hàng hải trong khu vực vốn là trọng điểm cung cấp dầu cho toàn thế giới. Phía phương Tây, Vương quốc Anh và Australia là những thành viên chính của liên minh, đã đồng ý cung cấp tàu chiến để đảm bảo an toàn cho giao thông hàng hải trong vùng Vịnh.

Tàu dầu bốc cháy sau khi bị tấn công ở vịnh Oman hôm 13-6. (Reuters)

Phần lớn các nước châu Âu từ chối tham gia, vì sợ làm suy yếu nỗ lực của họ để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn bị lung lay kể từ khi Mỹ rút đi. Iran, tự cho mình là người bảo vệ vùng Vịnh, cũng đã trình bày một kế hoạch khu vực nhằm đảm bảo “an ninh năng lượng và tự do hàng hải ở vùng Vịnh”.

Cuộc chiến không khoan nhượng chống tin giả

Câu chuyện về nạn tin tức giả “nóng” trở lại vào những ngày cuối năm 2019 khi chính phủ Singapore hôm 29-11-2019 yêu cầu Facebook phải đăng thông báo sửa lỗi trên một bài đăng ngày 23-11-2019, trong đó có các cáo buộc về việc bắt giữ một người tố cáo và gian lận bầu cử. Một ngày sau, Facebook đã thực thi theo đúng yêu cầu.

Từ đầu năm, Facebook chặn trên dưới 20.000 nội dung phạm pháp theo yêu cầu của các chính phủ, song đây là lần đầu tiên mạng xã hội này phải ra thông báo chỉnh sửa, cho thấy sự quyết liệt của Singapore trong chống nạn tin giả và cũng cho thấy hiệu quả cụ thể của Luật Chống thông tin giả mạo, thao túng trực tuyến của Singapore vừa có hiệu lực từ ngày 2-10-2019.

Biểu tình tại Bolivia (Ảnh: Reuters)

Rõ ràng, Internet và mạng xã hội đang đem lại những lợi ích không thể phủ nhận, song mặt trái của nó là nạn tin giả lan tràn tạo ra hệ lụy lớn, thậm chí có thể hủy hoại an ninh quốc gia. Không chỉ quốc đảo Sư tử, các quốc gia khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ đang thắt chặt các biện pháp về thể chế cũng như tăng cường công cụ chống lại nạn tin giả.

Một số nước thậm chí ban hành luật phạt nặng các cá nhân và mạng xã hội lan truyền tin tức thất thiệt, bạo lực với mức án tù lên đến 10 năm. Số liệu của Liên Hợp Quốc cho biết 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành luật về an ninh mạng, hơn 10 nước khác đang gấp rút chuẩn bị để ban hành.

“Cuộc chiến” không khoan nhượng trong lòng nước Mỹ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 24-9-2019 tuyên bố bắt đầu một cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump với cáo buộc ông chủ Nhà Trắng lạm quyền khi thúc ép Ukraine tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai, trong bối cảnh ông Biden là một ứng viên sáng giá tranh cử Tổng thống Mỹ 2020.

Giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ luôn có những trận sóng ngầm. (Ảnh: Reuters)

Phiên điều trần công khai đầu tiên diễn ra hôm 13-11-2019, dù không đạt kết quả như phe Dân chủ mong muốn, nhưng lại thu hút sự chú ý không khác gì “bom tấn truyền hình”. Sự việc này một lần nữa khắc họa rõ hơn sự bất đồng giữa hai đảng lớn của Mỹ là Cộng hòa và Dân chủ.

Ngay từ khi ông Trump, một người đảng Cộng hòa, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, đảng Dân chủ đã tố Nga can thiệp và từ đó tiến hành một cuộc điều tra về sự dính líu của Nga vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, một “cuộc săn phù thủy” mà cả ông Trump lẫn Nga đều bác bỏ. Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ và đưa ra nhiều cuộc điều tra về các hoạt động tài chính của ông Trump mà mới nhất chính là cuộc điều tra luận tội liên quan đến Ukraine, chuyển thể từ việc “tìm ra sự thật” sang “xem xét các cáo buộc có thể áp dụng với thỏa thuận giữa ông và Ukraine”.

Ðảng Dân chủ hy vọng, các cuộc điều trần luận tội diễn ra trước Lễ Tạ ơn - một số trong đó được coi như “bom tấn” - sẽ giúp thúc đẩy quan điểm dư luận đối với việc luận tội và bãi nhiệm Tổng thống, tương tự như điều mà các phiên điều trần luận tội Tổng thống Richard Nixon do Hạ viện (Dân chủ chiếm đa số) tiền hành mùa hè năm 1974 đã làm được.

Nguy cơ rạn vỡ các thỏa thuận quốc tế

Các thỏa thuận quốc tế liên tục bị các “nước nói lời chia tay” trong khoảng nửa cuối năm 2019, trong đó nổi lên là việc Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2-8-2019 sau khi Washington và Moscow liên tiếp lên tiếng cáo buộc nhau về việc phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận. Giới quan sát lo ngại việc các bên từ bỏ hiệp ước có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thì cảnh báo rằng thế giới đã mất một "chiếc phanh vô giá" đối với chiến tranh hạt nhân. Nhưng sau khi rút khỏi INF, Mỹ lại tiếp tục ngỏ khả năng không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới).

Ngoài các Hiệp ước trên, ngày 4-11-2019, Mỹ cũng đã chính thức khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ðộng thái này khiến các nước phải tìm ra bước đi mới để bảo vệ môi trường sống mà không có sự hợp tác của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lý do được Washington đưa ra đó là Hiệp định mang lại gánh nặng về tài chính và kinh tế, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác, nhất là trong ngành công nghiệp than đá. Ông Trump còn khẳng định quyết định rút khỏi Hiệp định này “tượng trưng cho sự tái khẳng định chủ quyền Mỹ”. Cũng trong ngày 4-11-2019, Ấn Ðộ tuyên bố không tham gia Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cho dù những lợi ích mà quốc gia Nam Á này có thể có được từ Hiệp định này là rất lớn.

Phùng-Chi-Tuyến-Trung

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/an-tuong-the-gioi-2019-577354/