Ẩn ý sau việc Nga triển khai 4 Lữ đoàn tên lửa gần Trung Quốc

Dù cho Nga không nói về mối lo ngại với Trung Quốc, nhưng việc triển khai 4 lữ đoàn tên lửa là ví dụ điển hình cho sự lo ngại của Moscow với sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Theo The Diplomat, truyền thông Nga đưa tin, thêm một lữ đoàn tên lửa mặt đất ở Quân khu phía Đông của Nga được nhận tên lửa Iskander-M.

Lữ đoàn này là lữ đoàn tên lửa số 3, thuộc quân đoàn 29 đóng quân ở Quân khu phía Đông.

Được thành lập vào tháng 12/2016, Lữ đoàn này được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo 9K79-1 Tochka-U. Được biết, tên lửa Iskander-M sẽ thay thế cho hệ thống 9K79-1 Tochka-U.

Đây là Lữ đoàn thứ 4 Quân khu này được tái trang bị với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Ba lữ đoàn khác cùng nằm trong quân khu là lữ đoàn 107, 103 và 20 nhận được tên lửa Iskander-M OTRKs vào năm 2013, 2015 và 2016.

Như vậy, quân khu phía Đông là nơi có nhiều Lữ đoàn tên lửa Iskander-M nhất ở Nga. Ba quân khu chiến lược khác khác (Trung tâm, phía Nam và phía Tây) mỗi tỉnh chỉ có 2 tên lửa Iskander-M.

Truyền thông Nga đưa tin, thêm một lữ đoàn tên lửa mặt đất ở Quân khu phía Đông của Nga được nhận tên lửa Iskander-M. Ảnh minh họa.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao quân khu này lại được điều động tới tận 4 tên lửa Iskander-M như vậy?

Dù cho về cơ bản, nhiệm vụ của tên lửa Iskander-M OTRKs đang được triển khai ở Quân khu phía Đông của Nga là để răn đe Mỹ cũng như các lực lượng đồng minh ở Baltics và Ba Lan. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa đặt ở dây còn mang một mục đích khác: Tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân, chống lại Trung Quốc.

Thực sự, hệ thống Iskander-M đặt ở Kaliningrad Oblast của Nga cho phép Moscow nhắm được một loạt mục tiêu của NATO, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở Ba Lan.

Theo các nguồn tin của Nga, tên lửa đạn đạo 9M723 của hệ thống Iskander-M có tầm bắn khoảng 400-500 km. Trong khi tên lửa hành trình tấn công mặt đất 9M728/R-500 có tầm bắn dưới 500 km.

Nga không còn căn cứ tên lửa nào gần Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong 4 Lữ đoàn ở Quân khu phía Đông, có 2 Lữ đoàn số 20 và 107 nằm trong khu tự trị Do Thái và vùng Primorsky. Hai khu vực này đều có biên giới với Trung Quốc.

Vùng Primorsky có 17 km biên giới với Triều Tiên. Điều đó cho thấy, mục đích chính của 2 Lữ đoàn này là để đối phó với Trung Quốc và các tình huống bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên.

Vị trí của hai tên lửa Iskander-M của Lữ đoàn phía Đông cũng hướng trọng tâm về phía Trung Quốc.

Lữ đoàn 103 đóng quân ở khu vực giáp Mông Cổ, lữ đoàn 3 mới thành lập đóng quân ở Zabaykalsky, giáp khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Bênh cạnh đó, Nga cũng tổ chức nhiều hơn các cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông.

Roger N. McDermott, thành viên cao cấp quỹ Jamestown từng kết luận trong một phân tích của ông về cuộc tập trận mang mật danh Vostok 2014, với sự tham gia của 100.000 binh sĩ rằng, các tướng lĩnh Nga tiếp tục xem Trung Quốc là mối đe dọa tiềm ẩn đối với nước này.

“Với sự quan ngại, việc triển khai Iskander-M ở khu vực giáp ranh bộ Tư lệnh Phương Bắc của Trung Quốc là một động thái hợp lý từ quan điểm của Nga", ông McDermott cho biết.

Các quan chức Nga từng nhiều lần ca ngợi Iskander-M vì khả năng tấn công chính xác. Trong các đợt diễn tập bắn thử ở Quân khu phía Đông, Iskander-M đều đánh trúng mục tiêu ở nhiều cự ly khác nhau.

Ngoài ra, khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Iskander-M cũng giúp tăng cường việc răn đe hạt nhân cho Nga.

Một số nhà phân tích cho rằng, ưu thế vũ khí thông thường của Nga so với Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều. Do đó, các hệ thống phi chiến lược như Iskander-M đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc đối phó Trung Quốc.

Đào Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/an-y-sau-viec-nga-trien-khai-4-lu-doan-ten-lua-gan-trung-quoc-a332664.html