Ấn tượng về những lần được gặp Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Hôm nay (19/9) là khánh thọ lần thứ 103 của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu. Giáo sư là một nhà văn hóa lớn, một nhân cách lớn, chân dung một con người luôn ấn tượng sâu đậm trong lòng muôn tình bạn...

Quý trọng và khâm phục GS. AHLĐ Vũ Khiêu, một tấm gương lao động không ngừng nghỉ, một con người có nhiều cống hiến cho đất nước đã thôi thúc tôi những năm qua sưu tầm nhiều tư liệu về vị Giáo sư đáng kính của nhân dân!

Việc tìm hiểu nghiên cứu những tư liệu quý giá ấy đã giúp tôi nhận ra ở GS. AHLĐ Vũ Khiêu, một trí thức lớn hội tụ nhiều phẩm chất cao đẹp của thời đại: Có tư duy uyên bác, tầm nhìn xa trông rộng, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, khát vọng dân tộc chân chính, luôn gần gũi và gắn bó với các tầng lớp nhân dân…

Bức chân dung GS. AHLĐ Vũ Khiêu ghép từ hơn 10.800 bức ảnh nhỏ

Giáo sư luôn tự hào về cuộc sống vật chất có phần thanh đạm của mình nhưng đổi lại Giáo sư có hàng ngàn, hàng vạn bạn bè thân hữu khắp các vùng miền của đất nước, cùng đồng tâm, đồng chí với ông đang hàng ngày hàng giờ nỗ lực nghiên cứu học tập, lao động, sáng tạo đóng góp công sức, trí tuệ, tinh thần và vật chất cho nền văn hiến Việt trường tồn phát triển mãi mãi. Ông lấy đó làm niềm tin yêu cuộc sống làm động lực nghiên cứu sáng tạo không ngừng.

Cao Phong là phong thái cao cả, chữ mà Cao Bá Quát dùng ngợi ca Chu Văn An, người thầy tiêu biểu, tấm gương lớn của lịch sử dân tộc. Trân trọng Chu Văn An và ý nghĩa chữ của Cao Bá Quát, ông lấy bút danh đầu tiên là Cao Phong làm động lực thôi thúc học tập, nghiên cứu và cống hiến tâm lực, trí tuệ cho non sông đất nước.

Những tấm ảnh nhỏ hiện ra rõ rệt khi nhìn gần

Người viết bài này, vô cùng may nắm, vinh dự được gần gũi Giáo sư Vũ Khiêu nhiều năm. Cho đến tận bây giờ vẫn không thể nào quên ấn tượng về lần đầu được gặp Giáo sư cách đây gần 15 năm trước. Khi đó, tình cờ tôi đọc trên báo thấy tin của Giáo sư với nhan đề “Trời đã hại tôi” kể về sự ra đi đột ngột của một cậu sinh viên giúp việc cho Giáo sư.

Xúc động khi biết Giáo sư đã đưa di ảnh của cậu sinh viên về nhà mình để thờ như một người thân trong gia đình, tôi đã đến xin được gặp Giáo sư dù chỉ một lần vì lòng ngưỡng mộ. Chưa một lần được gặp, vậy mà lần đầu Giáo sư đã dành những tình cảm nồng hậu đón tiếp một cậu sinh viên nhà quê mới ra trường còn ngơ ngác chưa biết cách xưng hô như thế nào với Giáo sư.

Giáo sư thăm hỏi từng thành viên trong gia đình tôi, hỏi về tình hình công việc của tôi hiện tại. Và Giáo sư bỗng tươi cười khi biết tôi là người đang giúp việc đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng và Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN là những người bạn tri kỷ của Giáo sư. Thế là, Giáo sư gọi người giúp việc mang giấy để Giáo sư đề tặng ngay một đôi câu đối “làm quà” gặp mặt cho tôi:

“Thiên thu hoa thảo bồi Nguyên khí

Tứ bích đồ thư thiện chính tâm”

Ra về, Giáo sư tiễn ra tận cổng và căn dặn: “bất cứ khi nào rảnh cháu cũng có thể đến gặp và nói chuyện với bác nhé”. Vậy là từ đó, tôi có nhân duyên được qua lại thăm Giáo sư vào những khi lễ tết hay những lúc có công việc xã hội cần xin ý kiến Giáo sư.

Mỗi khi gia đình tôi có công to việc lớn đều vinh dự được Giáo sư tặng câu đối động viên. Nhớ năm tôi xây dựng gia đình, vào gần ngày cưới Giáo sư cho gọi hai vợ chồng đến nhà và đề tặng câu đối chúc phúc:

"Châu tâm tỏa xuống cùng hoa thảo

Nguyên khí bừng lên với núi sông"

Hai bạn trẻ vinh dự được GS. AHLĐ Vũ Khiêu chúc phúc trong ngày vui đính hôn hạnh phúc trăm năm.

Bút danh Quyết Tuấn của tác giả bài viết này, cũng là tên hai người con của tác giả đã được Giáo sư đề tặng khi các cháu mới sinh:

"Nhập thế, Quyết tâm cao sự nghiệp

Tiền đồ, Tuấn mã đại thành công"

Năm 2011, khi gia đình tôi khánh thành nhà thờ đã được Giáo sư tặng đôi câu đối mừng tân gia như sau:

"Tổ phụ thanh cần, dĩ học tề gia lưu sự nghiệp

Nhi tôn minh trí, kiên trung báo quốc hiển thanh danh"

Mỗi lần được Giáo sư đề tặng câu đối, Giáo sư đều tỷ mỉ giải thích ý nghĩa của từng câu đối cũng như những lời khuyên và hướng đi trong cuộc sống đối với tôi và gia đình.

Gần 15 năm vinh dự được tiếp xúc và gần gũi Giáo sư, được tận mắt chứng kiến Giáo sư miệt mài tận tụy nghiên cứu suốt ngày đêm, tôi vô cùng xúc động khi thấy dù bận rộn với bao công việc nhưng hễ có khách đến nhà dù là chính khách hay thường dân thì bao giờ Giáo sư cũng tiếp đón, trò chuyện, trao đổi công việc ân cần trân trọng.

Xúc động trước một nhân cách lớn như GS. AHLĐ Vũ Khiêu, chúng tôi cùng các cộng sự đã lên kế hoạch làm tác phẩm chân dung GS. AHLĐ Vũ Khiêu được ghép từ hàng vạn tấm ảnh nhỏ, thể hiện đầy đủ những khoảnh khắc của về Giáo sư với muôn tình bạn trong hơn 100 năm qua.

Tác giả bài viết, may mắn được GS. AHLĐ Vũ Khiêu đặt bút danh khi vào nghề báo

Với hàng vạn bức ảnh tư liệu do chúng tôi tự sưu tầm, do gia đình và phòng ảnh TTXVN cung cấp, sau một thời gian chuẩn bị và thực hiện, bức chân dung có kích thước 1,2m x 1,5m được ghép từ 10.800 bức chân dung nhỏ, ngoài 1.500 hình ảnh của GS. AHLĐ Vũ Khiêu qua các thời kỳ còn có hơn 30.000 hình ảnh về bạn bè của Giáo sư đã toát lên ý nghĩa Giáo sư với muôn tình bạn. Bức chân dung khắc họa Giáo sư dù đã "Bách niên" vẫn đang miệt mài thầm lặng nghiên cứu khoa học trong thư phòng, nơi lưu giữ nhiều công trình, tác phẩm nổi tiếng ghi nhận sự cống hiến lớn lao của ông đối với nền văn hóa nước nhà như: Văn hiến Việt, Tổng tập Thăng Long – Hà Nội, Anh hùng và Nghệ sĩ…

Xúc động nhất khi được nghe Giáo sư chia sẻ: "Năm bác 85 tuổi cũng đã có ý định nghỉ không làm việc nghiên cứu và công tác xã hội nữa để sớm tối ngâm thơ chơi hoa, tập thể dục dưỡng sinh như bao bậc phụ lão khác. Nhưng cuối năm đó, bác được nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động". Ngày đêm bác suy nghĩ phải làm gì để ngày càng xứng đáng với danh hiệu cao quý này. Thế là kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, 5 năm lần thứ hai, rồi đến 5 năm lần thứ ba. Nay ở tuổi bách niên lại được các cháu tặng bức chân dung thấm đẫm muôn vàn nghĩa tình bầu bạn, bác nghĩ bác sẽ làm việc không ngưng nghỉ lao động, học tập, nghiên cứu đến hơi thở cuối cùng để không phụ tấm chân tình của anh em. Ở cái tuối này rồi, không ai nói trước được điều gì. Kế hoạch phía trước của bác là 5 năm tới hoàn thành rồi tính tiếp..."

Từ trong sâu thẳm tâm hồn của những người thực hiện công việc trên, chúng tôi luôn cầu chúc Giáo sư mãi “Trường Lạc – Vĩnh Khang” và xin kính tặng Giáo sư đôi câu đối với mong ước Giáo sư tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho nền văn hóa Việt Nam:

“Liêm trinh, minh triết thâu kim cổ

Nghệ sĩ, anh hùng vạn đại ca”

Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường), vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng của tỉnh Nam Định. Giáo sư là người ham học và học giỏi từ khi còn rất nhỏ.

Tốt nghiệp tú tài trường Bonnal tại Hải Phòng, ngoài việc học ở thầy, ở lớp, giáo sư luôn luôn tự học, tự nghiên cứu để có một khối lượng kiến thức đồ sộ, sâu rộng. Với lòng yêu nước nồng nàn, giáo sư đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, đã từng làm việc với nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức nổi tiếng như Thế Lữ, Thanh Tịnh, Trần Dần, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Vân…

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, giáo sư đã đảm nhận nhiều trọng trách như Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Xã hội Việt Nam… và tham gia rất nhiều hoạt động đối ngoại lớn của đất nước.

Giáo sư Vũ Khiêu là người có kiến thức xã hội rộng lớn, thâm sâu và đứng đầu, bậc thầy của một số lĩnh vực nghiên cứu như Mỹ học, Xã hội học, các thể loại cổ văn, là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học Việt Nam. Giáo sư đã từng giảng dạy tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của nước ta; đã viết, sáng tác, sáng tạo hàng trăm tác phẩm và nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn.

Là một nhà hoạt động cách mạng lão thành, một nhân sĩ, trí thức, một nhà khoa học lớn và tiêu biểu của đất nước, giáo sư Vũ Khiêu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996, danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2006 và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Vương Xuân Nguyên

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/an-tuong-ve-nhung-lan-duoc-gap-giao-su-anh-hung-lao-dong-vu-khieu-51790.htm